MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều sức ép cần vượt qua khi tham gia AEC

Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM vừa tổ chức Hội nghị “Thông tin những cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN có hiệu lực”.

Tại Hội nghị, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), đồng thời là Phó Đoàn đàm phán Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) của Việt Nam công bố các nghiên cứu cho thấy Việt Nam gặp khá nhiều thách thức so với các nước khác khi gia nhập AEC.

Ông Thái phân tích, các lĩnh vực cụ thể mà Việt Nam sẽ chịu nhiều sức ép cạnh tranh là các thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, di chuyển của người lao động có tay nghề, tự do hóa luồng di chuyển vốn,…

Một nghiên cứu về tiền công trung bình hàng ngày của công nhân của các nước ASEAN so với Trung Quốc cho thấy thị trường Việt Nam thậm chí kém hấp dẫn hơn so với Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia và Singapore. Trong khi đó, nếu so sánh với thị trường lao động Trung Quốc thì tiền công cho một lao động ở Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/4. Hiện, tiền công trung bình hàng ngày của một công nhân tại Việt Nam chỉ ở mức 6,7 USD, trong khi ở Trung Quốc là 27,5 USD.

Đối với chỉ tiêu so sánh về năng suất lao động, Việt Nam thậm chí thấp hơn nhiều lần so với Indonesia (3,7 lần), Philippines (4,3 lần), Thái Lan (5,5 lần), Malaysia (8,7 lần) và Singapore (15 lần).

Dù kém hấp dẫn hơn về tiêu chí năng suất lao động so với các nước ASEAN, nhưng nếu so sánh với năng suất lao động tại Trung Quốc thì ngay cả 6 quốc gia ASEAN, gồm Việt Nam, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia và Singapore cộng tại vẫn chưa thể theo kịp Trung Quốc.

Ông Thái cho rằng muốn cạnh tranh thì các nước trong ASEAN phải xây dựng được một khu vực thương mại chung, cùng với các thỏa thuận thống nhất về thương mại ưu đãi, thị trường chung, liên minh thuế quan…

Theo ông Thái, khi thị trường chung giữa các nước ASEAN đang được xây dựng, ngoài việc loại bỏ thuế nhập khẩu và hàng rào phi quan thuế cho thương mại nội khối, có biểu thuế nhập khẩu chung với đối tác ngoài khối, các thành viên còn xóa bỏ hạn chế đối với việc lưu chuyển các yếu tố sản xuất khác như vốn, lao động…

Trước mắt, AEC đang được xây dựng và chuẩn bị có hiệu lực vào cuối năm nay là một bước tạo đà để các nước ASEAN tiến đến trở thành một thị trường có sức mạnh cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Các tiêu chí hướng đến là hình thành một thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất; một khu vực kinh tế cạnh tranh; phát triển kinh tế đồng đều; hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, tất cả các tiêu chí dựa trên nền tảng phát triển nguồn nhân lực và khoa học kỹ thuật.

Giải pháp được khuyến nghị đối với Việt Nam khi tham gia AEC bao gồm các chiến lược về thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (Hiệp định TPP, FTA với EU và Liên minh kinh tế Á-Âu...) để mở ra các cơ hội thị trường mới, tránh phụ thuộc vào khu vực Đông Á.

Ngoài ra, cần tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp qua các giải pháp cụ thể về cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam cần chủ động trong việc xem xét, triển khai các biện pháp quyết liệt để tháo gỡ các vướng mắc đối với sự phát triển của các ngành quan trọng theo hướng chất lượng, hiệu quả.

 

Theo Phương Dy

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên