MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những khoảng cách lớn cần kiên trì san lấp

Mặc dù kinh tế Việt Nam đã đạt nhiều thành quả quan trọng nhưng vẫn còn đó những khoảng cách lớn cần kiên trì san lấp.

Năm 1990, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 98 USD/người thì thế giới là 4.000 USD/người. Sau 25 năm phấn đấu, kinh tế phát triển nhanh, GDP bình quân của Việt Nam đã vượt 2.000 USD/người, nhưng thế giới đã đạt bình quân hơn 10.000 USD/người.

Như vậy, khoảng cách tương đối đã được rút ngắn ngoạn mục, từ khoảng 40 lần xuống còn khoảng 5 lần. Nhưng khoảng cách tuyệt đối đã tăng lên 8.000 USD/người hay là “hố ngăn cách” đã tăng gấp đôi sau 25 năm.

Tương tự, từ một nước chủ yếu là nông nghiệp và nông thôn khi mới thống nhất, nước ta đã có tỉ lệ dân đô thị đạt 1/3, nhưng thế giới đã đạt tỉ lệ đô thị hóa 53%. Các chỉ tiêu khác cũng thể hiện rõ sự thua kém so với bình quân thế giới. Giá trị sản lượng nông nghiệp đạt 37 tỉ USD, đứng thứ 19 trên thế giới nhưng chất lượng còn thấp...

Nhìn rộng hơn, bước vào nhiệm kỳ 5 năm 2016-2020, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Việt Nam cũng phải đương đầu, đối mặt, vượt qua những khó khăn thách thức không nhỏ. Đó là sự phục hồi chậm và còn nhiều khó khăn của kinh tế thế giới; tình hình diễn biến phức tạp, căng thẳng, rất khó lường ở khu vực và trên thế giới; sự cạnh tranh rất quyết liệt, gay gắt trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng và nền kinh tế phát triển chưa thật bền vững, sức cạnh tranh của nền kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam còn chưa cao…

Đây là những khoảng cách lớn mà Việt Nam phải kiên trì san lấp. Tại Diễn đàn Đối tác Phát triển vừa qua, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã trình bày 5 nhóm giải pháp để trong giai đoạn tới, Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn giai đoạn 2011-2015. Các giải pháp này khá toàn diện và đồng bộ, trong đó cần đặc biệt lưu ý tới một số khía cạnh.

Với nhóm giải pháp chung, cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả tái cơ cấu trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; giữ bội chi ngân sách giai đoạn 2016-2020 trung bình dưới 4% năm theo Luật Ngân sách mới; bảo đảm an ninh tài chính, an toàn nợ công, bảo đảm an toàn quỹ bảo hiểm xã hội.

Đây là nhóm giải pháp đòi hỏi phải kiên trì thực hiện, sẽ quyết định sự phát triển KT-XH trong dài hạn. Kiên quyết thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí sẽ tạo thêm niềm tin cho người dân. Đó cũng là điều kiện để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Với nhóm giải pháp thể chế, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, theo hướng đầy đủ hơn, hiện đại hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế; phát triển và vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường, trong đó có thị trường đất đai, thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường khoa học-công nghệ và các loại thị trường khác.

Ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân. Phải kiên trì cải cách DNNN để khu vực này tham gia vào thị trường một cách bình đẳng, chấp nhận cạnh tranh như mọi khu vực kinh tế khác. Phải nâng cao được chất lượng doanh nghiệp để thích ứng với hội nhập và cạnh tranh gay gắt.

Với nhóm giải pháp hội nhập, Việt Nam hiện có 14 hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương (đã và sắp có hiệu lực) với 55 quốc gia có nền kinh tế phát triển, trong đó có 15 nước thuộc G20, đồng thời có quan hệ thương mại với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư vào Việt Nam.

Điều này đòi hỏi những kế hoạch hành động thật căn cơ, tỉ mỉ, thích hợp với từng hiệp định và lộ trình sát hợp. Nhiều thỏa thuận sẽ đặt ra áp lực sớm và mạnh như với Hàn Quốc, EU hay ASEAN… mà không thể nói chung chung.

Ở đây, vai trò của các Hiệp hội ngành hàng rất quan trọng để có các hành động mang tính tập thể ở tầm quốc gia, tạo ra sự ứng phó tập thể, không chỉ tận dụng các cơ hội “tĩnh” như giảm thuế quan, mà còn chủ động thích ứng với các thách thức mới, tạo ra sự chuyển biến “động”, chuyển “nguy cơ” thành “cơ hội”, vươn lên không ngừng. Như vậy, Việt Nam mới có thể thực hiện tốt các FTA thế hệ mới, đưa nền kinh tế nước ta có vị thế ngày càng cao trong gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu…

Với nhóm giải pháp phát triển xã hội, phải bảo đảm tốt hơn tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện tốt hơn đời sống người dân, nhất là người dân sống ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không để khoảng cách phát triển quá xa trong cộng đồng các tầng lớp nhân dân. Cần chú trọng đến phát triển hài hòa, chăm lo người yếu thế (người thiểu số, người khuyết tật, người nghèo), đồng thời cũng tạo cơ hội làm giầu chính đáng cho cả người có thu nhập trung lưu và người thu nhập cao, không để ai bị bỏ lại bên lề của sự phát triển.

Với nhóm giải pháp tổ chức thực hiện, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống quản lý hành chính Nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện thể chế, luật pháp, bảo đảm quyền dân chủ, tự do, quyền sở hữu của người dân, quyền con người, quyền công dân mà Hiến pháp 2013 đã hiến định.

Trong khi chú trọng tăng cường vai trò của Nhà nước pháp quyền, đồng thời phải lắng nghe tiếng nói của người dân, tăng cường sự giám sát trực tiếp của xã hội, của người dân và các tổ chức xã hội khác nhau. Việc sử dụng mạng lưới công nghệ thông tin viễn thông, nhất là Internet để hoàn thiện hơn nữa hệ thống quản lý, tăng cường tương tác người dân, doanh nghiệp với chính quyền sẽ giúp nâng cao hiệu quả của bộ máy và sự phát triển của xã hội nói chung.

Đón chào năm 2016, đón chào Đại hội lần thứ XII của Đảng, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta tin tưởng đất nước sẽ vượt khó vươn lên mạnh mẽ trong thế giới đầy biến động.

Theo GS Nguyễn Quang Thái

Chinhphu.vn

Trở lên trên