MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành nông nghiệp đang tự "đầu độc" chính mình?

Nhiều nông dân không dám ăn sản phẩm của chính mình làm ra. Người trồng rau chỉ dám ăn cá, trong khi người nuôi cá chỉ dám ăn thịt gà, người nuôi gà lại chỉ dám ăn rau… dẫn đến hệ quả là nền nông nghiệp nước ta đang tự đầu độc chính mình một cách hợp pháp.

Đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng, hội nhập đã trở thành tiến trình tất yếu. Bởi ngay sau khi chuyển đổi nền kinh tế từ bao cấp, kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường, nông nghiệp đã là khu vực đi đầu trong hội nhập. Hàng chục sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam đã tràn ra thế giới. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lớn về nông sản.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành, nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn khi Việt Nam gia nhập TPP, AEC cũng như nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Để làm rõ hơn về những cơ hội và thách thức mà ngành nông nghiệp gặp phải, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Vũ Trọng Khải - Nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II tại TP.HCM.

Xin ông cho biết những cơ hội và thách thức đối với người nông dân và ngành nông nghiệp Việt Nam trước bối cảnh hội nhập?

Mặc dù có thể coi là bi quan nhưng tôi nghĩ thách thức sẽ đến nhiều hơn là cơ hội. Thách thức đến từ thể chế kinh tế của Việt Nam chưa tuân thủ triệt để quy luật của thị trường. Hệ thống bộ máy hành chính còn quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu … đang làm thui chột ý chí đầu tư của doanh nghiệp và nông dân.

Người nông dân Việt Nam vẫn là người nông dân “cha truyền con nối”, người nông dân “lão nông tri điền”. Trong khi đó, yêu cầu hội nhập cần một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp đủ năng lực để quản lý những trang trại hàng hóa quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, đủ năng lực để thành lập và quản lý các hợp tác xã.

Người nông dân hiện nay chỉ quản lý mấy mẫu đất, vài chục con heo, trăm con gà… thì làm sao quản lý những cánh đồng mẫu lớn được. Đương nhiên họ cũng không có nhu cầu hợp tác và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Chúng ta chưa có được một đội ngũ doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao để cung ứng đầu vào và đầu ra cho sản xuất nông nghiệp. Hầu hết nông sản của Việt Nam hiện nay không có thương hiệu. Trên thế giới các nông sản đều được quản lý theo chuỗi giá trị ngành hàng, từ trang trại đến bàn ăn. Những chuỗi này đòi hỏi hai chủ thể quan trọng là nông dân sản xuất và doanh nghiệp chế biến.

Bên cạnh đó, chúng ta không có chiến lược sản phẩm nông nghiệp quốc gia theo vùng nông nghiệp sinh thái. Các vùng nông nghiệp còn hình thành tự phát.

Chẳng hạn vùng đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nông dân đã trồng lúa lâu đời nên năng suất, sản lượng lúa cao, chiếm tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Nhưng nghịch lý ở chỗ xuất khẩu nhiều song thu nhập và đời sống người nông dân không tăng lên, trong khi ô nhiễm môi trường tăng. Sản phẩm nông nghiệp không hướng đến thị trường cao cấp để nâng cao giá trị gia tăng.

Điều này dẫn đến tư duy là tỉnh nào cũng chạy theo GDP tỉnh với những con số đẹp, làm mâu thuẫn sự phát triển giữa các tỉnh với nhau. Do đó, đến nay các tỉnh mới bàn đến liên kết vùng.

Vậy theo ông, cơ hội nào dành cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi tham gia hội nhập, đặc biệt là với TPP?

Nông nghiệp hiện nay cứ chạy theo xuất khẩu, dự án nào chúng ta cũng hướng đến xuất khẩu. Ví dụ với mặt hàng gạo, chúng ta đang xuất khẩu với giá rất rẻ cho Philipines từ 355-400USD/tấn. Như vậy, người dân Philipines ăn gạo Việt Nam với giá rẻ chỉ bằng 2/3 người dân Việt Nam ăn gạo của mình. Đây cũng là một nghịch lý.

Chiếc lược sản phẩm cho từng loại sản phẩm phải hướng đến thị trường trong và ngoài nước. Hội nhập không còn phân biệt thị trường trong và ngoài nước. Nếu bỏ trống thị trường trong nước sẽ tạo điều kiện cho nông sản của nước khác xâm nhập vào thị trường Việt Nam, chúng ta sẽ phải chịu cạnh tranh gay gắt và thua trên sân nhà.

Bên cạnh đó, do không có chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong toàn bộ nền nông nghiệp, mà chỉ mới xây dựng khu công nghệ cao điển hình để làm mẫu, vô tình chúng ta thừa nhận nền nông nghiệp truyền thống không ứng dụng công nghệ cao là nền nông nghiệp hợp pháp.

Khi vào TPP, ngành chăn nuôi đứng trước nguy cơ thịt gà, thịt heo từ Mỹ, sữa từ New Zealand, Australia… sẽ tràn vào làm cho ngành chăn nuôi lụi bại.

Tuy nhiên, Việt Nam có những sản phẩm khác biệt có thế mạnh để phát triển như gà Đông Tảo, lợn cắp nách và một số giống gạo địa phương như nếp Tú Lệ… Nếu chú trọng những gen bản địa thì tôi tin chúng ta có thể cạnh tranh được.

Vậy giải pháp nào để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, thưa ông?

Điều quan trọng nhất là phải xây dựng thể chế kinh tế vĩ mô. Hội nhập thì chắc chắn phải thay đổi thể chế, chúng ta đi sau thì có thể học tập kinh nghiệm của các nước đi trước.

Các chính sách của ta còn có những thể chế đúng nhưng chưa được chấp hành nghiêm chỉnh. Chẳng hạn, Nghị định về ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp chưa được thực hiện triệt để do bộ máy quan liêu và sách nhiễu. Doanh nghiệp chỉ sử dụng vốn tự có thì làm sao có nền nông nghiệp công nghệ cao được.

Bên cạnh đó, phải xây dựng chiến lược sản phẩm nông nghiệp theo vùng sinh thái, bỏ tư duy GDP tỉnh, cơ cấu kinh tế tỉnh, phải coi mỗi tỉnh là một bộ phận của từng vùng sinh thái của đất nước. Ngoài ra, cần đào tạo một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, đủ năng lực quản lý trang trại quy mô lớn và áp dụng công nghệ cao, đủ năng lực quản lý hợp tác xã.

Theo đánh giá của ông, người nông dân Việt Nam đang vướng phải những khó khăn gì khi hội nhập?

Khó khăn lớn nhất của người nông dân hiện nay là không biết mua nguồn lực đầu vào ở đâu cho an toàn. Ví dụ nạn phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật giả, thức ăn chăn nuôi có sử dụng thuốc tăng trọng, chất cấm… Có những vườn cà phê sử dụng phân bón giả dẫn đến chết hàng loạt.

Nhiều nông dân không dám ăn sản phẩm của chính mình làm ra. Người trồng rau chỉ dám ăn cá, trong khi người nuôi cá chỉ dám ăn thịt gà, người nuôi gà lại chỉ dám ăn rau… dẫn đến hệ quả là nền nông nghiệp nước ta đang tự đầu độc chính mình một cách hợp pháp.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nguyệt Quế (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên