Thể chế kinh tế thị trường đang được hiểu một cách “mù mờ”?
Những tuyên bố về vai trò của DNNN (là nòng côt của kinh tế nhà nước, là lực lượng vật chất để nhà nước điều tiết nền kinh tế, là công cụ để nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô…) là không phù hợp, thậm chí trái với yêu cầu cơ bản của thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại.
- 30-03-2015Doanh nghiệp cần chủ động tham gia cải cách thể chế
- 18-02-2015Năm 2015: “Kỳ vọng thay đổi thể chế rất lớn”
- 03-01-2015Năm 2014 - Cải cách thể chế tạo nên sự khác biệt
- Thể chế kinh tế thị trường hiện chưa được định hình từ khái niệm.
- Quyền tự do kinh doanh, việc sở hữu tài sản rõ ràng, minh định, là một trong những tiêu chuẩn đầu tiên của nền kinh tế thị trường.
- Vai trò của DNNN chưa được đánh giá đúng, thậm chí đi ngược lại với các yêu cầu của nền kinh tế thị trường.
Trong báo cáo nghiên cứu “Đổi mới tư duy và tháo bỏ nút thắt thể chế để chuyển mạnh nền kinh tế nước ta sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại” – Ts. Nguyễn Đình Cung thẳng thắn cho biết cho đến nay chưa tìm được định nghĩa thế nào là thể chế kinh tế thị trường. Tuy nhiên, có thể quan niệm đơn giản thể chế kinh tế thị trường là thể chế làm cho thị trường phát huy tốt các nguyên tắc, quy luật của thị trường; từ đó, thị trường sẽ thực hiện tốt hơn vai trò của mình trong phân bổ nguồn lực từ nơi thừa sang nơi thiếu, từ nơi sử dụng kém hiệu quả sang nơi sử dụng có hiệu quả cao hơn. Theo cách hiểu đó, thể chế kinh tế thị trường có thể gồm thể chế về tài sản và quyền sở hữu tài sản, thể chế về gia nhập thị trường, về giao dịch thị trường, về trật tự và kỷ luật thị trường và cuối cùng là thể chế về rút khỏi thị trường.
Theo Ts. Nguyễn Đình Cung, một trong những tiêu chuẩn cơ bản, tối thiểu của nền kinh tế thị trường là việc sở hữu tài sản rõ ràng, minh định. Mỗi tài sản dù thuộc công hữu hay tư hữu đều có chủ và chủ sở hữu có đầy đủ các quyền sở hữu. Quyền tự do kinh doanh của mỗi chủ thể trong nền kinh tế cũng là một yếu tố quan trọng.
DNNN “quan trọng” đến đâu?
Một điểm đáng lưu ý trong tham luận của Ts. Nguyễn Đình Cung là về vai trò của DNNN trong nền kinh tế thị trường. Theo ông, những tuyên bố về vai trò của DNNN (là nòng côt của kinh tế nhà nước, là lực lượng vật chất để nhà nước điều tiết nền kinh tế, là công cụ để nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô…) là không phù hợp, thậm chí trái với yêu cầu cơ bản của thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại.
Ông Cung thẳng thắn cho rằng, việc nhà nước sử dụng DNNN làm công cụ ổn định kinh tế vĩ mô không những không phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, mà còn có thể làm cho kinh tế vĩ mô bất ổn hơn xét về trung và dài hạn.
Ông lấy ví dụ việc DNNN phải bán một số sản phẩm thiết yếu với giá thấp hơn giá thị trường, trong một số trường hợp giá bán thấp đến mức doanh nghiệp có liên quan đã bị thua lỗ. Trong dài hạn, việc làm này gây thiếu hụt cung – cầu giả tạo, không khuyến khích DNNN sáng tạo, kinh doanh hiệu quả, gây bất công về xã hội và về môi trường. Và không thể kể đến hậu quả thâm hụt ngân sách do những quyế sách “phi thị trường” này gây ra.
DNNN trong một số trường hợp, như những đứa con được cưng chiều. Họ không phải chịu áp lực cạnh tranh đầy đủ của thị trường, trong khi dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực, không bị “trừng phạt” bởi cạnh tranh thị trường.
Cần một luật chơi rõ ràng
Luật doanh nghiệp 2014 đã được thông qua và được đánh giá có nhiều đột phá. Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Nguyễn Đình Cung, điều quan trọng là phải coi Luật doanh nghiệp là “luật chung” hay “luật chính về thành lập, tổ chức quản lý và giải thể các loại hình doanh nghiệp. Tất cả các điều khoản trái hay không còn phù hợp với Luật doanh nghiệp trong các luật khác (gồm Luật xây dựng, Luật kinh doanh Bất động sản, Luật dược, Luật vận tải đường bộ….) cần được bãi bỏ hoặc sửa đổi. Nhà nước cũng cần xác định giới hạn các vấn đề đặc thù và các ngành đặc thù có thể quy định khác với Luật doanh nghiệp và được ưu tiên áp dụng (ở đây là Luật các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán và Luật kinh doanh Bảo hiểm).
Hoàng Lan