Thị trường lao động và mùa xuân FTA
Năm qua chứng kiến nhiều sự kiện lớn về kinh tế đối ngoại của Việt Nam, như ký FTA (Hiệp định thương mại tự do) Việt Nam - Liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan; kết thúc đàm phán FTA Việt Nam - EU và TPP; FTA Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực từ 20-12; và cuối năm 2015 chính thức hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
- 02-02-2016Thêm một tin mới về Hiệp định FTA Việt Nam – EU mà doanh nghiệp phải biết
- 30-01-2016Doanh nghiệp Việt chỉ tận dụng được 30% lợi ích từ các FTA
- 17-01-2016Dệt may Việt Nam đón cơ hội từ những FTA thế hệ mới
Mùa xuân FTA
Hiện nay, ngoài WTO, Việt Nam đã ký 11 FTA (có 6 FTA trong khuôn khổ hợp tác ASEAN). Việt Nam đã ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hoá song phương với các nước và các tổ chức quốc tế; có 15 nước đối tác chiến lược và 10 nước đối tác toàn diện; 59 đối tác chính thức công nhận quy chế kinh tế thị trường ở nước ta lên.
Đến giữa năm 2015, Việt Nam có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 224 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút trên 250 tỉ USD FDI. Với những hiệp định thương mại tự do được ký kết, Việt Nam có quan hệ sâu rộng với 55 nước đối tác, trong đó có 15/20 nước G20, chiếm tới 65% GDP và 50% thương mại của thế giới, mở ra nhiều cơ hội về đầu tư và thương mại.
Thuận lợi chung cho các thành viên khi AEC có hiệu lực là tạo sự tự do di chuyển lao động có tay nghề của ASEAN và Việt Nam qua biên giới các nước thành viên, nhất là trong 8 ngành nghề được thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương nội khối, gồm: Kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ sư, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch.
AEC cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho tiếp cận thị trường 600 triệu dân, tổng GDP nội khối là 2.300 tỉ USD và cả thị trường của một số nước khác có các thỏa thuận thương mại tự do (FTAs) riêng rẽ của ASEAN, như Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Chương về nhập cảnh tạm thời cho doanh nhân trong TPP khuyến khích các cơ quan có thẩm quyền của các nước TPP cung cấp thông tin về hồ sơ đăng ký nhập cảnh tạm thời nhằm đảm bảo phí đăng ký ở mức hợp lý và đưa ra các quyết định về hồ sơ đăng ký và thông báo người nộp đơn đăng ký về kết quả giải quyết hồ sơ trong thời gian sớm nhất có thể.
12 nước TPP đồng ý không miễn trừ hoặc giảm hiệu lực của pháp luật quy định việc thực thi các quyền cơ bản của người lao động để thu hút thương mại hoặc đầu tư, và thực thi một cách hiệu quả pháp luật liên quan đến lao động một cách bền vững hoặc đều đặn có thể có ảnh hưởng tới thương mại hoặc đầu tư giữa các nước TPP.
Bên cạnh các cam kết của các nước TPP nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức trong nước mình, chương Lao động còn bao gồm những cam kết không khuyến khích việc nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức hoặc lao động trẻ em, hoặc sử dụng nguyên liệu đầu vào được sản xuất ra bằng lao động cưỡng bức, bất kể nước xuất xứ có phải là nước TPP hay không.
Cơ hội và thách thức về thị trường lao động Việt Nam
Theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của Việt Nam tính đến thời điểm 1.1.2016 là 54,61 triệu người; nam chiếm 51,7%; nữ chiếm 48,3%. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước tính có 48,19 triệu người. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế ước tính 52,9 triệu người.
Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng và mỗi năm có hơn 1 triệu người tham gia vào thị trường lao động. Nguồn lao động trẻ và dồi dào đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng việc có tới gần 80% lực lượng lao động chưa qua đào tạo hoặc có bằng cấp đang cản trở Việt Nam khai thác hiệu quả cơ hội này.
Trong khi đó, lợi thế và hàm lượng về chi phí nhân công rẻ đang giảm dần cùng với sự phát triển khoa học công nghệ, áp lực cạnh tranh thị truờng và nhu cầu tăng lương, cải thiện chất lượng sống của ngưòi lao động. Sự tham gia các hiệp định FTA, nhất là TPP sẽ tác động mạnh tới tất cả các hoạt động kinh tế, các doanh nghiệp và người lao động Việt Nam.
Trước hết, các lao động Việt Nam vừa có cơ hội dịch chuyển chỗ làm, cải thiện thu nhập trong các nước thành viên AEC và các FTA khác theo quy định; đồng thời, cũng chịu áp lực việc làm do dịch chuyển lao động đến từ những nước này ngay trên “sân nhà”. Các doanh nghiệp có cơ hội thu hút nhân lực cao từ các nước khác, nhưng cũng chịu áp lực từ hoạt động “săn đầu người” của các công ty nhân lực hay tập đoàn lớn trong khu vực và thế giới.
Việc các nước thành viên các FTA, nhất là TPP, phải thực thi các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc, cũng như thực hiện quyền của người lao động, các tổ chức xã hội dân sự, tiêu chuẩn lao động, tự do hiệp hội-công đoàn, đặc biệt là về những điều kiện tối thiểu: An toàn vệ sinh lao động, tiền lương tối thiểu, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, vv... theo tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO - mà Việt Nam là thành viên), sẽ giúp nâng cao điều kiện làm việc, tái sản xuất sức Lao Động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
Người lao động sẽ có cơ hội cải thiện các quyền lợi hợp pháp của mình cả về thu nhập tối thiểu, môi trường làm việc và môi trường sống, cũng như về hiệp hội và công đoàn, kể cả tìm kiếm cơ hội việc làm mới trong nước hoặc ở các nước thành viên TPP.
Thách thức đối với lao động Việt Nam cũng không nhỏ, nhất là về nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề cao và vốn hiểu biết, kiến thức và ứng xử văn hóa việc làm trong môi trường quốc tế cao; tinh thần liên kết và cạnh tranh gắn với các nhóm lao động đặc thù (trong đó có lao động trong khu vực phi chính thức) và lợi ích xã hội khác nhau.
Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh cao có thể làm gia tăng tỉ lệ thất nghiệp do tình trạng giảm bớt nhân công, nhất là lao động phổ thông để tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động nhờ đổi mới kỹ thuật và quản trị, cũng như do doanh nghiệp kém sức cạnh tranh, buộc phá sản. Những tranh chấp giữa người lao động với các chủ sử dụng lao động khu vực tư nhân và nước ngoài cũng có thể tăng gắn với hệ quả phá sản, tái cơ cấu kinh tế hoặc vi phạm điều kiện hợp đồng lao động và điều kiện lao động.
Tuân thủ để tránh bị điều tra, bị kiện và bị phạt, cũng như áp lực cạnh tranh nhằm nâng cao các yêu cầu tối thiểu về an toàn lao động, tiền lương, giờ làm việc, vệ sinh lao động, cấm lao động cưỡng bức, cấm lao động trẻ em, cùng cơ chế giám sát và chế tài đặt ra trong các FTA, nhất là TPP,… sẽ tạo ra không ít thách thức về chi phí và phát triển văn hóa doanh nghiệp, nhất là khi tham gia vào các chuỗi cung ứng xuất khẩu khu vực và quốc tế.
Xu thế chuyển dịch lao động giữa các nước thành viên vừa tạo cơ hội tìm kiếm việc làm mới, vừa gia tăng áp lực cho ngành giáo dục-đào tạo và tự nâng cao trình độ để tìm kiếm và giữ cơ hội việc làm của người lao động, nhất là lao động trẻ. Phát triển thị trường lao động có tổ chức, chất lượng cao đang và sẽ ngày càng trở thành đòi hỏi bức xúc và công cụ đắc lực để hỗ trợ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng, lực lượng lao động Việt Nam nói chung trong bối cảnh đó.
Tuy nhiên, trên hết vẫn là kỳ vọng lớn lao rằng tham gia và thực thi TPP sẽ giúp thị trường lao động Việt Nam và các thành viên có tính mở, quốc tế hóa và cạnh tranh lành mạnh hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ những công việc được trả lương cao hơn, cải thiện sức sáng tạo, năng suất, sức cạnh tranh, tăng mức sống, giảm đói nghèo, cải thiện tính minh bạch trong điều hành, bảo vệ môi trường và người lao động, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, thúc đẩy đổi mới và có lợi cho người dân trên khắp khu vực Châu Á Thái Bình Dương...