MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPP có thể chính thức ký kết vào ngày 4/2/2016

Đó là thông tin được bà Nguyễn Quỳnh Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đưa ra tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2015: Cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập mới” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức sáng 13/1.

Cụ thể, bà Nga cho biết, theo kế hoạch, TPP sẽ được ký kết vào ngày 4/2/2016 tại New Zealand, đoàn đàm phán Chính phủ đang chuẩn bị các tài liệu để ký kết.

Nhận định về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, bà Nga cho biết, các cam kết hội nhập góp phần giúp Việt Nam mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ; giảm thiểu các rào cản thương mại, chế độ bảo hộ đầu tư cũng như minh bạch hóa các chính sách.

Vị đại diện Bộ Công Thương cho rằng, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, đều là các thị trường xuất khẩu lớn nhất nhì của Việt Nam, sẽ giúp Việt Nam mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với các nước đồng thời thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, tăng cường tham gia các chuỗi giá trị khu vực, phát triển dịch vụ, đổi mới cơ cấu nền kinh tế.

Ngoài ra, việc tham gia hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới cũng tạo điều kiện cho Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế, thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội sẽ là những thách thức không hề nhỏ đối với kinh tế Việt Nam như giảm thu ngân sách từ thuế nhập khẩu, sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ trong nước, sức ép cải cách thể chế, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học công nghệ chưa cao…

Trên cơ sở đó, Đại diện Bộ Công thương cũng đưa ra một số giải pháp đối với Việt Nam trước thềm hội nhập sâu rộng.

Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách, tái cơ cấu những lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, tài chính ngân hàng, chi tiêu công và doanh nghiệp Nhà nước.

Thứ hai, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành có lợi thế, định hướng điều chỉnh sản xuất cho các ngành không có khả năng cạnh tranh.

Thứ ba, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên