MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đỉnh nợ công năm 2017 lên tới 64,3% GDP

Nợ công vẫn trong tầm kiểm soát nhưng tốc độ tăng quá cao với 20%/năm. Giai đoạn 2011 – 2013 vay 64.000 tỷ đồng với lãi suất bình quân 10,5%/năm, có món cao 13,2%, món thấp 8,4%, nên phải nhanh chóng tái cơ cấu khoản nợ này.

Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra tại phiên chất vấn sáng ngày 17/11 của Quốc hội.

Theo Bộ trưởng, theo yêu cầu về quản lý chiến lược nợ công giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn 2030, thì nợ công không quá 65% GPD, nợ Chính phủ không quá 55% và nợ nước ngoài không quá 50%. Trong đó, nợ công năm 2011 là 50%; năm 2012 là 50,8%; năm 2013 là 54,5%; năm 2014 là 59,6% và năm 2015 là 61,3%.

Đối chiếu 6 chỉ tiêu đánh giá an toàn nợ công (nợ công/GDP; nợ Chính phủ/GDP; nợ nước ngoài/GDP; bù đắp bội chi; trái phiếu chính phủ và nghĩa vụ nợ Chính phủ trực tiếp so với thu ngân sách), Bộ trưởng cho biết có 5 chỉ tiêu đạt theo yêu cầu, và chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt đó là bù đắp bội chi khi vượt mục tiêu đặt ra là 5%.

Theo Bộ trưởng Dũng, nguyên nhân khiến nợ công tăng cao là do ảnh hưởng khủng kinh tế toàn cầu, nên kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại; giá dầu thô thế giới giảm mạnh, trong điều kiện miễn, giãn, giảm thuế để nuôi dưỡng nguồn thu, tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại, cắt giảm thuế quan theo lộ trình quốc tế cũng làm giảm thu ngân sách.

“Tỷ lệ tăng thu giai đoạn 2006-2010 là 20,8%/năm nhưng giai đoạn 2011 – 2015 giảm xuống còn 9,5%/năm. Tuy nhiên, điều chỉnh chính sách thuế và cam kết hội nhập, tốc độ tăng thu chậm lại nhưng quy mô thu ngân sách tăng, thu tăng gần gấp đôi giai đoạn 2006-2010. Điều này chứng tỏ quyết sách của Quốc hội và Chính phủ là đúng hướng” – Bộ trưởng thông tin.

Ngoài ra, biến động tỷ giá và kế hoạch bổ sung phát hành phát hành trái phiếu chính phủ thêm 170.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cũng gây áp lực lớn nợ công. Hiện nay, nợ công đã từng bước được cơ cấu lại, khi khoản vay trong nước từ 39% trong tổng số nợ công 2011 tăng lên 57,1% trong 2015, vay nước ngoài giảm đi.

Bộ trưởng nói: “Tuy vậy có những thời điểm khó khăn trong huy động vốn để bù đắp bội chi và trái phiếu chính phủ. Giai đoạn 2011 – 2013 vay 64.000 tỷ, lãi suất bình quân 10,5%/năm, có món cao 13,2%, món thấp 8,4%, nên phải nhanh chóng tái cơ cấu khoản nợ này, phải có giải pháp mềm dẻo để đảm bảo an toàn nợ công, như phát hành trái phiếu quốc tế”.

Trước tình hình nợ công như vậy, Bộ trưởng Dũng cho biết đã đề nghị Chính phủ ban hành Chỉ thị 02 về tăng cường quản lý nợ công, tổng kết đánh giá lại nợ công, chiến lược nợ công và Luật nợ công; cần thiết sẽ kiến nghị Quốc hội sửa luật trong thời gian tới.

Quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là khoản vay mới, kiêm quyết nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng công trình hạ tầng quan trọng thiết yếu. Tăng kiểm tra kiểm soát sử dụng vốn vay, đảm bảo chất lượng công trình.

Từng bước cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vay dài hạn, tăng vay trong nước, đẩy mạnh  triển khai nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro, tăng tính thanh khoản và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ. Quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh, theo hướng siết chặt bảo lãnh, không mở thêm và chọn lọc mục tiêu để ưu tiên.

Đồng thời, cho vay lại theo hướng tăng dần tỷ lệ cho vay lại, tăng cường trách nhiệm của địa phương trong quản lý sử dụng vốn vay và công trình. Rà soát thể chế văn bản pháp luật có liên quan đến nợ công. Về ngân sách tiếp tục thực hành tiết kiệm chống lãng phí là khâu quan trọng mà QH quan tâm,

Xây dựng kế hoạch phát hành trái phiếu trung hạn và kế hoạch vay trả nợ, trên tinh thần dự báo chỉ tiêu kinh tế xã hội tăng trưởng 6,5%, lạm phát k quá 5%, bội chi không quá 5% và trái phiếu Chính phủ là 260.000 và giải ngân ODA 250.000 tỷ. Nợ công năm 2020 chỉ còn 58,5%, đỉnh nợ năm 2017 là 64,3%.

Tiếp tục đăng đàn sau Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn của cử tri và đại biểu Quốc hội về hàm.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tính đến thời điểm hiện nay, những quy định của Đảng và Nhà nước chưa có văn bản nào quy định hàm đối với một số đối tượng công chức, viên chức. Từ tháng 6/2014, Bộ Nội vụ đã lập một tổ nghiên cứu về chức danh hàm, tổng hợp báo cáo trước phiên chất vấn của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII.

Bộ Nội vụ đã mời nhiều cơ quan liên quan như Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Công án, Bộ KHĐT… lấy ý kiến.

“Đến hiện tại không có văn bản nào của Nhà nước cho làm. Bộ Nội vụ khẳng định địa phương không được làm” – Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định trước Quốc hội.

Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn nhiều vấn đề “nóng”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa – TP Hồ Chí Minh đặt câu hỏi, TPP và AEC sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam, xin Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tư vấn cho nông dân nên trồng cây gì, con gì để hội nhập?

“AEC, TPP chưa có hiệu lực mà người nông dân đã phải đối mặt với nhiều thách thức như ngành mía đường sụt giảm, xuất khẩu gạo không cạnh tranh được, gà Mỹ giá rẻ tràn vào Việt Nam… Vậy làm sao để ngành nông nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh mà không bị thua trên sân nhà?” – Đại biểu Hòa đặt câu hỏi.

Theo đại biểu, TPP sẽ mở cửa cho ngành dệt may với những cơ hội hết sức to lớn, nhưng để được hưởng ưu đãi ngành dệt may phải có nguyên liệu đầu vào đáp ứng nguyên tắc từ sợi trở đi. Tuy nhiên cơ hội giảm thuế có thể trở nên vô nghĩa.

“Thực trạng sản xuất sợi dệt may của Việt Nam hiện nay có đáp ứng yêu cầu hay không. Nếu đáy ứng được thì những doanh nghiệp đang đáp ứng được là ai? Có phải là doanh nghiệp FDI của Trung Quốc, Đài Loan , Hồng Kong…? Làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa phát triển?” – Đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương – tỉnh Tây Ninh chất vấn về đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cân cối cung cầu lao động.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay chi phí quy hoạch của Việt Nam là trên 80 nghìn tỷ đồng, sự chồng chéo dẫn đến khó khăn trong quản lý. Do vậy, đại biểu đặt câu hỏi, đến khi nào mới giải quyết được tình trạng này?

Một vấn đề khác được đại biểu tỉnh Tây Ninh quan tâm đó là xuất khẩu nông sản gạo, cà phê tăng nhanh về lượng nhưng giá giảm mạnh. Trong khi đó, hội nhập tạo cạnh tranh gay gắt, thương lái thu mua nông sản ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nông dân.

Sự gắn kết giữa xúc tiến thương mại và sản xuất nông sản chưa đạt yêu cầu. Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ Công thương có giải pháp gì để xử lý vấn đề này?

Bên cạnh đó, Đại biểu cũng cho biết việc thừa hơn 14 nghìn tỷ đồng dự án nâng cấp đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên được coi là một đột phá trong đầu tư dự án thời gian qua. Vậy giải pháp của sự đột phá này là gì? Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét lại suất đầu tư dự án.

“Việt Nam có nhiều cơ chế chính sách phát triển khoa học công nghệ nhưng hiệu quả còn hạn chế. Nguyên nhân của việc chưa hiệu quả và giải pháp là gì?” – Đại biểu Trịnh Ngọc Phương cho biết.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – tỉnh Kiên Giang chất vấn, trong thời gian qua việc triển khai liên kết 4 nhà chưa hiệu quả và người nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Người nông dân vẫn cảm giác mình đơn độc trong cuộc chiến hội nhập sắp tới. Vậy giải pháp là gì?

Về vấn đề xây dựng thương hiệu đối với nông sản, hiện nay chúng ta mới có đề án xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Một số nước bạn mới xuất khẩu nhưng đã có thương hiệu gạo trong khi Việt Nam đã xuất khẩu mấy chục năm rồi vẫn chưa có thương hiệu gạo. Do vậy, đại biểu lo ngại, khi gia nhập TPP, sản phẩm nông sản của Việt Nam sẽ ra sao khi không có thương hiệu?

Ở một góc nhìn khác, Đại biểu Phạm Thị Hải – tỉnh Đồng Nai chất vấn về tình trạng chặt chém, chèo kéo khách du lịch. Theo đại biểu, không cần so sánh với Thái Lan mà ngay cả với Lào, Campuchia, ngành du lịch của họ cũng đã vượt lên.

“Vì sao Việt Nam chưa nâng cao được chất lượng dịch vụ du lịch. Liệu đến năm 2020 có đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như kế hoạch đề ra?” – Đại biểu đặt câu hỏi.

An Ngọc - Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên