MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Cao Sỹ Kiêm: Doanh nghiệp dần “dễ chịu” hơn với môi trường kinh doanh VN

Theo TS Cao Sỹ Kiêm, nền kinh tế nước ta đang trên đà phục hồi và đã có kết quả tốt hơn so với nhận định. Khối doanh nghiệp đã cảm thấy "dễ chịu hơn" với môi trường kinh doanh; trong khi đó nhà đầu tư cũng lạc quan hơn vào triển vọng kinh tế Việt Nam.

TS. Cao Sỹ Kiêm
TS. Cao Sỹ Kiêm
Nguyên Thống đốc NHNN
16 bài viết

Sáng nay (21/1), Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015 đã chính thức khai mạc tại Thành phố Vinh, Nghệ An.

Với chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Biến lời nói thành hành động”, Diễn đàn đã quy tụ hàng trăm chuyên gia kinh tế, cũng như các nhà hoạch định chính sách hàng đầu Việt Nam đến tham luận và chia sẻ về thực trạng và giải pháp cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập.

Đứng về phía doanh nghiệp, TS Cao Sỹ Kiêm – Nguyên thống đốc Ngân hàng nhà nước; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi và đã có kết quả tốt hơn so với nhận định.

Điều này tạo tiền đề cho doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, cảm thấy “dễ chịu hơn” với môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Trong khi đó, nhà đầu tư cũng lạc quan hơn vào triển vọng kinh tế Việt Nam.

Theo TS Cao Sỹ Kiêm, việc bắt đầu thực hiện Nghị quyết 11 sửa đổi một số luật về kinh tế, đảm bảo quyền kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi hơn, tái cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp bước đầu có kết quả.

Bên cạnh đó, quản lý kinh tế theo nguyên tắc thị trường đã tốt hơn, tác động lan tỏa đến doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp bớt khó khăn hơn, nông nghiệp phát triển toàn diện và đồng đều hơn; công nghiệp chế tạo khởi sắc; thị trường tiền tệ, giá cả ổn định hơn.

Tuy nhiên, TS Cao Sỹ Kiêm cũng bày tỏ quan ngại, tham nhũng và chi phí không chính thức đang tiếp tục làm khó doanh nghiệp. Doanh nghiệp luôn có suy nghĩ phải chi tiền để xong việc.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đưa ra dẫn chứng một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới, muốn kiếm 1 đồng lợi nhuận, doanh nghiệp phải chi 0,7-1 đồng cho chi phí không chính thức. Đây là một “điểm nghẽn” trong quá trình phát triển của doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, TS Cao Sỹ Kiêm cũng đưa ra một số kiến nghị mà khối doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn “đặt hàng” nhà nước.

Thứ nhất, Nhà nước cần khắc phục việc chậm triển khai hướng dẫn luật. Doanh nghiệp luôn trông chờ vào điều kiện thực hiện của các Nghị định, hướng dẫn nhưng đến nay việc này vẫn còn chậm trễ, gây trở ngại tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, cần tổng kết một cách nghiêm túc NĐ56 về hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc đóng góp cho kinh tế đất nước và ổn định xã hội.

Thứ ba, đảm bảo tính cạnh tranh, nguyên tắc thị trường và bình đẳng kinh tế giữa các lĩnh vực. Đồng thời, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp những phần doanh nghiệp không làm được, hỗ trợ đào tạo nguồn lực, phải có kế hoạch phát triển đồng bộ.

Thứ tư, cần công khai minh bạch thông tin trong giai đoạn hội nhập đã đến rất gần. Nhiệm vụ đặt ra cho năm 2015 là hội nhập sâu hơn và có kết quả hơn. Hiện nay, sự chuẩn bị của doanh nghiệp vẫn “lơ ngơ” nên bước vào giai đoạn hội nhập sẽ rất khó khăn.

>>>Kinh tế VN đang phục hồi nhưng chưa thoát khỏi vùng đáy của tăng trưởng

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên