Việt Nam đã vượt qua “vùng trũng” tăng trưởng?
TS. Tô Trung Thành cho rằng, mô hình tăng trưởng và cấu trúc của nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Nếu muốn chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần phải thay đổi tư duy, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất...
- 12-01-2016Economist "bất đồng" với Bloomberg: Việt Nam sẽ tăng trưởng thua Lào và Campuchia
- 11-01-2016Thu hút FDI là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016
- 08-01-2016WB: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 10% trước năm 2030 nhờ TPP
Tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2015: Cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức sáng 13/1, PGS.TS Tô Trung Thành nhận định, năm 2015, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,68% là một điểm sáng trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 2,1%, các nền kinh tế mới nổi đạt khoảng 4% và trung bình khu vực Đông Nam Á khoảng 4,5-5%.
“Tăng trưởng cao nhưng có thực sự bền vững? Mức tăng trưởng này có đưa Việt Nam ra khỏi thời kỳ suy giảm và rút ngắn khoảng cách với các nước khác?” – ông Thành đặt câu hỏi.
Theo nhận định của vị chuyên gia này, hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam trong năm qua chủ yếu đến từ khu vực sản xuất công nghiệp và tiêu dùng cuối cùng. GDP bình quân đầu người theo giá so sánh năm 2015 đạt khoảng hơn 1000 USD/người; theo giá hiện hành là hơn 2.100USD/người.
“Tăng trưởng, tỷ trọng đầu tư/GDP đều đã được xác lập lại quy mô. Nhưng liệu Việt Nam đã thực sự vượt qua vùng trũng tăng trưởng hay chưa? Những bất ổn vĩ mô giai đoạn 2007-2008 liệu có lặp lại?” – ông Thành băn khoăn.
Bên cạnh đó, ông Thành cũng cho rằng, chỉ số ICOR giảm dần thể hiện sự cải thiện về đầu tư của Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng và đầu tư vẫn còn thấp so với khu vực.
Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, đầu vào của nguồn lực lao động còn hạn chế và giá trị gia tăng lao động so với các quốc gia khác thấp, cải tiến về công nghệ còn nhiều hạn chế...
“Động lực vượt qua vùng trũng tăng trưởng chưa đủ vì cải cách thể chế kinh tế chưa mạnh mẽ, chưa đạt được tăng trưởng bền vững” – vị chuyên gia đến từ Đại học Kinh tế quốc dân nhận định.
Mô hình tăng trưởng và cấu trúc của nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Nếu muốn chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần phải thay đổi tư duy, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, khu vực Nhà nước chủ yếu cung cấp dịch vụ công.
Mặc dù là đầu tàu tăng trưởng của Việt Nam trong những năm gần đây song khu vực FDI đã có sự đóng góp thiếu bền vững đến tăng trưởng dài hạn. Quy mô và hiệu quả của khu vực FDI vượt trội và đang lấn áp khu vực tư nhân trong nước.
Do vậy, theo ông Thành, với cấu trúc sản xuất như hiện nay, vì nội tại nền kinh tế có vấn đề, để FDI làm đầu tàu tăng trưởng thì phải chấp nhận luật chơi của khu vực FDI.
Trong những năm qua, nhiều “ông lớn” trên thế giới lựa chọn Việt Nam như một điểm đến sản xuất hàng hóa tiêu dùng cuối cùng và xuất khẩu sang quốc gia khác. Với chuỗi mạng lưới toàn cầu, Việt Nam đang xoay quanh Trung Quốc nhưng lại đang ở vị trí cuối cùng của chuỗi nên giá trị gia tăng thấp.
“Việt Nam hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào khu vực FDI, thiếu sự tham gia của doanh nghiệp trong nước, trình độ công nghệ, lao động thấp nên vẫn nằm ở vị trí cuối trong chuỗi giá trị toàn cầu” – ông Thành đánh giá.
Nhận định về lạm phát của VN trong năm 2015, ông Thành cho rằng, lạm phát thấp cũng là một điểm sáng của nền kinh tế. Sự giảm tốc của chỉ số giá cả xuất phát từ suy giảm giá dầu và giá hàng hóa thế giới. Lạm phát thấp có tác động của chính sách tiền tệ, tăng trưởng cán cân thanh toán, tín dụng.
Về vấn đề tỷ giá, theo ông Thành, từ tháng 8/2015, điều hành tỷ giá của Việt Nam bắt đầu bị biến động từ cú sốc đồng Nhân dân tệ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nhập siêu giá tăng tạo nên sức ép đối với tỷ giá. Ngoài ra, do mức độ độc lập về tiền tệ bị suy giảm, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ suy giảm nên tỷ giá sẽ còn biến động trong năm nay.
Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2016, các chuyên gia đến từ Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng gia tăng nhờ các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU...
Lạm phát thấp là hệ quả của giá dầu có xu hướng giảm. Tuy nhiên, giá dầu sẽ giảm ổn định chứ không giảm quá sâu, dòng vốn đầu tư gián tiếp tiếp tục rời bỏ các nền kinh tế mới nổi. Trên cơ sở đó, kinh tế Việt Nam 2016 sẽ tiếp tục đà phục hồi của kinh tế thế giới.
Đồng thời, cơ hội từ các FTA Việt Nam – EU, FTA Việt Nam – Hàn Quốc, TPP, AEC.... sẽ đóng góp lớn trong việc gia tăng xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư và tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
“Với chính sách tiền tệ thu hẹp, lạm phát năm 2016 sẽ tăng do tỷ giá có khả năng được điều chỉnh linh hoạt, giá dầu thấp nhưng không giảm quá sâu, giá hàng hóa tăng trở lại và điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình” – ông Thành dự báo.