MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

1/2 số người bị tiểu đường không biết bản thân mắc bệnh: Bác sĩ chuyên khoa chỉ ra những dấu hiệu điển hình nhưng rất dễ bỏ qua

08-09-2020 - 23:09 PM | Sống

Trong khi các biểu hiện của bệnh đái tháo đường type 1 có thể bắt đầu một cách rầm rộ, trong một vài tuần thì các triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 2 thường tiến triển chậm, trong thời gian dài quá trình nhiều năm và âm thầm gần như không có biểu hiện triệu chứng.

Bệnh tiểu đường type 2 thường tiến triển chậm, âm thầm gần như không có biểu hiện triệu chứng

Theo nghiên cứu của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) năm 2019 cho biết, 79% người trưởng thành bị bệnh đái tháo đường sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Đồng – Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyến hóa glucid mạn tính nguyên nhân do tuyến tụy không sản xuất đủ lượng insulin cơ thể cần hoặc khi cơ thể không thể sử dụng có hiệu quả insulin.

Insulin là một hormone điều hòa nồng độ đường trong máu, nó hoạt động như một chìa khóa giúp chuyển Glucose từ trong máu vào tế bào để tạo năng lượng, nhờ có Insulin mà nồng độ đường máu trong cơ thể luôn được ổn định trong giới hạn cho phép. Việc tăng đường máu quá giới hạn theo thời gian dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm trên các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là các biến chứng thần kinh và mạch máu, thận, mắt…

Bác sĩ Đồng chia sẻ, theo nghiên cứu của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) năm 2019, thế giới có khoảng 463.000.000 người (20-79 tuổi) sống chung với bệnh ĐTĐ. Tỷ lệ người bị bệnh đái tháo đường type 2 đang gia tăng ở hầu hết các quốc gia. 79% người trưởng thành bị bệnh đái tháo đường sống ở các quốc gia có thu nhập thấp. Trung bình 1 trong 5 người trên 65 tuổi có bệnh ĐTĐ, 1/2 số người bị bệnh đái tháo đường không hề biết mình bị bệnh.

1/2 số người bị tiểu đường không biết bản thân mắc bệnh: Bác sĩ chuyên khoa chỉ ra những dấu hiệu điển hình nhưng rất dễ bỏ qua - Ảnh 1.

Bệnh đái tháo đường có biểu hiện phụ thuộc vào bạn mắc đái tháo đường type 1 hay type 2. Các triệu chứng của bệnh bao gồm: khát nhiều và đi tiểu nhiều; nhanh đói; mệt mỏi; mờ mắt; tê hoặc ngứa ở bàn chân hoặc bàn tay; những vết loét lâu lành; gầy sút cân không rõ nguyên nhân...

Trong khi các biểu hiện của bệnh ĐTĐ type 1 có thể bắt đầu một cách rầm rộ, trong một vài tuần. Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 2 ngược lại, bệnh thường tiến triển chậm, trong thời gian dài quá trình nhiều năm và âm thầm gần như không có biểu hiện triệu chứng. Nhiều bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế tình cờ phát hiện bệnh qua khám sức khỏe định kỳ, một số khác đến khám vì đã có các biến chứng của bệnh như tim mạch, thần kinh, mắt, thận…

Nguyên nhân của bệnh đái tháo đường type 2 liên quan đến lối sống và gen

Bệnh ĐTĐ type 1 chiếm khoảng 5 - 10% bệnh nhân, bệnh thường liên quan đến cơ chế tự miễn, có nghĩa là xảy ra khi hệ miễn dịch của bạn tấn công và phá hủy các tế bào beta sản xuất insulin của tuyến tụy. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh đái tháo đường type 1 thường liên quan đến các yếu tố: Gen, yếu tố môi trường, sau nhiễm virus….dẫn đến khởi phát bệnh.

Trong khi đó, nguyên nhân của bệnh đái tháo đường type 2 - nhóm bệnh phổ biến nhất của đái tháo đường, chiếm khoảng 90 - 95% bệnh nhân, lại có liên quan đến lối sống và gen:

Thừa cân, béo phì, và ít vận động

Các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường type 2 đã được đề cập đến như lười vận động, thừa cân hoặc béo phì. Thừa cân và béo phì, đặc biệt béo bụng gây đề kháng insulin dẫn đến việc mất kiểm soát đường máu.

1/2 số người bị tiểu đường không biết bản thân mắc bệnh: Bác sĩ chuyên khoa chỉ ra những dấu hiệu điển hình nhưng rất dễ bỏ qua - Ảnh 2.

Kháng insulin

Bệnh đái tháo đường type 2 thường bắt đầu với sự đề kháng insulin, một điều khiến các tế bào cơ, gan, và nhiều tế bào khác sử dụng insulin không hiệu quả. Kết quả là, cơ thể của bạn cần thêm insulin, chất được coi là chìa khóa của sự vận chuyển đường từ máu và tế bào. Ở giai đoạn đầu tuyến tụy tăng hoạt động giúp bù đắp lượng insulin thiếu hụt của cơ thể tuy nhiên theo thời gian, tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin dẫn đến mức độ glucose máu tăng cao.

Gene và yếu tố gia đình

Cũng giống như trong bệnh đái tháo đường type 1, với bệnh đái tháo đường type 2 một số gen có thể là yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường type 2. Genes cũng có thể làm tăng nguy thừa cân, béo phì từ đó dẫn đến tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2.

Đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ là một dạng mắc bệnh đái tháo đường mà việc chẩn đoán vào 3 tháng giữa, hay 3 tháng cuối của thời kỳ mang thai, có thể không /có chuyển thành ĐTĐ. Nguyên nhân có thể do những thay đổi nội tiết của thai kỳ cùng với các yếu tố di truyền và lối sống.

Kháng insulin trong quá trình mang thai

Hormone được sản xuất bởi các tế bào nhau thai góp phần vào sự đề kháng insulin, vấn đề này có thể xảy ra ở tất cả phụ nữ trong những tháng cuối của thai kỳ, để phản ứng lại với vấn đề này hầu hết phụ nữ khi mang thai có thể sản xuất đủ insulin để vượt qua kháng insulin, nhưng một số có thể không từ đó dẫn đến đái tháo đường thai kỳ.

Bên cạnh đó thừa cân, béo phì cũng có mỗi liên quan đến đái tháo đường thai nghén. Những phụ nữ thừa cân hoặc béo phì có thể đã có đề kháng insulin khi họ mang thai. Ngoài ra tăng cân quá nhiều trong khi mang thai cũng có thể là một yếu tố nguy cơ.

Gene, tiền sử gia đình và đái tháo đường thai kỳ

Nếu gia đình bạn đã có người mắc đái tháo đường thì đó là một yếu tố nguy cơ khiến bạn có thể bị mắc đái tháo đường khi mang thai.

Các yếu tố nguy cơ khác có thể là nguyên nhân của đái tháo đường?. Đó là đột biến gen, một số bệnh lý, tổn thương tụy và một số loại thuốc cũng có thể gây ra bệnh đái tháo đường như: Hội chứng ĐTĐ đơn gen (ĐTĐ sơ sinh và ĐTĐ của người trẻ xuất hiện ở người trưởng thành (maturity onset diabetes of young- MODY), Bệnh của tụy ngoại tiết (như xơ nang tụy), Bệnh ĐTĐ do thuốc hoặc hóa chất (như do sử dụng glucocorticoid, do điều trị HIV/AIDS, hoặc sau ghép tạng). do các bệnh nội tiết như: Hội chứng Cushing, bệnh to đầu chi, cường giáp.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng được đề cập đến như: Viêm tụy, sau phẫu thuật tụy như trong ung thư tuyến tụy, và chấn thương tụy, các nguyên nhân này gây ra sự thiếu hụt tế bào beta của tụy hoặc làm cho tụy ít có khả năng sản xuất insulin, dẫn đến bệnh ĐTĐ.

Bên cạnh đó, một số loại thuốc điều trị các bệnh khác nhau cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường, bao gồm: Niacin, một loại vitamin B3, một số loại thuốc lợi tiểu, thuốc chống co giật, thuốc điều trị một số bệnh tâm thần, glucocorticoids…

Tuy nhiên không phải cứ sử dụng các thuốc đó bạn là sẽ bị mắc đái tháo đường, hãy thảo luận với các bác sĩ của mình về vấn đề bạn quan tâm, một chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt điều độ, lối sống lạc quan và luôn kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp bạn dự phòng và phát hiện sớm bệnh tật.

Tài liệu tham khảo:

1,https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/symptoms-causes

2, https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/diabetes

3, https://idf.org/aboutdiabetes/what-is-diabetes/facts-figures.html

ThS, BS Nguyễn Tiến Đồng, BV Bạch Mai

Trở lên trên