1 quả dâu tây được gói trong 5 lớp túi nhựa: Thực trạng đáng báo động về văn hoá "nghiện" dùng túi nhựa tại Nhật Bản
Thực trạng "nghiện" sử dụng túi nhựa tại Nhật Bản đã dẫn đến nhiều mối nguy về môi trường cho quốc gia này và cả toàn thế giới.
- 10-07-2024Giữa xu hướng phi đô la hóa lan rộng, những quốc gia nào hiện đang sử dụng đồng USD làm tiền tệ chính
- 10-07-2024Một chỉ số lập đỉnh lần thứ 36 trong năm khi thị trường hứng khởi với kỳ vọng FED sắp hạ lãi suất
- 10-07-202428 tuổi lấy bằng tiến sĩ, 35 tuổi làm giáo sư trẻ nhất lịch sử ngôi trường danh tiếng: Người đàn ông từ bỏ lương vài chục tỷ đồng/năm và biệt thự 500m2 tại Mỹ để về nước cống hiến
Một quốc gia "nghiện" nhựa
Trong bài viết “7 sự thật đáng ngạc nhiên về nhựa tại Nhật Bản” trên Medium của mình, nhà hoạt động xã hội Robin Lewis chia sẻ câu chuyện đáng kinh ngạc: “Một ngày nọ, tôi nhận được một quả dâu tây từ một người bạn ở Tokyo. Mặc dù đây là một cử chỉ đáng yêu nhưng vẫn có một vấn đề nhỏ… Quả dâu tây - không đùa đâu - được bọc trong 5 lớp nilon.”
"Vài giờ sau, tôi ngồi trên sàn phòng khách, cố gắng “tiêu hóa” những gì đang diễn ra ở đây… Liệu có cần đến 5 miếng bọc nilon phải mất đến hàng trăm năm để phân hủy chỉ để bảo vệ một quả dâu tây? Ngành công nghiệp trái cây Nhật Bản thực sự nguy hiểm với môi trường đến vậy sao?
Tôi không biết nên cười hay khóc… Nhưng sau một thời gian, tôi nhận ra rằng món quà này là biểu hiện của một vấn đề lớn hơn nhiều - tình trạng tiêu thụ nhựa quá mức không kiểm soát được và mang tính hệ thống." - Robin Lewis không khỏi băn khoăn trước món quà mà mình nhận được - một quả dâu tây và 5 lớp bọc.
Từ hộp cơm bento đến túi đựng đồ tiện lợi, nhựa dùng một lần xuất hiện khắp mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày ở Nhật Bản.
Nhựa xếp chồng tại một cơ sở tái chế ở Nhật Bản (Ảnh: sogane/Pixta)
Trên tờ Financial Times, tác giả Kana Inagaki có viết: "Bước vào một tiệm bánh cùng một chiếc túi mua sắm có thể tái sử dụng với những ý định tốt đẹp về việc bảo vệ môi trường, tôi sẵn sàng góp sức vì môi trường khi các cửa hàng Nhật Bản bắt đầu tính một khoản phí nhỏ cho các loại túi nhựa dùng một lần.
Nhưng thậm chí ngay trước khi tôi trả tiền, mọi nỗ lực dường như đều có vẻ vô ích. Những miếng bánh ngọt được gói sẵn trong các túi nhựa, nhân viên thu ngân đứng trước một tấm rèm nhựa, đeo tấm chắn bằng nhựa… Khi tôi trở về nhà, dịch vụ giao đồ ăn của Uber đã giao chiếc bánh bao cho bữa trưa của tôi trong một chiếc hộp nhựa bọc trong một lớp túi nhựa."
Việc sử dụng bao bì dùng một lần bằng nhựa ngày càng gia tăng khi cả thế giới lo ngại về sự lan truyền của COVID-19.
Tuy nhiên, đối với Nhật Bản, đây chỉ là một sự mở rộng nhỏ trong một nền văn hoá coi trọng sự sạch sẽ và riêng biệt. Các chuyên gia cho rằng đại dịch toàn cầu không nên là cái cớ để Nhật Bản, quốc gia sản xuất rác thải nhựa lớn thứ hai thế giới tính theo đầu người chỉ sau Mỹ, trì hoãn các nỗ lực khắc phục tình trạng “nghiện” nhựa của mình.
Quá nhiều túi nilon được sử dụng trong các siêu thị của Nhật Bản
Lượng rác thải nhựa lớn (Ảnh: Asian Scientist)
Từng quả ớt chuông, từng trái chuối đều được tách riêng trong những lớp bọc nilon nằm gọn gàng trên các gian hàng tạp hoá hay siêu thị. Việc khách hàng mong một cốc cà phê nóng, một chiếc bánh sandwich nguội được đặt trong hai chiếc túi riêng biệt hay một gói quà omiyage nổi tiếng với sự cầu kỳ được tạo nên bởi nhiều lớp bọc nhựa cũng không phải điều khó thấy ở Nhật.
Và với những thói quen đó, người tiêu dùng Nhật Bản sử dụng khoảng 30 tỷ túi mua sắm bằng nhựa mỗi năm.
Theo một nghiên cứu được Bộ Môi trường Nhật Bản, khoảng 10 phần trăm rác thải nhựa của Nhật Bản được xuất khẩu sang các nước khác và ước tính hàng năm có tới 60.000 tấn rác thải nhựa trôi ra đại dương.
Những nỗ lực thay đổi
Người tiêu dùng Nhật Bản cũng ngày càng nhận thức rõ hơn về vấn đề nhựa. Biểu hiện của việc đó là sự gia tăng của nhiều phong trào như "Tuần lễ 530" - một phong trào vận động thực hiện lối sống không rác thải của những người trong độ tuổi từ 20 - 30 tại Nhật; Các dự án xã hội như Nhật Bản không túi nhựa - No Plastic Japan hay MyMizu - ứng dụng thêm nước miễn phí đầu tiên với 8000 trạm nước khắp Nhật Bản nhằm giảm lượng tiêu thụ chai nhựa... với sự tham gia của những người nổi tiếng đã tạo ra những thay đổi tích cực trong việc sử dụng nhựa ở Nhật Bản.
Trong nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa, chính phủ đã bắt buộc tất cả các nhà bán lẻ phải tính phí túi nhựa dùng một lần kể từ tháng 7 năm 2020, thông qua việc thay đổi các sắc lệnh của bộ theo luật về tái chế các thùng chứa và bao bì.
Theo Hiệp hội chuỗi cửa hàng Nhật Bản, tỷ lệ người mua sắm từ chối sử dụng túi nilon khi thanh toán tại các siêu thị ở Nhật Bản đã đạt 80,26% trong năm tài chính 2021, tăng mạnh so với mức 57,21% trong năm tài chính 2019, trước khi áp dụng mức phí này.
Một cuộc khảo sát do trung tâm nghiên cứu kinh tế JCER thực hiện cho thấy, tổng lượng túi nilon phân phối tại Nhật Bản vào năm 2019 là khoảng 197.160 tấn. Nhưng con số này đã giảm một nửa xuống còn 100.410 tấn vào năm 2021.
Một chính quyền địa phương đã thắt chặt các quy định hơn nữa. Vào tháng 1 năm 2021, chính quyền thành phố Kameoka, Tỉnh Kyoto, đã trở thành thành phố đầu tiên trong cả nước ban hành sắc lệnh cấm tất cả các doanh nghiệp trong thành phố cũng như khoảng 700 cửa hàng cung cấp túi nhựa cho người mua sắm. Túi giấy thay thế túi nilon hiện cũng phải trả phí. Nhờ đó, tỷ lệ người dân mang theo túi tái sử dụng khi đi mua sắm đã tăng từ 50% lên 90%, giúp giảm khoảng 700.000 túi nilon mỗi tháng.
Một khách hàng dùng túi tái sử dụng mà cô mang theo ở Quận Taito, Tokyo
Theo một cuộc khảo sát dư luận do Văn phòng Nội các tiến hành vào năm 2022, 60% người dân cho biết họ "đã có ý thức hơn về việc giảm thiểu rác thải nhựa và có hành động phù hợp" kể từ khi áp dụng mức phí đối với túi nhựa.
Tsutomu Mizutani, người đứng đầu văn phòng thúc đẩy tái chế tại Bộ Môi trường, cho biết: "Sự thay đổi trong các quy định thực sự đã có hiệu quả đối với hành vi của người dân trong việc sử dự túi nhựa ở một mức độ nào đó".
Đối mặt với những quy định từ chính phủ, sự phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng trẻ và các nhà đầu tư toàn cầu, nhiều công ty Nhật Bản cũng đã bắt đầu vạch ra các biện pháp để giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
Theo báo cáo, gần 85% chai PET được tái chế ở Nhật Bản
Kế hoạch năm 2021 của Keidanren (Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản) về thiết lập một xã hội với vật liệu thân thiện với môi trường cho biết, các chai PET ở Nhật đã nhẹ hơn 24,8% so với mức năm 2004 và cũng đã giảm 17,6% bao bì, hộp đựng bằng nhựa so với năm 2005.
Cùng với đó, Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đã liệt kê 22 phương pháp được đề xuất để "giảm gánh nặng môi trường thông qua vòng đời sản phẩm". Trong số này, việc "sử dụng hiệu quả vật liệu đóng gói" và "bỏ qua hay đơn giản hóa việc đóng gói" cũng được đề cập.
Nhà điều hành chuỗi cửa hàng quần áo Uniqlo Fast Retailing đã cam kết giảm 85% lượng bao bì dùng một lần tại các cửa hàng của mình vào cuối năm nay.
Suntory, nhà sản xuất rượu mạnh lớn thứ ba thế giới, tuyên bố sẽ chi gần 500 triệu đô la để loại bỏ việc sử dụng chai nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ nguyên chất để chuyển sang vật liệu tái chế hoặc có nguồn gốc thực vật vào năm 2030. Công ty cũng đã dẫn đầu trong việc thực hiện liên doanh liên ngành để phát triển công nghệ tái chế nhựa nhằm thải ra ít carbon dioxide hơn các phương pháp hiện tại.
Thùng rác phân loại bên ngoài một cửa hàng tiện lợi ở Tokyo
"Không biết việc này liệu có mang lại lợi nhuận kinh doanh không nhưng đây là cách để chúng ta tồn tại.” Takeshi Niinami, giám đốc điều hành công ty cho biết "Nếu không làm được, chúng ta sẽ mất rất nhiều khách hàng trên thế giới".
Hideshige Takada, chuyên gia về rác thải nhựa tại Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo (Nhật Bản) cho biết, ngoài việc nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề này, đất nước cần thay đổi các cấu trúc cơ bản để các công ty sử dụng nhựa một cách tiết kiệm.
Ở Nhật Bản, chi phí xử lý rác thải nhựa cũng như quản lý các hệ thống tái chế lấy từ nguồn ngân sách của thành phố. Điều này khiến các công ty có ít động lực tài chính để chuyển từ việc sử dụng nhựa sang các vật liệu khác.
Giáo sư Takada nói thêm: "Ngoài ra quan niệm sai lầm rằng nhựa có thể được tái chế mãi mãi và không giảm chất lượng sau những lần tài chế cũng khiến người dân xem nhẹ việc thay đổi thói quen sử dụng nhựa."
Có nỗ lực nhưng...
Việc tính phí sử dụng túi nhựa thực sự giúp giảm thiểu rác thải nhựa ở Nhật Bản khi 80% người mua sắm từ bỏ túi dùng một lần. Tuy nhiên, lượng rác thải nhựa được sản xuất tại Nhật lên tới 8,24 triệu tấn vào năm 2021 và túi nhựa chỉ chiếm 1,2% tổng số này.
Bất chấp hàng loạt các biện pháp của chính phủ về việc giảm thiểu chất thải bổ sung, buộc các nhà điều hành doanh nghiệp phải giảm thiểu chất thải từ 12 sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm thìa, nĩa cũng như những vật dụng trong khách sạn cung cấp... thì khối lượng hộp đựng và bao bì nhựa thải ra theo đầu người ở Nhật Bản vẫn đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ - theo thống kê Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc.
Cần có những thay đổi lớn hơn nhiều khi chính phủ Nhật Bản cam kết đảm bảo rằng tất cả bao bì nhựa sẽ được tái sử dụng, tái chế hoặc ủ trong năm năm và để quốc gia này đạt mục tiêu cắt giảm 25% lượng rác thải nhựa thải ra, tái chế 60% rác thải gia đình cùng công nghiệp vào năm 2030.
Hiroyuki Ueda, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Mitsubishi UFJ Research and Consulting Co., người am hiểu về vấn đề rác thải nhựa, cho biết, "Các biện pháp ở Nhật Bản vẫn chỉ đi được nửa chặng đường. Mọi người phải chung tay hành động để giảm thiểu rác thải và tái chế nhiều hơn."
Trong bài viết của tờ Washington Post, "Nhật Bản bọc mọi thứ bằng nhựa và bây giờ họ muốn chống lại ô nhiễm nhựa", Simon Dener nhận xét rằng lượng rác thải nhựa tái chế ở Nhật Bản khá thấp, mặc dù chính phủ tuyên bố rằng 86% rác thải nhựa của họ đang được tái chế.
Công nhân phân loại rác thải tại một nhà máy ở Narashino (Ảnh: LightRocket/Getty Images)
Ông giải thích rằng 58% rác thải nhựa của Nhật Bản được "tái chế nhiệt". Nói cách khác, chúng được đốt cháy. Rõ ràng, chúng không được tái chế theo cái cách mà hầu hết mọi người nghĩ đến khi nghe về hai từ "tái chế".
Nhựa sinh học - có nguồn gốc từ thực vật - thường được coi là giải pháp thay thế hứa hẹn nhất nhưng chi phí vẫn cao hơn tới bốn lần so với polyme. Đó là lý do tại sao nhựa chúng chỉ chiếm khoảng 1% tổng lượng nhựa được sản xuất hàng năm, theo báo cáo từ Jefferies.
Nhà kinh tế học Yasuhide Yajima, Trưởng Viện nghiên cứu NLI, cho biết người tiêu dùng Nhật Bản cũng cần phải có sự chuẩn bị để thay đổi lối sống và sẵn sàng với việc trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường nếu các công ty muốn chuyển đổi từ nhựa làm bằng polyme truyền thống sang nhựa sinh học.
"Không chỉ là việc thay nhựa bằng các nguyên liệu khác," ông nói "Nó đi kèm với giá trị thực tế người dân phải trả. Người Nhật đã sẵn sàng cho điều đó chưa? Có lẽ là chưa."
Tương lai của môi trường thế giới đang dần trở nên ảm đạm. Đến năm 2050, dự đoán lượng rác thải nhựa ngoài đại dương sẽ vượt quá số lượng cá và ngày càng có nhiều bằng chứng để cho thấy nhựa đang ảnh hưởng ngày càng lớn tới sức khoẻ của con người. Tất cả, cần sự chung tay góp sức một cách mạnh mẽ của từng người, từng quốc gia trên toàn thế giới để bảo vệ hành tinh này.
Nguồn: Japantoday, Medium, Financial Times, japannews
Đời sống và Pháp luật