10 cây cầu được xây dựng qua sông Hồng, thị trường BĐS có thể thêm sôi động
Với 10 cây cầu sẽ được xây dựng qua sông Hồng, khu Đông Hà Nội được đánh giá như “công chúa ngủ trong rừng” sắp được đánh thức.
Hà Nội sẽ có thêm 10 cây cầu qua sông Hồng theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050. 10 cầu mới gồm Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc). Hiện nay, Hà Nội có 8 cầu, gồm Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì - Ba Vì.
Sở GTVT Hà Nội cũng vừa đề xuất Thành ủy Hà Nội về nhóm 7 công trình đường vành đai nằm trong danh mục các nhóm công trình giao thông quan trọng triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội sẽ tập trung hoàn thiện, khép kín các tuyến đường vành đai.
Ngoại trừ cầu Trung Hà và cầu Vĩnh thịnh ở huyện xa, Hà Nội có tổng cộng 6 cây cầu nối liền trung tâm thành phố với phần đô thị đang phát triển từng ngày phía bên kia sông Hồng, trong đó có cây cầu cũ kỹ hơn trăm tuổi như cầu Long Biên, hay cây cầu Nhật Tân bề thế, hiện đại.
Thực tế cho thấy, trong khi quỹ đất khu vực phố cổ đã quá chật chội, không còn dư địa để các nhà đầu tư tham gia, tiềm năng phát triển thuộc về phía bên kia bờ sông Hồng - khu vực phía Đông Bắc thủ đô. Theo nhiều chuyên gia về đô thị, cầu và đường mở đến đâu, giá bất động sản sẽ tăng đến đấy. Sự bứt phá về hạ tầng không chỉ giúp thay đổi diện mạo khu vực mà còn là cú hích tạo sức bật cho thị trường bất động sản khu vực. Khi cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng được xây dựng, giá bất động sản bên kia cầu tăng 3- 4 lần so với trước đó.
Giai đoạn 2010 - 2011, bất động sản Đông Anh như lột xác bởi giới đầu tư đón sóng hạ tầng cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù khiến giá đất ở một số xã như Hải Bối, Vĩnh Ngọc tăng đến 80% trong thời gian ngắn. Đến thời điểm 2014 - 2015, khi 2 cây cầu đi vào hoạt động, nhà ga T2 hoàn thiện, bất động sản quanh khu vực này lại tiếp tục tăng giá nhẹ.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản, nói rằng, trước năm 2010, khu Đông Hà Nội không được giới đầu tư quan tâm, nhưng nhờ hệ thống cầu vượt sông ngày càng hoàn thiện, kéo theo loạt dự án đại đô thị có vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD tại Gia Lâm, Đông Anh, thị trường đã hoàn toàn thay đổi. Hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt để thị trường bất động sản bứt phá.
“Ở khu Đông không có khoảng cách trung hay dài hạn. Bởi vì, hiện tại hoặc 10 năm, 20 năm nữa, khu Đông vẫn sẽ là điểm nhấn của thị trường bất động sản Hà Nội”, ông Thanh nhận định.
Đại diện Hội Bất động sản Việt Nam cho biết, với 10 cây cầu qua sông Hồng trong thời gian tới, khu vực phía Tây Hà Nội vốn đã quá nhiều dự án bất động sản sẽ giãn ra và nhường lại sân chơi cho khu phía Đông. “Dù vậy, xét dưới góc độ đầu tư lâu dài, khu Đông vẫn có nhiều ưu điểm tạo ra bệ đỡ phát triển và có thể bứt phá hơn nữa trong tương lai” vị đại diện nói.
Thời gian qua, UBND TP Hà Nội bàn thảo việc thực hiện quy hoạch hai bên bờ sông Hồng khiến giới đầu tư kỳ vọng vào sự bứt phá của khu vực này. Tại buổi làm việc giữa Thành ủy Hà Nội với Ban cán sự Đảng Bộ NN&PTNT, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết trong giai đoạn 5 năm tới, thành phố phải phủ kín quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó có quy hoạch sông Hồng, sông Nhuệ và sông Đáy. Theo đó, định hướng sử dụng được nguồn tài nguyên đất các bãi ven sông. Theo ông Huệ, muốn quy hoạch được 2 bên bờ sông Hồng và các bờ sông khác, quy hoạch thoát lũ là quan trọng nhất, là vấn đề sống còn.
Tuy nhiên, sau nhiều năm nghiên cứu, quy hoạch hai bên sông Hồng đến nay vẫn chưa có lời giải. Cuộc sống của hàng vạn người dân khu vực ngoài bãi sông vẫn khá tạm bợ, chưa biết sẽ tái định cư tại chỗ hay di dời theo hướng nào. Đây có lẽ cũng là điểm nghẽn lớn nhất trong việc phát huy thế mạnh cảnh quan hai bên sông, khai thác quỹ đất và thực sự góp phần đổi thay bộ mặt đô thị Hà Nội.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản, nói rằng, trước năm 2010, khu Đông Hà Nội không được giới đầu tư quan tâm, nhưng nhờ hệ thống cầu vượt sông ngày càng hoàn thiện, kéo theo loạt dự án đại đô thị có vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD tại Gia Lâm, Đông Anh, thị trường đã hoàn toàn thay đổi.
Tiền phong