10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: KDC và DXG gây ấn tượng
Nhiều cổ phiếu 'nóng' giảm giá mạnh trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 8. KDC, DXG và RAL gây bất ngờ tới nhà đầu tư.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 984,06 điểm, tương ứng giảm 0,85% so với tuần trước đó. HNX-Index cũng giảm 0,9% xuống 102,32 điểm. Biến động của thị trường trong tuần giao dịch vừa qua là khó lường với sự phân hóa mạnh của nhiều nhóm cổ phiếu.
Trong đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục gây sự chú ý, trong đó, nhiều cổ phiếu lao dốc mạnh những cũng có hàng loạt mã bứt phá bất chấp diễn biến ảm đạm của thị trường chung.
Ở sàn HoSE, đứng đầu danh sách tăng giá là cổ phiếu VOS của Vận tải biển Việt Nam với 24,7%. Trong tuần, VOS có 4 phiên tăng trần liên tiếp và một phiên lên 3,3%. Giá cổ phiếu VOS vẫn đang miệt mài đi lên bất chấp những diễn biến xấu của kết quả kinh doanh. Hiện tại VOS đang giao dịch ở mức 2.220 đồng/cp, tương ứng lên 53,1% so với ngày 29/7. Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, công ty báo lỗ lên đến gần 69 tỷ đồng, tăng 17% so với mức lỗ 58,7 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Tiếp sau đó, cổ phiếu KDC của Tập đoàn Kido gây bất ngờ cho nhà đầu tư khi tăng 18,7% chỉ sau 1 tuần giao dịch. Trong tuần, KDC đã có 3 phiên tăng trần liên tiếp. Ngoài ra, cổ phiếu KDF của Thực phẩm Đông lạnh KIDO - công ty con của Kido cũng tăng đến 26,7% nhờ thông tin thông qua phương án mua lại cổ phiếu quỹ với số lượng 3 triệu đơn vị (tương đương 5,36% tổng số cổ phần lưu hành) nhằm ổn định giá cổ phiếu. Nguyên tắc xác định giá theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch nhưng không vượt quá 40.000 đồng/cp.
Cổ phiếu DXG của Tập đoàn Đất Xanh tăng giá 12,7% sau một tuần giao dịch. Vừa qua, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Đất Xanh thông báo đăng ký mua thêm hơn 41 triệu quyền mua cổ phiếu phát hành thêm của công ty này. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận ngày 3/9/2019. Hiện ông Lương Trí Thìn đang sở hữu hơn 32,46 triệu quyền mua. Nếu mua thành công, ông Lương Trí Thìn sẽ có tổng cộng hơn 73,5 triệu quyền mua. Bên cạnh đó ông Lương Trí Thìn cũng đang có hơn 32,46 triệu cổ phiếu DXG. Trước đó Đất Xanh thông báo chốt danh sách cổ đông phát hành hơn 87,4 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành 4:1, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 quyền mua. Cứ 4 quyền mua được mua 1 cổ phiếu mới.
Chiều ngược lại, cổ phiếu FTM của Đầu tư và Phát triển Đức Quân tiếp tục giảm gần 30% trong tuần cuối tháng 8. Tính đến thời điểm hiện tại, FTM đã có 12 phiên giảm sàn liên tiếp. Thị giá của cổ phiếu này chỉ còn 10.100 đồng/cp - đây là mức giá thấp nhất lịch sử của FTM.
Tiếp theo, cổ phiếu HVH của Đầu tư và Công nghệ HVC cũng giảm 24%. Trong phiên cuối tuần, ông Trần Hữu Đông, Chủ tịch HĐQT và ông Đỗ Huy Cường, phó Chủ tịch HĐQT đăng ký mua vào lần lượt 250.000 cổ phiếu và 150.000 cổ phiếu.
|
Dù không nằm trong top các cổ phiếu giảm mạnh sàn HoSE, nhưng cổ phiếu RAL của Bóng đèn Phích nước Rạng Đông nhận được sự chú ý lớn khi giảm 11,7%. Cổ phiếu này lao dốc mạnh trong 2 phiên cuối tuần do ảnh hưởng tiêu cực của vụ cháy xảy ra tại công ty tối hôm 28/8. Ngay lập tức ban lãnh đạo công ty đã ra thông báo cho biết vụ hỏa hoạn xảy không gây thiệt hại về người, song thiệt hại tài sản ước tính ban đầu khoảng 150 tỷ đồng, tức dưới 5% tài sản công ty. Doanh nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo khắc phục sự cố hỏa hoạn và có thông báo tới các cổ đông, khách hàng.
Trên sàn HNX, đứng đầu danh sách tăng giá là cổ phiếu BBS của VICEM Bao bì Bút Sơn với 32%. Cổ phiếu này trong tuần đã có 3 phiên tăng trần liên tiếp và 2 phiên không xuất hiện giao dịch. Thanh khoản của cổ phiếu này luôn luôn duy trì ở mức thấp với chỉ vài trăm cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. Khá nhiều cổ phiếu 'nóng' ở sàn HNX như ACM của Khoáng sản Á Cường, NHP của Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP, BII của Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư... tăng giá mạnh.
|
Trong khi đó, cổ phiếu VGP của Cảng Rau quả đứng đầu danh sách giảm giá sàn HNX với 26,6%. VGP cũng thuộc diện cổ phiếu gần như không có thanh khoản, mỗi phiên xuất hiện giao dịch thì cổ phiếu này chỉ khớp lệnh được vỏn vẹn vài trăm đơn vị.
|
Tại sàn UPCoM, các cổ phiếu có biến động mạnh đều nằm trong diện thanh khoản gần như 'đóng băng'. Trong đó, cổ phiếu HES của Dịch vụ Giải trí Hà Nội tăng giá mạnh nhất với 71%.
|
Còn ở chiều ngược lại, cổ phiếu HFB của Công trình Cầu phà Thành phố Hồ Chí Minh giảm giá mạnh nhất với 59%.
|
NDH