10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm vừa và nhỏ biến động mạnh
Trong khi nhóm cổ phiếu trụ cột diễn biến không tốt, thị trường ghi nhận sự biến động mạnh của nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Các cổ phiếu như AGF, CLG, CIG, HBE, DNC... đều tăng giá rất mạnh sau 1 tuần giao dịch.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.010,3 điểm, tương ứng giảm 1,22% so với tuần trước đó. HNX-Index cũng giảm 1,16% xuống 106,03 điểm. Diễn biến chủ đạo của thị trường trong tuần qua là rung lắc, trong đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã điều chỉnh mạnh và gây áp lực lên thị trường chung.
Trong khi nhóm cổ phiếu trụ cột diễn biến không tốt, thị trường ghi nhận sự biến động mạnh của nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Ở sàn HoSE, đứng đầu danh sách tăng giá là cổ phiếu AGF của Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish) với 39,6%. Trong tuần, AGF đã có trọn vẹn cả 5 phiên tăng trần. Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành thủy sản, Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang lại ghi nhận kết quả khả quan trong quý IV năm tài chính bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau. Doanh thu thuần kỳ này đạt 168 tỷ đồng, giảm 16% so với quý IV năm ngoái. Agifish lãi sau thuế 6,4 tỷ đồng, cải thiện hơn rất nhiều so với số lỗ 217 triệu đồng trong cùng kỳ. Tuy nhiên, cả năm tài chính 2018-2019 Agifish ghi nhận lỗ 111,7 tỷ đồng, giảm nhiều so với số lỗ hơn 178 tỷ đồng năm trước đó – đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp công ty chịu lỗ.
Sở GDCK TP HCM đã cảnh báo rằng cổ piếu AGF có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc do tổng lỗ lũy kế của Agifish lên 382 tỷ đồng, cao hơn cả vốn điều lệ thực góp. Bên cạnh đó công ty đã phát sinh lỗ 2 năm liên tiếp trước đó, và cổ phiếu AGF đang thuộc diện bị kiểm soát theo quy định.
Cổ phiếu CLG của Đầu tư và Phát triển Nhà đất COTEC tiếp tục khiến nhà đầu tư bất ngờ khi tăng trần trong cả 5 phiên giao dịch của tuần qua và có mức tăng tổng cộng 39,3%. Tuy nhiên, tính rộng hơn, CLG đã tăng trần trong 20 phiên liên tiếp. Cổ phiếu CLG đi lên bất chấp kết quả kinh doanh không thuận lợi của doanh nghiệp này. Trong quý III, CLG báo lỗ 6,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 133 triệu đồng. Lũy kế 9 tháng, công ty lỗ đến gần 117 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, dẫn đầu danh sách giảm giá sàn HoSE là cổ phiếu TTB của Tập đoàn Tiến Bộ với 29,9%. Trong tuần, TTB có cả 5 phiên giảm sàn trong tình trạng gần như mất thanh khoản. Diễn biến giá cổ phiếu TTB khiến nhà đầu tư liên tưởng đến cổ phiếu FTM của Đầu tư và Phát triển Đức Quân thời gian qua. TTB cũng là cổ phiếu duy nhất sàn HoSE giảm giá trên 20%.
|
Trong khi đó, đứng thứ 2 trong danh sách giảm giá sàn này là cổ phiếu TTE của Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh với mức giảm 18,8%. Ngày 13/11 (thời điểm TTE bắt đầu giảm giá), ông Đinh Xuân Hoàng, Chủ tịch HĐQT công ty đăng ký mua vào hơn 1,3 triệu cổ phiếu TTE, tương ứng tỷ lệ 4,59%. Trước khi thực hiện giao dịch, ông Hoàng chưa nắm giữ cổ phiếu TTE. Trong khi đó, ông Lê Nhất Minh Xuân đăng ký bán toàn bộ 550.000 cổ phiếu TTE tương ứng tỷ lệ 1,93%. Cả 2 giao dịch dự kiến được thực hiện từ 19/11 đến 18/12 thông qua phương thức thỏa thuận.
Trên sàn HNX, đứng đầu danh sách tăng giá là cổ phiếu KSK của Khoáng sản Luyện kim màu với 50%. Việc KSK tăng 50% và giảm 50% xen kẽ các tuần là điều thường xuyên xảy ra trong thời gian gần đây. Thị giá cổ phiếu này vẫn dao dộng trong khoảng 200 - 300 đồng/cp.
|
Hai cổ phiếu HBE của Sách - Thiết bị trường học Hà Tĩnh và DNC của Điện nước Lắp máy Hải Phòng tăng giá lần lượt 37,5% và 31,4%. Tuy nhiên điểm chung của 2 cổ phiếu này là thanh khoản luôn duy trì ở mức rất thấp.
Chiều ngược lại, sàn HNX cũng chỉ có duy nhất một cổ phiếu giảm giá trên 20% đó là C69 của Xây dựng 1369 với 21,3%. Vừa qua, công ty đã có Nghị quyết về việc niêm yết bổ sung 5 triệu cổ phiếu trong đợt bán ưu đãi với giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông. Thời gian niêm yết dự kiến trong quý IV.
|
Cổ phiếu SJE của Sông Đà 11 đứng thứ 2 trong danh sách giảm giá sàn HNX với 19,4%. Cổ phiếu SJE luôn ở trong tình trạng thanh khoản rất thấp và trên thị trường không có thông tin quan trọng nào về doanh nghiệp này xuất hiện thời gian gần đây.
NDH