10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Tâm điểm nhóm vốn hóa nhỏ
"Quán quân" giảm giá ở sàn HoSE vẫn là YEG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1. Cổ phiếu này tiếp tục có trọn vẹn cả 5 phiên giảm sàn. Tính chung cả tuần, YEG giảm đến 30,4% và chỉ còn 118.800 đồng/cp.
Thị trường rung lắc mạnh sau khi VN-Index vượt qua mốc 1.000 điểm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 1.004,12 điểm, tương ứng tăng 1,92% so với tuần trước đó. HNX-Index tăng 2,05% lên 110,44 điểm.
Tâm điểm của thị trường trong tuần qua là việc các cổ phiếu vốn hóa nhỏ liên tục bứt phá mạnh. Ở sàn HoSE, cổ phiếu LMH của Công ty Cổ phần Landmark Holding đứng đầu danh sách tăng giá với 25%. Hiện tại, giá cổ phiếu LMH đang đạt 14.450 đồng/cp - đây là mức đỉnh của cổ phiếu này kể từ khi niêm yết trên sàn HoSE hồi cuối năm ngoái. LMH lên sàn HoSE vào 12/10/2018 với giá tham chiếu 11.200 đồng/cp. Cổ phiếu này sau khi lên sàn chỉ có 2 phiên tăng sau đó rơi vào chuỗi ngày, tháng lao dốc và hầu như chỉ loanh quanh mốc 10.000 đồng/cp một thời gian. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 tháng trở lại, LMH bất ngờ có những phiên tăng rất mạnh và hiện tại đang ở mức đỉnh.
Cổ phiếu TTF của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành cũng gây ấn tượng khi tăng 20,9% chỉ sau 1 tuần giao dịch. Hiện tại trên thị trường cũng không có thông tin gì đủ giúp TTF bứt phá mạnh như vậy, có lẽ cổ phiếu này tăng một phần nhờ xu hướng chung của nhóm cổ phiếu peny (thị giá nhỏ).
Chiều ngược lại, quán quân giảm giá ở sàn HoSE vẫn là YEG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1. Cổ phiếu này tiếp tục có trọn vẹn cả 5 phiên giảm sàn. Tính chung cả tuần, YEG giảm đến 30,4% và chỉ còn 118.800 đồng/cp. Như vậy, YEG đã có 10 phiên giảm sàn liên tiếp sau sự cố lớn liên quan đến YouTube.
Ngoài YEG, sàn HoSE trong tuần qua chỉ có thêm 3 cổ phiếu giảm giá trên 10% đó là DTA của Công ty Cổ phần Đệ Tam, C47 của Công ty Cổ phần Xây dựng 47 và CMV của Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau.
Trên sàn HNX, hàng loạt các cổ phiếu có thị giá thấp (dưới 10.000 đồng/cp) bứt phá mạnh. Cổ phiếu L35 của Công ty Cổ phần Cơ khí Lắp máy Lilama đứng đầu danh sách tăng giá sàn này với 56,5%. Trong tuần, L35 đã có 5 phiên tăng trần bất chấp việc công ty mới nhận quyết định xử phạt về thuế.
Một cái tên cũng gây ấn tượng lớn cho nhà đầu tư đó là VCR của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex. Cổ phiếu này tăng hơn 56% chỉ sau 1 tuần giao dịch. Tính rộng hơn, VCR đã có 7 phiên tăng trần liên tiếp. Vinaconex - ITC tiền thân là Ban quản lý dự án Cái Giá - Cát Bà được thành lập cuối năm 2008 và hiện có vốn điều lệ 360 tỷ đồng. Hiện nay, Vinaconex - ITC có 3 cổ đông lớn nắm 77% vốn gồm Vinaconex sở hữu 53,56%, Eximbank giữ 10,86% và CTCP Chứng khoán NN&PTNT Việt Nam có 13,586% vốn. Lượng cổ phiếu free-float hơn 7,9 triệu cổ phiếu, tương đương gần 22% vốn.
Chiều ngược lại, cổ phiếu GDW của Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định đứng đầu danh sách giảm giá sàn HNX với 26,62%. Trước đó, GDW đã có chuỗi tăng trần 6 phiên liên tiếp (từ 28/2- 7/3). Bên cạnh đó, cổ phiếu PBP của Công ty cổ phần Bao bì Dầu khí Việt Nam cũng giảm giá 26,6% trong tuần. Tuy nhiên, điểm chung của các cổ phiếu này là đều có thanh khoản rất thấp.
Trên sàn UPCoM, cổ phiếu VT1 của Công ty Cổ phần Vật tư Bến Thành đã tăng giá hơn 100% chỉ sau 1 tuần giao dịch từ mức 10.000 đồng/cp lên thành 20.200 đồng/cp. Dù vậy, thanh khoản của cổ phiếu này là rất thấp nên việc nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận lại không hề đơn giản. Tương tự với việc thanh khoản rất thấp, cổ phiếu BTH của Công ty Cổ phần Chế tạo Biến thế và Vật liệu điện Hà Nội cũng tăng giá đến 67,5%.
Trong khi đó, các cổ phiếu như C12 của Công ty Cổ phần Cầu 12, CDG của Công ty Cổ phần Cầu Đuống, VFC của Công ty Cổ phần VINAFCO... đều giảm giá mạnh nhưng thanh khoản luôn duy trì rất thấp, chỉ vài trăm cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên.