MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 điểm đáng chú ý khi đồng USD tăng giá

01-08-2022 - 08:02 AM | Tài chính quốc tế

Đồng USD tăng giá có lợi cho người dân Mỹ khi ra nước ngoài nhưng lại gây khó khăn cho nhiều quốc gia nhập khẩu nhiều hàng hóa.

Đồng USD hiện diện trong hầu hết mọi ngóc ngách của nền kinh tế toàn cầu. Nó là đồng tiền phổ biến nhất dùng làm trung gian trao đổi các nguyên liệu thô quan trọng, đồng thời cũng là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trong giai đoạn khó khăn.

“Đồng bạc xanh” gần đây tăng lên ngưỡng cao nhất hai thập kỷ so với một số đồng tiền chính khác của thế giới, một phần bắt nguồn thực tế Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang tăng lãi suất đồng USD nhanh hơn những đồng tiền khác.

10 điểm đáng chú ý khi đồng USD tăng giá - Ảnh 1.

Đồng USD tăng giá so với nhiều đồng tiền khác. Ảnh: Reuters.

Dưới đây là 10 điểm đáng chú ý trong suốt thời gian đồng USD lên giá:

Người Mỹ ra nước ngoài

Đồng USD mạnh là điều thật tuyệt vời nếu bạn là một du khách Mỹ. Khi so sánh giá khách sạn, ăn uống, hoặc một túi xách hàng hiệu, tất cả đều rẻ hơn dù ở London, French Riviera hay Cancun (Mexico). Tuy nhiên, khách du lịch đến Mỹ không được may mắn như vậy trừ khi họ mua vé Disneyland hoặc chuyến đi Las Vegas từ lâu trước đó.

Niềm vui của sự ngang giá

Đây là một lợi ích bổ sung cho những người Mỹ đi du lịch tới một trong 19 quốc gia sử dụng đồng euro và một sự an ủi nhỏ bé cho những khách du lịch châu Âu tại Mỹ. Bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian tính toán trong quá trình chuyển đổi giữa đồng USD sang đồng euro vì hai đồng tiền này gần như ngang giá.

Hàng hóa của Mỹ

Đối với những người tiêu dùng trên toàn thế giới đang tìm kiếm các thương hiệu hàng đầu của Mỹ, đồng USD mạnh đồng nghĩa với việc họ sẽ phải trả thêm tiền cho những sản phẩm của thương hiệu đó trừ khi các nhà phân phối địa phương cố gắng giảm bớt tác động của chênh lệch tỷ giá.

Chỉ trong vài ngày qua, các công ty của Mỹ như Mattel Inc, nhà sản xuất búp bê barbie và xe hơi đồ chơi hot wheels, cho biết họ chịu tác động không nhỏ từ việc đồng USD tăng giá, ngay cả khi người tiêu dùng nhìn chung sẵn sàng chấp nhận trả mức giá cao hơn. Đối với gã khổng lồ về hàng hóa tiêu dùng Procter & Gamble, nhà sản xuất các sản phẩm thân thuộc hằng ngày như tã lót Pampers hay nước giặt Ariel,  phải hứng chịu những tác động tương tự đến doanh số bán hàng.

Vấn đề của các nền kinh tế mới nổi

Đối với người dân Argentina, đồng USD tăng giá so với đồng peso góp phần đẩy giá cả hàng hóa trong nước tăng mạnh sau một năm, và hệ quả có thể là một cuộc khủng hoảng kinh tế. Các chính phủ và doanh nghiệp ở nhiều nền kinh tế mới nổi đảm bảo nguồn tài chính thông qua việc phát hành trái phiếu bằng đồng USD. Giá trị các khoản nợ mà họ đang nắm giữ không ngừng tăng lên khi tính bằng đồng nội tệ của mỗi quốc gia. Việc mở cửa thị trường nhằm thu hút thêm nguồn tín dụng từ nước ngoài cũng trở nên khó khăn hơn bởi lãi suất tại Mỹ liên tục tăng lên.

Nguyên liệu thô

Các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập nhập khẩu nhiều nguyên liệu thô đã và phải đối mặt với hai khó khăn cùng một thời điểm. Hầu hết các mặt hàng từ dầu mỏ đến lúa mì đều được giao dịch bằng đồng USD, đồng nghĩa với việc các quốc gia này đang phải trả nhiều tiền hơn cho mỗi thùng dầu hoặc giạ lúa mì mà họ nhập khẩu. Bên cạnh đó, giá của nhiều hàng hóa chạm đỉnh nhiều năm do xung đột Ukraine, thời tiết khắc nghiệt và hậu quả của đại dịch Covid.

Kiều hối

Đồng USD mạnh là một tin tốt cho một bộ phận người dân sinh sống tại một số quốc gia kém phát triển nghèo như Mexico và Cộng hoà Guatemala. Họ là những người sống phụ thuộc vào kiều hối được gửi về từ người thân đang làm việc ở Mỹ. Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn đánh mạnh vào dòng kiều hối vào năm 2020, tuy nhiên lượng kiều hối đã phục hồi mạnh mẽ sau đó.

Lạm phát

Thậm chí đối với các quốc gia giàu có như Đức, đồng USD mạnh lên gây ra không ít phiền toái vì nó làm gia tăng áp lực lạm phát, vốn ở ngưỡng cao thời gian gần đây, do giá cả hàng hóa nhập khẩu đi lên. Các ngân hàng trung ương thông thường phản ứng bằng việc tăng lãi suất, điều này làm cho người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn cung tín dụng, qua đó làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế.

Đồng ruble “ngược dòng”

Đồng ruble của Nga là đơn vị tiền tệ duy nhất trên thế giới đi ngược hướng với đồng USD trong năm nay. Đây là bất ngờ lớn đối với một quốc gia đang hứng chịu một loạt lệnh trừng phạt từ các quốc gia phương Tây vì tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine. Nhưng điểm mạnh này không mang lại nhiều lợi ích cho người dân Nga. Moscow có thể thu về hàng chục tỷ USD mỗi tháng từ việc bán năng lượng cho phương Tây, nhưng các hộ gia đình Nga vẫn không thể rút các khoản tiết kiệm bằng ngoại tệ của họ. Và nhiều nhãn hiệu quốc tế từ Adidas cho tới H&M và Ikea đã dừng bán hàng ở Nga kể từ khi xung đột nổ ra.

Bitcoin

Được quảng bá như lá chắn cuối cùng chống lại lạm phát, đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới đã không giữ trọn lời hứa và giảm hơn 50% trong năm nay trong khi giá cả nhiều hàng hóa tăng vọt ở nhiều nơi trên thế giới.  Nhiều nhà đầu tư cá nhân, vốn bị thu hút từ giai đoạn thị trường tăng giá trong năm ngoái, hiện phải từ bỏ tiền điện tử chuyển sang các tài khoản gửi tiền tiết kiệm bằng đồng USD vì họ cho rằng đây là phương án an toàn hơn.

Tăng giá quá mạnh

Nếu nhìn vào mức giá của một chiếc hamburger tại nhiều quốc gia, đồng USD đã tăng giá quá mạnh và có thể sẽ sớm suy giảm. Chỉ số Big Mac của The Economist, so sánh giá hamburger trên toàn thế giới, cho kết quả: “đồng bạc xanh” đang được định giá quá cao so với tất cả các đồng tiền khác trên thế giới. Đồng USD hiện đắt nhất, hay nói cách khác, một chiếc hamburger Big Mac có giá rẻ nhất đối với du khách Mỹ, tại Venezuela, Romania và Indonesia, trong khi ở Thụy Sĩ, Na Uy và Uruguay thì ngược lại.

Theo Nguyên Mai

Người đồng hành

Trở lên trên