MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 điều không nên làm với túi tiền của bạn

15-11-2020 - 08:54 AM | Tài chính - ngân hàng

Chuyên gia tài chính nổi tiếng Dave Ramsey khuyên mọi người nên ngừng tạo ra những vấn đề về tiền bạc trước khi bạn có khả năng giải quyết chúng.

Từ năm 1992, Dave Ramsey đã đúc kết và đưa ra những lời khuyên tài chính cá nhân. Bản thân ông có một bài học đắt giá: Ở tuổi 20, Ramsey đã gây dựng được một gia tài lớn nhờ kinh doanh bất động sản, tuy nhiên biến cố đã xảy ra khi các ngân hàng đồng loạt siết chặt những khoản nợ của ông. Sau khi phá sản, Dave Ramsey phải gây dựng lại từ đầu với hai bàn tay trắng.

Giờ đây, Ramsey đang làm chủ một kênh radio tài chính được tiếp sóng từ hơn 600 trạm phát, đồng thời là tác giả của một vài cuốn sách về quản lý tài chính cá nhân. Ông dạy cho mọi người cách để không vướng phải tình trạng nợ nần, ngay cả khi khủng hoảng tài chính đang diễn ra hiện nay.

10 điều không nên làm với túi tiền của bạn - Ảnh 1.

Chuyên gia tài chính Dave Ramsey. Ảnh: Dave Ramsey

Dưới đây là 10 điều Dave Ramsey khuyên bạn không nên làm với túi tiền của mình.

1. Đừng cố gắng trả các khoản nợ lớn trước

Khi bạn nợ nần chồng chất với nhiều khoản vay, việc thanh toán hết các khoản nợ dường như là điều không thể. Đó là lý do tại sao Ramsey đề xuất nên sử dụng “phương pháp quả cầu tuyết”.

Thay vì bắt đầu với khoản vay có lãi suất cao nhất, Ramsey nói rằng hãy trả hết khoản vay nhỏ nhất trước, đồng thời chỉ thanh toán số tiền tối thiểu cho những khoản vay còn lại. Ý tưởng ở đây là mỗi thành công nhỏ sẽ truyền cảm hứng cho bạn để giải quyết những thách thức lớn hơn.

“Nó liên quan đến việc thay đổi hành vi hơn là những con số. Một khi thu nhập của bạn được giải phóng, bạn có thể sử dụng khoản tiền này để đạt được mục tiêu tiết kiệm của mình", Ramsey giải thích.

Phương pháp quả cầu tuyết là một trong những lời khuyên phổ biến nhất của Ramsey nhưng nó cũng gây tranh cãi. Nếu điểm tín dụng của bạn đang bị ảnh hưởng, sẽ tốt hơn nếu bạn sử dụng một dịch vụ trực tuyến giúp xác định những hóa đơn nào cần thanh toán trước để nâng cao điểm số của bạn.

2. Không mua sắm phù phiếm

Nếu bạn muốn trở nên độc lập về tài chính, bạn sẽ phải tìm ra những khoản chi tiêu mà mình có thể cắt giảm. Điều này có nghĩa là sẽ không còn quần áo mới nữa.

“Nhưng tôi làm việc chăm chỉ cả ngày. Tôi xứng đáng có nó", nhiều người sẽ biện minh như vậy.

Thực tế, dù chỉ với một khoản ngân sách ít ỏi, hầu hết mọi người đều biết rằng họ gần như không bị bó buộc như họ nghĩ. Theo Ramsey, bội chi là nguyên nhân khiến người Mỹ rơi vào tình trạng nợ nần, đặc biệt là thái độ cho rằng bạn xứng đáng với những gì bạn muốn. Mỗi lần mua sắm sẽ khiến mục tiêu tiết kiệm của bạn bị đẩy đi lệch hướng nhiều hơn.

“Nợ không phải là vấn đề, đó là triệu chứng. Nợ nần là kết quả của việc mua những thứ ta không cần và mua những thứ cho người ta không thích", Ramsey nói với ABC News vào năm 2018.

3. Đừng chạy theo những mẫu xe mới

Giả sử bạn đã có một chiếc ôtô, theo Dave Ramsey, như vậy là ổn. Chạy theo những mẫu xe mới nhất hoàn toàn là sự lãng phí.

“Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi với bàn bếp cũ hay muốn nâng cấp chiếc điện thoại lên mẫu mới nhất, hãy nghĩ lại… Đừng mua những gì bạn muốn thay vì những thứ bạn cần", Ramsey viết trên blog cá nhân của mình như vậy.

Theo vị chuyên gia tài chính này, không ai nên mua một chiếc xe mới, trừ khi họ đang nắm trong tay khối tài sản vượt ngưỡng 1 triệu USD. Ôtô là tài sản sẽ rất nhanh mất giá trị ngay sau khi chúng được bán ra khỏi cửa hàng.

“Trung bình, các triệu phú thường lái chiếc xe trong 4 năm, với tổng quãng đường khoảng 41.000 dặm và tất nhiên là nó nằm trong phạm vi họ thanh toán. Họ không chi tiền cho xe mới trong suốt nhiều thập kỷ, đó là lý do họ trở thành triệu phú”, ông nói.

Còn nếu bạn vẫn muốn mua xe mới, hãy so sánh các khoản vay mua ôtô từ một số công ty cho vay để nhận được khoản vay với lãi suất tốt nhất.

4. Đừng dùng thẻ tín dụng để mua những thứ bạn có thể chi bằng tiền mặt

Theo Ramsey, bạn không cần phải sử dụng một phần mềm quản lý tài chính cá nhân nào để tiết kiệm. Sau khi đã tính toán ngân sách hàng tháng, bạn hãy rút số tiền mặt tương ứng và cho chúng vào các phong bì có dán nhãn gas, hàng tạp hóa, giải trí và bất cứ khoản chi tiêu gì bạn cần.

“Bất cứ khi nào bạn muốn biết mình còn lại bao nhiêu tiền để chi tiêu trong từng danh mục, bạn chỉ cần nhìn vào các phong bì tương ứng", Ramsey viết.

Nghe có vẻ cổ điển, nhưng biện pháp này buộc bạn phải suy nghĩ về các khoản chi của mình. Quẹt thẻ tín dụng và bạn sẽ dễ dàng quên nó đi, trong khi chi tiêu bằng tiền mặt buộc bạn phải luôn nhớ rõ tiền đã chui ra khỏi ví như thế nào.

Bây giờ, nếu bạn đang vướng vào các khoản nợ thẻ tín dụng, điều quan trọng là phải thoát khỏi mức lãi suất “cắt cổ” đó. Một khoản vay cá nhân với lãi suất thấp hơn có thể giúp bạn củng cố và thanh toán khoản nợ tín dụng nhanh hơn.

5. Đừng chi tiêu khi bạn có thể đầu tư

Khi Ramsey xuất hiện trong chương trình Larry King Live vào năm 2015, thị trường đang hoạt động tốt và tỷ lệ thất nghiệp đang giảm dần. Người dẫn chương trình Larry King đã đặt ra một câu hỏi cho Ramsey, đó là nếu nền kinh tế đang hoạt động tốt như vậy, tại sao người Mỹ vẫn ngập trong các khoản nợ?

Ramsey đã trả lời: “Người Mỹ có vấn đề về chi tiêu… Để kiếm tiền từ quỹ tương hỗ và quỹ hưu trí tư nhân 401(k), trước hết bạn phải bỏ tiền vào các quỹ này đã. Nếu bạn đã làm điều đó (kể từ cuộc suy thoái năm 2008) ... khoản tiền của bạn sẽ tăng gấp ba lần".

Bạn không gặt hái được lợi ích của một nền kinh tế phát triển bằng cách tiêu dùng nhiều hơn; mà chính đầu tư mới là cách mang lại sự giàu có. Một ứng dụng đầu tư phổ biến cho phép bạn bắt đầu chỉ với 1 USD, và bạn thậm chí còn không mất phí hoa hồng hoặc phí giao dịch.

6. Không cần phải học ở một trường đại học sang trọng

Bạn đứng đầu lớp, vậy tại sao bạn không theo học trường tốt nhất?

Theo một nghiên cứu về các trường đại học Mỹ được thực hiện năm 2018, những người theo học tại các trường thuộc top đầu chiếm giữ tới 75% số công việc được trả mức lương hơn 35.000 USD. Tuy nhiên, đừng tự chuốc lấy thất bại bằng cách gánh các món nợ đại học.

Tính tới năm 2020, tổng số nợ của sinh viên Mỹ ước tính vào khoảng 1.560 tỷ USD và hầu hết sinh viên tốt nghiệp đều vô cùng mong muốn tìm được cách giải quyết các khoản vay chưa trả của họ.

Theo Ramsey, điều quan trọng là có được một nền giáo dục tử tế mà không phải vay nợ.

“Đó là lời nói dối lớn nhất mà chúng ta từng tin tưởng: nơi bạn theo học tương quan với thành công trong tương lai của bạn. Mức tương quan này gần như bằng 0", ông khẳng định.

7. Đừng tiêu xài phung phí sau khi tốt nghiệp

Khi tốt nghiệp đại học và tìm được công việc đầu tiên, nhiều người có thể cảm thấy như mình không cần phải lo lắng tới chuyện tiêu xài hoang phí.

Ramsey từng nói với phóng viên đài CNBC vào năm 2018: “Tôi nói với những người trẻ tuổi gọi chương trình radio của chúng tôi rằng bạn đã quen với cuộc sống như một đứa trẻ đại học được nuông chiều, vì vậy hãy tiếp tục sống như vậy cho đến khi bạn bắt đầu kiếm tiền như một người trưởng thành".

Theo ông, bằng cách hạn chế chi tiêu và mua những thứ cần thiết với giá rẻ, “bạn có thể trả các khoản nợ, tích lũy quỹ dự phòng khẩn cấp và bắt đầu tiết kiệm cho những thứ bạn muốn và cần, ví dụ như một chiếc xe tốt hơn và các khoản thanh toán cho ngôi nhà của mình".

8. Không trợ cấp cho con cái

Ramsey nói rằng nước Mỹ không có khủng hoảng nợ mà thay vào đó là cuộc khủng hoảng nuôi dạy con cái. Hiểu biết về tài chính bắt đầu ở trong chính các gia đình và bản thân các bậc cha mẹ là người đã định sẵn thất bại cho con cái mình khi cung cấp cho chúng những khoản trợ cấp.

“Tôi không thích từ này. Trợ cấp nghe có vẻ như, ‘con không đủ tốt, vì vậy bố mẹ phải làm một cái gì đó cho con’. Nó giống như phúc lợi. Thay vào đó, chúng tôi thích dùng từ “hoa hồng”. Con cái được trả tiền khi làm việc nhà. Làm việc? Được trả tiền. Không làm việc? Không được trả tiền".

Con gái ông Rachel Cruze, đồng tác giả của cuốn sách Smart Money Kids Smart, đã đồng ý rằng trẻ em nhanh chóng học được rằng “tiền không đến từ túi sau của bố mẹ".

Tất nhiên, Ramsey cho biết, tất cả những công việc ông bắt con làm đều phù hợp với lứa tuổi. “Con mới 4 tuổi, chúng tôi sẽ không đưa con đến các mỏ muối", ông nói đùa.

9. Đừng mua nhẫn đính hôn ở cửa hàng trang sức

Bạn muốn làm cô ấy choáng ngợp, nhưng bạn không nên bắt đầu cuộc sống chung với một đống nợ.

Trong chương trình radio Bobby Bones năm 2019, Ramsey đã được hỏi về quy tắc ngón tay cái phổ biến giúp người cầu hôn quyết định số tiền chi tiêu cho một chiếc nhẫn đính hôn.

“Các cửa hàng trang sức nói là ba tháng (lương). Tôi nói chỉ một tháng thôi", ông châm biếm.

“Kim cương giống như các món đồ nội thất. Nó có một thị trường rộng lớn, vì vậy việc bạn mua nó ở đâu có thể là điều rất, rất quan trọng. Nếu bạn tìm đến một nhà môi giới kim cương hoặc một người hiểu biết một chút về kim cương, thậm chí là một cửa hàng cầm đồ cao cấp, bạn có thể mua được (chiếc nhẫn) với giá chỉ bằng 1/4 mức giá thông thường. Và tất nhiên là những viên đá có chất lượng thực sự tốt”.

10. Đừng cố làm giàu quá nhanh

Mặc dù thật tuyệt khi bạn bất ngờ phất lên, nhưng theo Ramsey, tốt hơn hết là bạn nên xây dựng tài sản một cách từ từ và bền vững.

“90% (triệu phú) tôi từng gặp đã dần dần gây dựng gia sản,” Ramsey nói trong chương trình radio của mình vào năm 2017. “Tôi không phản đối việc kiếm tiền nhanh chóng ... nhưng có đủ loại vấn đề xảy ra với nó khi mọi thứ xảy ra quá nhanh chóng... Đã bao nhiêu lần chúng ta chứng kiến các vận động viên trẻ tuổi nhận được một khoản tiền lớn và nó đã phá hủy cuộc sống của họ như thế nào?”

Ramsey có một câu châm ngôn tóm tắt lại điều này: "Sự giàu có đến nhanh thì đi cũng nhanh".

Theo Đỗ Hiền

NDH

Trở lên trên