10 doanh nghiệp trên sàn vay nợ lớn nhất vay gần 10 tỷ USD, đang tăng mạnh
So với hồi đầu năm, dư nơ vay ngắn và dài hạn của 10 doanh nghiệp tăng bình quân 13%. Vietnam Airlines, Masan, VIC, HAG, hay Novaland đang là những doanh nghiệp có dư nợ vay ngắn và dài hạn nhiều nhất. HSG đang tạo ra bất ngờ khi vay nợ tăng mạnh và tỷ lệ nợ/tổng tài sản cao.
Thống kê số liệu báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đang giao dịch cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam cho thấy, 10 doanh nghiệp vay nợ lớn nhất đang có số dư vay nợ ngắn và dài hạn tại ngày 31/12/2016 khoảng 223.630 tỷ đồng, tăng 13% so với hồi đầu năm, tương đương hơn 9,83 tỷ USD (số liệu của Vietnam Airlines lấy tại ngày 30/09/2016).
Số dư vay nợ (ngắn và dài hạn) lớn nhất là Vietnam Airlines (HVN) với 59.834 tỷ đồng, tiếp sau là Masan với 41.091 tỷ đồng, VIC với 39.537 tỷ đồng…. đứng cuối Top 10 là Vietjet Air với 6.797 tỷ đồng, nếu loại trừ Vietjet Air do đến cuối tháng Vietjet Air mới “chào sàn” Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) sẽ ở vị trí cuối cùng của bảng với 6.460 tỷ đồng.
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính các công ty
Xét về tăng trưởng dư nợ, đứng đầu Vietjet Air (mã VJC) tăng trưởng dư nợ đến 91,8%, tăng nợ vay mạnh ở cả ngắn và dài hạn.
Thứ 2 là CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội (mã NHN) tăng 80%; đến cuối năm 2016 NHN không còn khoản vay nợ dài hạn.
Xếp thứ 3 là Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) với tăng trưởng vay nợ bình quân 74,2%, chủ yếu do tăng vay ngắn hạn (tăng 91%). Novaland (mã NVL) xếp thứ 4 với tăng trưởng bình quân 68,8% trong đó vay ngắn hạn tăng 75%, vay dài hạn tăng 66% so với đầu năm 2016.
Có 2 doanh nghiệp giảm vay nợ tính chung cho vay dài hạn và ngắn hạn là Vietnam Airlines và Thủy sản Hùng Vương (mã HVG) lần lượt -3,9% và -1,7% trong đó Vietnam Airlines giảm nợ vay ở cả ngắn và dài hạn, HVG giảm vay nợ ngắn hạn.
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính các công ty
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính các công ty
Mặc dù là 10 doanh nghiệp có dư nợ vay ngắn và dài hạn lớn nhất, nhưng so với quy mô tổng tài sản có 5/10 doanh nghiệp đang có tỷ lệ vay nợ/tổng tài sản vượt 50% gồm Vietnam Airlines (62,7%); Tập đoàn Hoa Sen (56,8%); Masan (56,3%); HVG (52,5%) và HAG (51,6%). Dù đứng thứ 2 về tổng dư nợ vay nhưng so với quy mô tài sản dư nợ vay của VIC đang ở mức rất thấp 22%.
Xét về thanh khoản, tỷ số thanh toán hiện hành của NHN, HVN, VIC, HAG đang thấp dưới mức 1. Các doanh nghiệp còn lại có tỷ số thanh toán hiện hành lớn hơn 1 (>1).
Tuy nhiên, lưu ý rằng, nợ ngắn hạn của VIC cao làm cho tỷ số thanh toán hiện hành thấp dưới 1 là do số dư người mua trả tiền trước (thanh toán theo hợp đồng chuyển nhượng bất động sản tại các dự án ) cao lên đến hơn 47.400 tỷ đồng.
Tương tự NHN có số dư người mua trả tiền trước ngắn hạn 10.662 tỷ đồng.
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính các công ty
Ước tính 10 công ty vay nợ lớn nhất trên sàn chiếm khoảng 4,2% dư nợ của nền kinh tế. 3 nhóm ngành có dự nơ vay lớn gồm ngành vận chuyển hàng không, ngành bất động sản và ngành thép/vật liệu xây dựng.
BizLive