MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 năm - chúng ta còn ngần ấy thời gian để phục hồi sự đa dạng sinh học trên Trái Đất trước khi đợt tuyệt chủng thứ 6 xảy ra!

07-07-2020 - 14:59 PM | Sống

Nhân loại còn 1 thập kỉ cuối cùng để thực hiện các biện pháp quyết liệt trước khi đại tuyệt chủng thứ sáu có thể diễn ra, một bản thảo của Liên Hiệp Quốc cảnh báo vào tháng 1/2020.

Đa dạng sinh học của Trái Đất đang bị de dọa và có thể tuyệt diệt sau 10 năm nữa

Theo báo cáo từ Công ước Liên hợp quốc, đa dạng sinh học đang “suy giảm trên toàn cầu” trong suốt nhiều thập kỉ qua do ô nhiễm môi trường và đô thị lấn chiếm hệ sinh thái tự nhiên. Xu hướng này sẽ trầm trọng hơn và là mối đe dọa đối với nhân loại.

"Trái Đất đang tiến tới đường chân trời của đợt đại tuyệt chủng thứ 6"- Sir David Attenborough, nhà tự nhiên học nổi tiếng người Anh, cũng đã cảnh báo. Một số nhà môi trường khẳng định Trái Đất đang phải trải qua quá trình hủy diệt sinh học khi hàng tỷ quần thể động vật bị mất đi trong những thập kỷ gần đây.

Để đảo hồi sự sụt giảm đa dạng sinh học, cần có những “thay đổi lột xác”, bao gồm cắt giảm mức độ ô nhiễm xuống một nửa hiện tại, bảo tồn nguyên vẹn ít nhất 30% diện tích đại dương và lục địa. Hơn nữa, các mục tiêu này cần hoàn thành vào năm 2030.

Thiên tai đang ngày càng kinh khủng hơn do hệ lụy của biến đổi khí hậu. Có thể kể đến những đợt cháy rừng thảm họa, lũ lụt và siêu bão trở nên phổ biến. Khoảng 8,7 triệu sinh vật đã phải trả giá bằng cả sinh mạng vì các tai ương như vậy.

Giới khoa học cho rằng đa dạng sinh học sẽ đảm bảo cho hệ sinh thái Trái Đất vận hành bền vững, cung cấp các yếu tố cơ bản của cuộc sống như nước, thức ăn và cả thuốc men.

Vậy mà từ cuối năm 2019, cháy rừng ở Úc đã tàn phá khắp đất nước, giết chết nhiều người và hủy hoại nghiêm trọng các vùng ngoại ô. Các nhà khoa học cũng ước tính có hơn 1 tỷ cá thể động vật đã bị thiêu cháy trong “hỏa ngục”. Sự sinh trưởng của một số loài bị đe dọa, ví dụ như gấu túi koala.

10 năm - chúng ta còn ngần ấy thời gian để phục hồi sự đa dạng sinh học trên Trái Đất trước khi đợt tuyệt chủng thứ 6 xảy ra! - Ảnh 1.

Đại thảm họa cháy rừng Úc có thể đã thiêu rụi 1 tỷ cá thể động vật (Ảnh: NY Times).


10 năm - chúng ta còn ngần ấy thời gian để phục hồi sự đa dạng sinh học trên Trái Đất trước khi đợt tuyệt chủng thứ 6 xảy ra! - Ảnh 2.

Lũ lụt ở Công viên bảo tồn quốc gia của Ấn Độ khiến 200 con vật bỏ mạng (Ảnh: PTI).

Lũ lụt ở Ấn Độ đã liên tiếp tràn vào miền bắc đất nước từ tháng 7 năm ngoái, khiến hơn 100 người chết và tàn phá nặng nề Công viên Quốc gia Kaziranga - một trong những “điểm nóng” bảo tồn của Ấn Độ, đồng thời được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Những người làm công tác bảo tồn cho biết, có hơn 200 động vật của Công viên Kaziranga, bao gồm tê giác, voi, hươu vàng Ấn Độ… đã bỏ mạng do môi trường sống của chúng bị ngập úng từ những trận mưa như trút nước.

Bên cạnh thiên tai, "nhân họa" cũng khiến môi trường sống của các loài vật suy giảm. Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), hơn 170.000 km2 rừng đã biến mất do hoạt động canh tác nông nghiệp.

Ô nhiễm và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cũng xâm hại môi trường sống của nhiều loài vật, trên bờ lẫn dưới biển. Khoảng 100 triệu tấn sinh vật biển đã bị đánh bắt mỗi năm.

10 năm - chúng ta còn ngần ấy thời gian để phục hồi sự đa dạng sinh học trên Trái Đất trước khi đợt tuyệt chủng thứ 6 xảy ra! - Ảnh 3.

Một con voi châu Á trung bình nặng 3,5 tấn. Vậy 100 triệu tấn sinh vật biển bị đánh bắt mỗi năm sẽ có khối lượng tương đương với 28,6 triệu con voi (Ảnh: SCMP).

Sự mất mát này, trước hết tác động đến đời sống hoang dã. Theo ước tính của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), khoảng 2.000 động vật có vú là những nạn nhân đầu tiên. Chúng bao gồm cá voi xanh - loài vật lớn nhất còn hiện diện trên thế giới. Theo Sách Đỏ của IUCN, cá voi xanh đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi việc đánh bắt quá mức và môi trường sống bị biến đổi.

May mắn thay, các nỗ lực bảo tồn đã giúp giảm thiểu nguy cơ biến mất đối với một số loài vật khác, bao gồm cá voi lưng gù - được đưa vào danh sách đe dọa tuyệt chủng vào năm 1988 nhưng đã dần phục hồi.

10 năm - chúng ta còn ngần ấy thời gian để phục hồi sự đa dạng sinh học trên Trái Đất trước khi đợt tuyệt chủng thứ 6 xảy ra! - Ảnh 4.

Cá voi lưng gù từng là loài nguy cấp dưới đại dương, trong khi lượng chim mỏ sừng sa sút trong rừng nhiệt đới Đông Nam Á (Ảnh: SCMP).

Cá voi lưng gù có thể dài đến 15m, mặt lưng gồ ghề như cái tên của chúng - là đối tượng bị săn bắt tràn lan từ thế kỉ 17 đến tận đầu thế kỉ 20. Thế nhưng nhờ lệnh cấm năm 1986 - ký kết bởi các thành viên trong Ủy ban Cá voi Quốc tế - đã giúp loài này phục hồi số lượng. Dù vậy, chúng vẫn bị đánh bắt ở một số nơi như Greenland và Nhật Bản (nước này đã rút khỏi Ủy ban Cá voi Quốc tế vào mùa hè năm ngoái bất chấp những chỉ trích của cộng đồng quốc tế).

Đa dạng sinh học bao gồm tất cả hệ sinh thái và sự sống trên Trái Đất. Tuy nhiên chúng không trải đều khắp nơi mà tập trung dày đặc nhất ở miền nhiệt đới. Rừng nhiệt đới bao phủ 10% bề mặt hành tinh nhưng lại chứa đến 90% các loài động thực vật trên cạn. Vậy mà chim mỏ sừng lớn - loài chim bản địa của Đông Nam Á - đang bị đe dọa nghiêm trọng vì những cánh rừng trơ trọi.

Tình trạng cũng rất đáng báo động đối với sự đa dạng sinh học dưới đại dương - vốn phong phú hơn hẳn trên đất liền. Theo WWF, 32 trong tổng số 33 ngành động vật được biết đến là có môi trường sống dưới biển.

Cái giá phải trả cho việc hủy hoại đa dạng sinh học

Sự mất mát đa dạng sinh học có thể tác động tiêu cực đến loài người, vì chúng ta cần không khí để thở, nước để uống và thực phẩm để ăn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sự suy giảm này có thể ảnh hưởng đến chức năng của hệ sinh thái, kéo theo hậu quả đáng sợ về sức khỏe.

Đó là vì đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trong quy trình sản xuất thực phẩm - bao gồm giữ gìn độ màu mỡ của đất, đảm bảo nguồn gen các giống cây trồng và gia súc. Càng mất đi đa dạng sinh học, chuỗi thực phẩm của con người càng kém dinh dưỡng và dần hủy hoại sức khỏe của chúng ta.

10 năm - chúng ta còn ngần ấy thời gian để phục hồi sự đa dạng sinh học trên Trái Đất trước khi đợt tuyệt chủng thứ 6 xảy ra! - Ảnh 5.

Mất mùa, nạn đói là một số hệ quả của suy giảm đa dạng sinh học.

Một nghiên cứu thực hiện bởi Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) cho biết, suy giảm đa dạng sinh học có thể kìm hãm sự phát triển của thực vật với mức độ nghiêm trọng tương đương thủng tầng ozone hay mưa axit.

Nói cách khác, suy thoái đa dạng sinh học cũng chính là cản trở khả năng cung cấp thức ăn, nước sạch và một hệ khí hậu ổn định mà con người cần có để tồn tại.

Giữ gìn đa dạng sinh học đặc biệt quan trọng với các nước đang phát triển, bởi vì động vật hoang dã là nguồn thực phẩm cho nhiều người dân ở những quốc gia đói nghèo nhất, theo WWF.

10 năm - chúng ta còn ngần ấy thời gian để phục hồi sự đa dạng sinh học trên Trái Đất trước khi đợt tuyệt chủng thứ 6 xảy ra! - Ảnh 6.

Đa dạng sinh học cung cấp cho con người thức ăn, thức uống, thuốc men, nguyên liệu cho công nghiệp...

Mặt khác, suy giảm đa dạng sinh học kéo theo hệ lụy cho nền kinh tế. Riêng châu Âu đã tổn hao 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm, tương đương 450 triệu Euro vì giảm đa dạng sinh học, theo ước tính của Diễn đàn nhân đạo toàn cầu (GHF).

Sụt giảm đa dạng sinh học còn “tấn công” con người theo nhiều cách khác. Ví dụ, nghiên cứu thuốc trị ung thư vốn dựa vào một loài nấm trên lông của con lười. Trong khi đó, rất nhiều ngành công nghiệp cũng sử dụng nguồn nguyên liệu sinh học như sợi, thuốc nhuộm, cao su và dầu.

Chúng ta có thể làm gì để bảo tồn đa dạng sinh học của Trái Đất trước khi quá muộn?

Theo các nghiên cứu từ Liên hợp quốc, con người phải giữ cho nhiệt độ của hành tinh tăng không quá 1,5 độ C. Chúng ta đang gây áp lực lên hành tinh từ việc ăn uống, mua sắm, sử dụng điện năng hay di chuyển bằng đường hàng không. Các chuyên gia đồng ý rằng, mỗi người có thể giúp đỡ Mẹ Trái Đất bằng cách giảm mức thải cacbon xuống còn 2 tấn/người/năm. Hiện tại, mức bình quân toàn cầu là 4 tấn/người/năm. Sau đây là một số cách giúp bạn cắt giảm lượng cacbon thải ra.

Cắt giảm những chuyến đi đường dài bằng ô tô, máy bay

Một chuyến bay đường dài có thể thải ra lượng cacbon nhiều hơn mỗi cá nhân tạo ra trong 1 năm. Ví dụ, chuyến bay từ London đến New York thải hết 985 kg CO2 - nhiều hơn mức thải trung bình năm của mỗi công dân ở 56 quốc gia.

Thay thế cho máy bay, chúng ta có thể đi lại bằng tàu hỏa, tàu thủy, các loại xe điện… Còn trong việc di chuyển hàng ngày, nên cân nhắc đi bộ, xe đạp, dùng phương tiện công cộng thay vì lái xe. Ngoài ra hãy cố gắng trồng cây xanh và xây dựng các công trình bền vững, thân thiện với môi trường.

Ăn thức ăn địa phương, ưu tiên thực vật hơn các loại thịt

Một nghiên cứu trên tạp chí y khoa The Lancet đã kêu gọi những thay đổi lớn trong sản xuất thức ăn và chế độ ăn uống của mọi người. Nghiên cứu nói rằng, để bảo vệ Trái Đất khỏi các thảm họa thiên nhiên, chúng ta nên cắt giảm tiêu thụ thịt đỏ xuống còn 50%, thay vào đó là ăn các loại hạt, đậu, trái cây và rau.

Các chuyên gia khuyên hãy thử chế độ “flexitarian diet” - một người ăn chay “linh hoạt”. Theo đó, bạn ăn hầu hết thức ăn có nguồn gốc thực vật, không kiêng thịt nhưng nhớ đánh giá xem chúng là loại thịt gì và có nguồn gốc từ đâu. Ví dụ như thịt bò được xem là có hại hàng đầu cho môi trường. Đó là do động vật ăn cỏ như bò, thông qua nhai đi nhai lại thức ăn, đã thải ra lượng khí methane lớn, có hại gấp 20 lần khí cacbon.

Ngoài ra hãy dùng thực phẩm địa phương, thức ăn theo mùa, nói nôm na là có gì ăn nấy. Bởi vì việc vận chuyển một hộp việt quất nhỏ cũng có thể tạo hàng kg CO2.

Tiết kiệm điện, hạn chế mở điều hòa

10 năm - chúng ta còn ngần ấy thời gian để phục hồi sự đa dạng sinh học trên Trái Đất trước khi đợt tuyệt chủng thứ 6 xảy ra! - Ảnh 7.

NÊN rút phích điện, tắt điều hòa (Ảnh: SCMP).

Một số biện pháp đơn giản mà chúng ta nên làm như rút phích điện sau khi sử dụng, thay thế bóng đèn sợi đốt bằng đèn LED giúp tối ưu điện năng, chọn mua những sản phẩm ít đóng gói.

Chuyện sử dụng máy điều hòa cũng rất đáng lưu ý. Khoảng 20% điện năng tiêu thụ trong các tòa nhà là do máy điều hòa gây ra. Chúng còn sử dụng môi chất lạnh hydrofluorocarbon góp phần gia tăng biến đổi khí hậu.

Trái Đất nóng dần lên khiến con người thường xuyên sử dụng máy điều hòa, thế nhưng nó lại càng khiến cho khí hậu trở nên khó lường và oi bức hơn. Đó là một vòng luẩn quẩn mà ta nên tránh.

Tiêu thụ thời trang bền vững

10 năm - chúng ta còn ngần ấy thời gian để phục hồi sự đa dạng sinh học trên Trái Đất trước khi đợt tuyệt chủng thứ 6 xảy ra! - Ảnh 8.

KHÔNG NÊN: Mặc vài lần rồi vứt. NÊN: Sử dụng quần áo từ 2 năm 5 tháng trở lên (Ảnh: SCMP).

Thời trang nhanh đã trở thành một phần trong lối sống của chúng ta, thế nhưng ngành công nghiệp này thải ra tới 1,2 tỷ tấn CO2 mỗi năm - nhiều hơn cả vận tải hàng không và đường thủy cộng lại.

Hơn nữa, “thời trang ăn liền” còn tạo ra tâm lý mặc vài lần rồi vứt, tác động đến biến đổi khí hậu. Mỗi năm, có đến hàng triệu tấn quần áo bị thải bỏ gây ra lãng phí lớn. Ngành thời trang nhanh còn tiêu tốn hết 79 tỷ m3 nước sạch để sản xuất mỗi năm.

Môi trường biển cũng bị ảnh hưởng bởi ngành công nghiệp tỷ USD này, với 35% hạt vi nhựa được tìm thấy trong đại dương là đến từ các bộ phận trang phục.

Các nghiên cứu cho thấy nếu mỗi người tăng vòng đời của quần áo từ trung bình 3 tháng, lên mức 2 năm 5 tháng, thì sẽ giúp cắt giảm đến 5-10% lượng cacbon cũng như giảm thiểu lượng rác bị tống ra ngoài môi trường.

(Theo SCMP)

Theo Jayden

Trí thức trẻ

Trở lên trên