MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 năm đi làm một công ty tôi đã học được những gì?

21-07-2019 - 15:17 PM | Sống

Trong quãng thời gian từ 20 tuổi đến 30 tuổi, việc bạn đã tìm được một người thầy giỏi để dẫn dắt bạn, hay một sự nghiệp khiến bạn có thể dồn hết tâm huyết và vắt kiệt sức lực của mình để cống hiến - là một điều rất quan trọng, vì đó là cả một quãng thanh xuân, tuổi trẻ đẹp nhất của bạn.

Tuổi trẻ - người ta hay nói phải nhảy việc thật nhiều, phải trải nghiệm thật nhiều, va vấp thật nhiều để thu nạp cho mình càng nhiều kinh nghiệm, càng đa dạng càng tốt. Những câu chuyện về thay đổi công việc, gặt hái thành công, vấp ngã để thu hoạch bài học thất bại khi nhảy việc luôn luôn là đề tài nóng với đa số.

Nhưng nếu hôm nay, chúng ta cùng chia sẻ một góc nhìn khác thì sao nhỉ? Anh Anh Vũ - 29 tuổi, đang là Product Manager của một tựa game eSport hàng đầu Việt Nam đã có 10 năm làm việc ở công ty hiện tại. 10 năm nhìn lại, Vũ từ một sinh viên yêu game, kinh nghiệm bằng 0, cũng chẳng có bằng cấp... dần dần đi lên vị trí rất cao trong lĩnh vực của mình. Tất cả đều xuất phát từ tình yêu, sự đam mê, và đặc biệt là sự kiên trì, gắn bó với một nơi làm việc duy nhất.

Vậy, Vũ có gì để chia sẻ về việc gắn bó lâu dài với một công ty để thành công và hoàn thiện bản thân? Dưới đây là những quan điểm và suy nghĩ của Vũ về vấn đề này.

-----

Bạn có biết hàng năm, công ty Gallup thường thực hiện những cuộc khảo sát liên quan đến vấn đề gọi là "sự khủng hoảng mức độ gắn bó với công việc trên toàn cầu." Kết quả của nhưng cuộc khảo sát này cho thấy tỉ lệ dưới 1/3 của lực lượng lao động ở Mỹ tỏ ra gắn bó, nhiệt tình và cam kết với nơi mình làm việc; trong số hàng triệu người đó, hơn phân nửa họ cho biết sẵn sàng bỏ việc sang công ty khác nếu mức lương mới cao hơn hiện tại 20%. Ở lĩnh vực công nghệ, 2/3 nhân viên nghĩ rằng họ có thể tìm được việc tốt hơn trong vòng hai tháng tới.

Đối với doanh nghiệp, sự chán thường không phải là vấn đề trừu tượng và mang yếu tố tâm lý, mà nó sẽ tác động đến kết quả cuối cùng của doanh nghiệp. Nếu nhân viên gắn kết, nhiệt tình với công việc sẽ tạo ra nhiều lợi nhuận hơn và tỷ lệ hoán đổi công việc cũng ít hơn. Theo hãng tư vấn Deloitte, vấn đề sự cam kết của nhân viên đối với công việc đã trở thành nỗi lo lắng lớn thứ hai của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chỉ đứng sau thách thức nâng cao khả nẵng lãnh đạo toàn cầu mà thôi.

“Cuộc đời này có mấy lần được 10 năm” như rapper Đen Vâu đã viết trong bài hát của mình. Chặng đường mười năm theo đuổi một giấc mơ, một sự nghiệp là một cột mốc rất đáng nhớ trong sự nghiệp của bất kì ai.

10 năm đi làm một công ty tôi đã học được những gì? - Ảnh 1.

Mười năm trước, anh tổng giám đốc của chúng tôi bỏ ngang một công việc ổn định ở nước ngoài, để về nước lập một start-up ở một cái ngành nghề mà chả ai dám nghĩ lúc đó có thể thành công. Tôi thời điểm đó vô tư lắm các bạn! Tôi chọn công việc này và đi theo các anh chỉ với suy nghĩ đơn giản là được làm cái mình yêu thích. Khi bạn đã tìm được một người thầy giỏi để dẫn dắt bạn, hay một sự nghiệp khiến bạn có thể dồn hết tâm huyết và vắt kiệt sức lực của mình để cống hiến, nhất là quãng thời gian từ 20 tuổi đến 30 tuổi của một đời người. Điều đó quan trọng lắm vì đó là cả một quãng thanh xuân, tuổi trẻ đẹp nhất của bạn.

10 năm đi làm một công ty tôi đã học được những gì? - Ảnh 2.

Để rồi cho đến ngày hôm nay, khi bạn và những người đồng nghiệp vào sinh ra tử ăn nằm với nhau, có khi còn gắn bó như những người thân trong gia đình, dìu dắt nhau đi lên từng tí một, hay chia sẻ với nhau từng gánh nặng của công việc, bạn sẽ cảm thấy rất tự hào vì những gì mình đã trải qua. Sau bốn năm đi làm tại công ty, chúng tôi có được một sản phẩm đầu tiên để mắt thị trường - sản phẩm mà sẽ là bước ngoặt thổi gió cho chiếc thuyền khởi nghiệp đi xa hơn nữa. Tôi còn vẫn còn nhớ buổi sáng định mệnh hôm đó, anh em gầy nhom vì ăn mì gói, tóc tai luộm thuộm vì không có thời gian cắt tóc… nhưng anh tổng giám đốc của tôi có nói một câu mà chúng tôi không bao giờ quên "We put our hearts and souls into it and the rest is history!". (Chúng tôi dành cả trái tim và tâm hồn cho sản phẩm và phần còn lại sẽ để lịch sự tự nói lên). 

Đó thực sự là một trải nghiệm khó quên, một dấu mốc của cuộc đời mà chỉ dành cho những người kiên trì, cần mẫn, gắn bó với công việc mới có thể tìm thấy. Trong cuốn sách "Nhà giả kim" nổi tiếng toàn thế giới, cậu bé chăn cừu Santigo vì ước mơ từ nhỏ của mình đã đi đây đi đó, chu du khắp thế giới để thực hiện điều đó. Kết thúc của câu chuyện là sau những chuyến chinh phục đầy gian khổ, thậm chí có những lúc cậu gần như phải đánh đổi mạng sống của mình, để rồi cậu tìm thấy được kho báu tại chính nơi mà cậu đã có giấc mơ đó. “Kho tàng” mà Santigo tìm kiếm được ở đây nó không chỉ bao hàm ý nghĩa vật chất, mà nó còn chứa đựng cả những giấc mơ của tuổi trẻ mà chỉ những người kiên trì nhất mới có thể tìm ra được.

Áp lực trong công việc, đặc biệt là phải thành công hoặc là thất bại sẽ giúp con người bạn trưởng thành nhanh hơn, được tôi luyện nhiều hơn. Đi làm cũng như đi học vậy. Sau một khoảng thời gian nhất định, chắc chắn bạn sẽ được sếp giao những trọng trách lớn hơn. Nó sẽ giống như là những bài kiểm tra để đo lường trình độ kĩ năng của bạn, xem rằng bạn đã đạt đến một cấp độ cao hơn chưa thông qua những kế hoạch của dự án mới, những buổi thuyết trình chia sẻ kiến thức cho đồng nghiệp... Một đặc điểm dễ nhận ra ở các nhân viên mới đi làm hoặc các nhân viên “nhảy” việc liên tục là khả năng chịu đựng áp lực công việc của họ rất yếu.Tôi từng quan sát được một cậu nhân viên mới đi làm, bị sếp chỉ ra lỗi sai và hậu quả của cậu ta gây ra, đến mức mà đi ăn trưa, tay cầm đũa của cậu ta còn run cầm cập; hay như cô bạn đồng nghiệp cũ giờ vẫn còn lận đận đi phỏng vấn hết công ty này đến công ty khác mà vẫn chưa thể ổn định được sự nghiệp của mình.

10 năm đi làm một công ty tôi đã học được những gì? - Ảnh 3.

Câu chuyện nổi tiếng trên mạng về người phụ nữ bị Jack Ma 'lừa' suốt 14 năm và bài học đáng suy ngẫm: "Đừng háo hức với những lợi ích nhanh chóng!". Người phụ nữ đó tên là Tong Wenhong. Sau lần đầu tiên xin việc không thành công, cô quyết tâm thử lại và được sắp xếp làm việc tại quầy lễ tân. Khi Jack Ma đang phân bổ cổ phiếu công ty, ông đã đưa cho Tong Wenhong 0,2% cổ phần và nói rằng nó sẽ có giá trị 100 triệu khi Alibaba công khai đi vào thị trường. Jack Ma khuyên cô ta nên gắn bó với công ty, không chuyển sang các công ty khác và cô ta sẽ có được 100 triệu. Nhiều năm tiếp theo, cô vẫn chưa bao giờ thấy điều đó xảy ra và nghĩ rằng cô sẽ không bao giờ có được 100 triệu như lời Jack Ma đã nói. Tuy nhiên cô ấy vẫn kiên trì ở lại làm tốt công việc của mình và từng bước thăng tiến. 9 năm ra mắt công chúng tại Sở giao dịch chứng khoán New York, Alibaba được định giá 245,7 tỷ. Tong Wenhong, cựu nhân viên lễ tân, hiện là phó chủ tịch của Alibaba, đã trở thành triệu phú từ một nhân viên lễ tân với trị giá tài sản 320 triệu.

Thực ra, câu chuyện được chia cổ phiếu/cổ phần của công ty là điều dễ thấy hiện nay, ngay cả khi bạn không phải quản lý cấp cao. Tuy nhiên, liệu bạn có đủ kiên nhẫn như Tong Wenhong hay cậu bé chăn cừu Santigo hay không?

Điều cuối cùng mà tôi muốn nhắn nhủ với các bạn: “Các cụ mình ngày xưa thường có câu: “Sống lâu thì lên lão làng””. Tuy nhiên ở thời đại ngày nay, đối với một người đã đi làm hơn mười năm và chứng kiến ít nhất ba đến bốn thế hệ nhân viên trải qua ở công ty, tôi thấy điều này sẽ đúng và sẽ xảy ra nếu bản thân bạn phải phát triển được theo từng năm tháng với công ty. Nếu bạn chỉ làm đi làm lại một công việc năm này qua năm khác, mà không có sự thay đổi thì bạn sẽ không thể tiến lên tiếp được trong nấc thang của sự nghiệp cuộc đời mình.

10 năm đi làm một công ty tôi đã học được những gì? - Ảnh 4.

Sau mỗi năm làm đối thoại, câu hỏi có lẽ phổ biến nhất là em muốn được tăng lương. Nhưng đứng ở góc nhìn của các sếp, họ sẽ hỏi lại bạn một câu hỏi đơn giản hơn là: “Em có những lí do gì để anh quyết định tăng lương cho em không?”. Nếu bạn thực sự trả lời được câu hỏi đó, nếu thực sự giá trị đóng góp của bạn đối với công ty đang tăng lên theo từng năm, sẽ chả sếp nào có thể từ chối được điều đó vì sếp cũng cần giữ người giỏi ở lại để tiếp tục phát triển công ty mà? Ở thời đại ngày nay, nếu chỉ làm việc chăm chỉ thôi thì chưa đủ, bạn còn cần phải làm việc thông minh hơn và đúng việc cần làm nữa.

Mười năm tuy dài mà ngắn lắm các bạn ạ. Tôi đi làm từ năm 19 tuổi và giờ đã là 29 tuổi. Cả tuổi trẻ của mình tôi đã đặt trọn vào công việc mình yêu thích và tôi chưa có một giây nào nuối tiếc về những lựa chọn của mình. Thú thực với các bạn là tôi còn chả nhớ chính xác ngày mà tôi đạt cột mốc đó, chỉ đến khi một đồng nghiệp trong công ty nhắc tới: "Ê có phải ông đã ở mười năm trong công ty rồi không" thì tôi mới giật mình nhìn lại cả chặng đường vừa qua của mình. Chúc các bạn cũng tìm được một chân lý để có thể bỏ ra mười năm theo đuổi, và tin tôi đi, cảm giác tìm thấy kho báu đó nó tuyệt vời lắm!

Theo An Anh Vũ

Helino

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên