10 năm kế hoạch nâng tầm đồng tiền Việt
Tròn 10 năm đặt định hướng và thực hiện kế hoạch nâng tầm tiền Việt trên trường quốc tế...
Ngày 11/1/2017 vừa qua đã trôi đi trong lặng lẽ. Đó là ngày tròn 10 năm sự kiện Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Dù vậy, vẫn có nhiều sự kiện, dấu ấn đáng để nhớ.
Sáu tháng sau dấu mốc Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu, ngày 4/7/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 98/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam, khắc phục tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế.
Đến nay, cũng đã sau 10 năm thực hiện đề án.
Mục tiêu lớn
Rất liên quan đến sự kiện gia nhập WTO. Nhiều vấn đề trong đàm phán, cam kết hội nhập trong lĩnh vực tiền tệ đã được đặt ra, bảo vệ, thoả thuận, chấp thuận hoặc chọn lọc theo lộ trình… Đề án nâng cao tính chuyển đổi đồng tiền Việt Nam theo đó càng có liên quan, đặc biệt trong đường hướng tự do hoá giao dịch vốn.
Thậm chí, trước đó một năm, 2006, để chuẩn bị cho kế hoạch gia nhập WTO, Việt Nam đã phải thực hiện tự do hoá giao dịch vãng lai, và điểm này đã được Quỹ Tiền tệ Quốc tế công nhận.
Tự do hoá giao dịch vãng lai cũng là một trong những điều kiện kỹ thuật để góp phần hướng tới nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trở lại 10 năm trước, trong khí thế gia nhập WTO thể hiện rõ trên các thị trường, trong các dòng chảy thông tin, đề án nâng cao tính chuyển đổi đồng tiền Việt Nam theo hội nhập hẳn cũng nằm trong kỳ vọng chung.
Trong không khí hội nhập đó, nói một cách đơn giản, nâng cao tính chuyển đổi đồng tiền Việt Nam có thể nhìn từ mong muốn cụ thể, “lãng mạn và bay bổng” nào đó: người Việt có thể lận lưng VND phòng thân khi đi du lịch nước ngoài, hay doanh nghiệp có thể dễ dàng thanh toán đơn hàng cho đối tác nước ngoài bằng VND thay vì canh mua và phập phồng với tỷ giá.
Rộng hơn, nếu nâng cao được tính chuyển đổi, vị thế đối ngoại của tiền Việt, giá trị trong thanh toán xuất nhập khẩu và điều hành kinh tế vĩ mô sẽ có thêm điều kiện, thuận lợi để có kết quả tốt hơn.
Như mười năm trước, khi đưa ra đề án, Chính phủ đã nêu rõ ý nghĩa: “Trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế hiện nay, việc nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế và quá trình hội nhập quốc tế. Với xu hướng tự do hoá thương mại và đầu tư, đồng tiền có tính chuyển đổi cao sẽ liên kết kinh tế trong nước với quốc tế, hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế đối ngoại phát triển, thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn nước ngoài, nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như tạo vị thế cho quốc gia trên thị trường quốc tế. Đồng tiền có tính chuyển đổi cao cũng sẽ làm giảm hiện tượng đô la hóa, qua đó nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá”.
Mới được một nửa
Có hai nửa thực hiện đề án được nhìn lại: mức độ của tính chuyển đổi trong nước và trên thị trường quốc tế.
Sau mười năm, đến nay, kế hoạch nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam có thể nói mới chỉ đạt được một nửa, nhưng giá trị và quan trọng.
Mười năm trước, tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam trong nước thậm chí còn bị hạn chế bởi tình trạng vàng hoá và đô la hoá ở mức cao, gặp bất lợi bởi lạm phát leo thang. Vốn vàng, ngoại tệ từng kê dày trong huy động vốn của hệ thống ngân hàng, trong tâm lý và thói quen tích luỹ tài sản của dân cư.
Tổng quát, khi đó Chính phủ cũng từng đánh giá: “Căn cứ vào trình độ phát triển của nền kinh tế, mức độ đô la hoá, trình độ của hệ thống ngân hàng, dịch vụ thanh toán, quy mô và hiệu quả hoạt động của các thị trường tài chính, sự bất tiện trong sử dụng, và đặc biệt sự gia tăng của chỉ số lạm phát thì có thể nói rằng, vị thế của VND chưa cao, chưa được thị trường thực sự tin tưởng và ưa thích; về tính chuyển đổi quốc tế thì VND hầu như vẫn chưa có khả năng chuyển đổi ở nước ngoài”.
Đến nay, sau mười năm, giá trị được khẳng định: tính chuyển đổi trong nước của đồng tiền Việt Nam đã được nâng cao, củng cố. Bằng chứng là tỷ lệ đô la hoá đã giảm rất mạnh những năm gần đây, vốn vàng đã bóc hoàn toàn khỏi cơ cấu huy động - cho vay trong hoạt động ngân hàng, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, giá trị và vị thế VND được củng cố và tỷ giá được giữ ổn định, dự trữ ngoại hối quốc gia tăng kỷ lục đến năm 2016…
Tuy nhiên, để hướng tới kết quả nâng cao tính chuyển đổi đồng tiền Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhiều điều kiện và thực tế vẫn còn xa.
Theo phân tích chung của các chuyên gia mười năm về trước, thời điểm bắt đầu triển khai đề án trên, về kỹ thuật, để nâng cao được tính chuyển đổi quốc tế của đồng tiền Việt Nam, phải thoả mãn được các yêu cầu cơ bản như tự do hoá các giao dịch vãng lai, nới lỏng các giao dịch tài khoản vốn, thả nổi tỷ giá hối đoái, phải có thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường hối đoái mở…
Đến nay, sau mười năm, những yêu cầu cơ bản vẫn còn đó, như chưa thể thả nổi tỷ giá ở cặp USD/VND, tự do hoá các giao dịch vốn vẫn từng bước xem xét theo hướng chọn lọc.
Và thực tế, nếu xách định một cách chung nhất, VND vẫn chưa thể là đồng tiền có tính chuyển đổi quốc tế cao, qua khẳng định vị thế của một đồng tiền mạnh, của một nền kinh tế mạnh. Hay mong muốn “lãng mạn và bay bổng” của người Việt lận lưng VND khi đi du lịch nước ngoài vẫn chưa khả thi diện rộng, thậm chí rất hẹp; hay doanh nghiệp vẫn chưa thể dễ dàng và thuận lợi thanh toán, đầu tư với bên ngoài bằng VND.
Nửa còn lại nói trên của mục tiêu nâng cao tính chuyển đổi đồng tiền Việt Nam, theo đó, vẫn tiếp tục được đặt ra, dù đường còn rất xa.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án định hướng lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam, nêu: trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định bền vững, các yếu tố hỗ trợ về thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối được củng cố, xem xét xây dựng các chính sách nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Cụ thể như cho phép sử dụng đồng Việt Nam để đầu tư ra nước ngoài với những quốc gia tiếp nhận vốn là những nước có thỏa thuận đầu tư và thanh toán bằng đồng nội tệ với Việt Nam, cho phép đồng Việt Nam tham gia vào các giao dịch cho vay ra nước ngoài trong trường hợp bên đi vay có nhu cầu sử dụng nguồn vốn vay bằng đồng Việt Nam để thanh toán trực tiếp cho người thụ hưởng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc thanh toán bù trừ cho bên thứ ba bằng đồng Việt Nam.
Đó là những bước đi kỹ thuật tiếp theo, mà từ năm 2017 Ngân hàng Nhà nước sẽ bắt đầu triển khai, theo Chỉ thị số 01 mà Thống đốc vừa ban hành.
VnEconomy