10 năm làm việc chăm chỉ thay đổi chỉ trong một đêm: Người khôn ngoan nên nhắc sếp về sự "trung thành"
Đừng chỉ giao tiếp bằng lời nói mà người khôn ngoan biết dùng cách khôn ngoan hơn để thể hiện giá trị cốt lõi của mình.
- 14-06-2019Lương 9 triệu/tháng, cặp vợ chồng tiết kiệm được tiền tỷ mua nhà nhờ khôn ngoan tránh thoát 2 sai lầm tài chính chết người sau
- 13-06-2019Tại sao người giàu lại hay "keo kiệt"? Đừng chê trách nếu bạn còn dùng tư duy nghèo nàn này để đánh giá người khác
- 09-06-2019Thói quen là "phong thủy" tốt nhất của sự nghiệp, có thể trở nên giàu có hay không, đọc vị 3 thói quen này là biết
Trong công ty, việc biến động về nhân sự là chuyện thường xuyên xảy ra và không có gì mới lạ. Mỗi lần tuyển dụng người mới, công ty đều phải tổ chức các buổi đào tạo để rèn luyện kỹ năng làm việc cho họ. Tuy nhiên, so với các nguồn lực đã bỏ ra, kết quả mà công ty thu về lại không hề xứng đáng, thậm chí, ngay sau buổi đào tạo, nhân viên mới đã rời đi mà chưa cống hiến gì cả. Vừa tốn thời gian, vừa mất chi phí, lãng phí nguồn lực phát triển, các công ty nên nhận ra rằng giá trị cốt lõi nhất của nhân viên nằm ở 4 chữ: "Trung thành" và "Đạo đức".
Trung thành không dễ đo đếm
Bản thân hai chữ "trung thành" đã mang một giá trị lớn nhưng không phải hễ chúng ta làm việc lâu dài tại công ty nghĩa là chúng ta trung thành. Ví dụ như trường hợp của anh Đông, người vừa bất ngờ nhận được thư sa thải sau 10 năm lẻ 3 tháng làm việc tại công ty. Sự việc diễn ra hoàn toàn bất ngờ khiến anh không kịp chuẩn bị bất kỳ tâm lý gì cả.
Một tháng trước đó, khi bộ phận nhân sự đồng loạt gửi email đến tất cả nhân viên thông báo thay đổi cơ cấu tổ chức, anh Đông và đồng nghiệp trong bộ phận được sắp xếp một cuộc họp với quản lý trực tiếp. Khi đó, hoạt động kinh doanh của công ty đang có chiều hướng kém hiệu quả hơn và để kiểm soát chi phí, việc cắt giảm nhân sự là điều khó tránh khỏi. Nhưng anh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là người rơi vào tình trạng này khi trong cuộc họp thường niên gần đây, chính Chủ tịch đã trao tặng Huy chương Giải thưởng đóng góp lâu dài nhất cho anh. Ấy vậy mà, sau 10 năm cống hiến và làm việc chăm chỉ, anh lại trở thành một nhân viên bị cắt giảm biên chế. Lúc đó, anh Đông mới nhận ra rằng, "lâu dài" không phải là bản chất thực sự mà họ tìm kiếm. Giá trị "trung thành" không được tính bằng thời gian.
Có lẽ, "trung thành" không phải một khái niệm dễ xác định. Đặt trường hợp, nếu trong 10 năm làm việc vừa rồi, có một công ty khác đưa ra offer với mức lương cao hơn 30% thu nhập hiện tại, anh Đông sẽ lựa chọn đi hay ở? Nếu mức offer cao hơn 50%, thậm chí là tăng gấp đôi thì sao? Nói theo một cách khác, biết công ty đang khủng hoảng tài chính nhưng do không có bất cứ sự lựa chọn nào khác ổn hơn nên anh Đông vẫn tiếp tục gắn bó với công việc. Vậy sự ở lại đó có được coi là trung thành hay không?
Rõ ràng, trong công việc, người ta không thể đo đếm và xác định được lòng trung thành một cách chính xác, mà đối tượng trung thành là công ty, là lãnh đạo, hay là cấp trên trực tiếp của mình cũng khó nói rõ được. Mỗi câu trả lời đều có thể dẫn tới những ý nghĩa khác nhau.
Đâu là đạo đức nghề nghiệp?
So với lòng trung thành thì đạo đức nghề nghiệp lại càng là vấn đề đáng nói hơn. Một đồng nghiệp lâu năm của anh Đông là lão Trương đã từ chức vào 6 tháng trước sau 7 năm làm việc, ngay khi hoạt động kinh doanh của công ty bắt đầu có dấu hiệu "nguy hiểm". Khi lão Trương muốn rời đi, công ty đã không hề gây khó khăn, thậm chí còn tạo điều kiện để anh ta có thể nhận được nhiều lợi ích nhất có thể cho những cống hiến suốt thời gian qua. Tuy vậy, lão Trương không hề cảm ơn mà còn trực tiếp "đào" đi rất nhiều nhân viên cốt lõi và một nguồn khách hàng khá lớn của công ty.
Giá trị của đạo đức nghề nghiệp nằm ở chỗ: "Ăn lộc của vua thì phải trung với vua". Khi đã nhận lương của công ty thì chúng ta phải hoàn thành nhiệm vụ được giao phó, không làm những hành động gây hại đến hình tượng và khả năng phát triển của công ty. Cho dù sau này có lựa chọn từ chức và rời đi, họ cũng không nên làm ra hành động "ăn cháo đá bát".
Vàng thật không sợ thử lửa
Nhiều người cho rằng, luôn miệng nói về sự trung thành, lòng yêu mến đối với công ty và nịnh nọt trước mặt sếp là cách để thể hiện giá trị của mình. Tuy nhiên, trước những nhà lãnh đạo bản lĩnh, đây chỉ là hành động mua dây buộc mình, lợi ích mà hại nhiều. Một nhân viên khôn ngoan sẽ biết cách "giao tiếp khôn ngoan" không chỉ bằng lời nói. Lòng trung thành hay đạo đức đều không thể đo đếm theo định lượng, cũng không có hình thái cụ thể nhưng nó sẽ dần dần bộc lộ thông qua các hành động và cách cư xử của nhân viên. Khi họ tự nguyện chia sẻ những gánh nặng, cùng đối mặt với khó khăn và luôn tin tưởng vào một nhà lãnh đạo đáng tin cậy.
Sự trung thành với công ty cũng là trung thành với chính sự lựa chọn của họ. Khi đã quyết định cống hiến cho ngành nghề này, cho công ty này và cho những nhà lãnh đạo này tức là họ đã có một kế hoạch nghề nghiệp cụ thể, đã đưa ra sự lựa chọn cho sự phát triển sau này bản thân mình. Chính vì thế, việc họ cần phải làm nhất là chịu trách nhiệm cho tương lai ấy cũng như trung thành với những nguyên tắc và mong muốn của bản thân. Nếu công ty và nhân sự có cùng một mục tiêu, sẵn sàng song hành và giúp đỡ lẫn nhau thì cả hai bên đều nhận được sự trung thành và lòng tôn trọng, có thể cùng nhau vượt qua khó khăn vất vả.