10 năm sau khi bị 'bẻ cong', smartphone Android mới 'thẳng' trở lại - Công tội ở ai?
Nếu là người dùng smartphone (điện thoại thông minh) nhiều năm, hẳn độc giả vẫn nhớ "cơn sốt" màn hình cong cách đây 1 thập niên.
Công tội ở ai?
Tất cả những chiếc flagship (điện thoại hàng đầu) thuộc dòng Galaxy S24 mới được Samsung ra mắt gần đây đã từ bỏ hoàn toàn thiết kế màn hình cong, ngay cả phiên bản Ultra vốn luôn sử dụng màn hình cong cũng đã được chuyển về thiết kế màn hình thẳng.
Đây có thể là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Samsung đã từ bỏ màn hình cong.
Nhà sản xuất smartphone (điện thoại thông minh) hàng đầu Trung Quốc Huawei, những người vốn luôn chú trọng vào màn hình cong cũng đã dần chuyển sang 'thẳng'.
Có thể ví dụ về việc các màn hình cong trên các mẫu Mate50 và Mate60 bản tiêu chuẩn có độ cong ngày càng nhỏ hơn, có thể nói là gần như không còn cong nữa.
Nhưng cũng cần lưu ý rằng các nhà sản xuất smartphone Android Trung Quốc khác đã từ bỏ màn hình cong từ lâu và gã khổng lồ Apple cũng chưa từng tung ra iPhone màn hình cong.
Vậy "xu hướng" màn hình cong do ai tạo ra?
Thực tế là việc smartphone sử dụng màn hình cong có thể bắt đầu từ 10 năm trước với chiếc Galaxy S6 EDGE của Samsung. Vào thời điểm đó, màn hình cong rất "đáng sợ" vì Samsung đã tạo ra lượng lớn tương tác trên chỉ cạnh cong của màn hình.
Và sau đó, các nhà sản xuất smartphone Android của Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp trào lưu - họ học hỏi Samsung và phát triển các mẫu có màn hình cong.
Tại sao Samsung phát triển màn hình cong? Vì sao các thương hiệu Trung Quốc "cắn câu"?
Lý do chính đó là ngoài smartphone của chính mình, Samsung cũng là nhà sản xuất màn hình và bán cho các nhà sản xuất khác bao gồm cả Apple.
Việc sản xuất ra tấm nền cong rất khó khăn nhưng có lợi nhuận cao, lẽ dĩ nhiên Samsung cần phải đưa màn hình cong lên các sản phẩm của chính mình để thu hút nhiều nhà sản xuất smartphone khác đặt hàng để kiếm tiền.
Đồng thời, Samsung cũng muốn dùng màn hình cong để các mẫu smartphone của chính mình trở nên cạnh tranh hơn với iPhone của Apple, muốn gửi thông điệp tới người tiêu dùng rằng màn hình cong của họ đẹp hơn, "chất chơi" hơn iPhone.
Vậy tại sao các nhà sản xuất Trung Quốc lại "cắn câu"?
Nguyên nhân là do thời kỳ đầu phát triển, đa phần các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc chưa thực sự có nhiều lợi thế cạnh tranh nên đành phải đưa ra các thử nghiệm theo tuyên ngôn - "khi thấy Samsung làm điều này, tôi sễ làm theo".
Màn hình cong giúp hình thức của smartphone Trung Quốc trở nên thu hút hơn với người dùng. Và đã có thời điểm màn hình cong gắn liền với định nghĩa về các mẫu flagship Android - nói tóm lại cứ cong là cao cấp.
Nhưng...
Sau khi trải nghiệm thực sự màn hình cong, người dùng phát hiện ra rằng chúng không chỉ vô dụng mà còn gây phiền toái.
Đầu tiên là việc thiết kế các cạnh cong dễ khiến người dùng vô tình chạm phải gây sai lệch cảm ứng, tiếp theo là thiết kế cong sẽ khiến màn hình dễ vỡ hơn khi chịu va đập và cuối cùng là việc giá thành sản xuất cao khiến chi phí thay thế cao theo.
Và theo thời gian, các thương hiệu smartphone khác ngoài Apple và Samsung cũng đã tìm ra lợi thế của chính mình.
Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đã tăng cường cấu hình, tập trung vào thiết kế để ngoại hình trở nên đẹp đẽ hơn... và vì vậy màn hình cong dần bị loại bỏ vì xét cho cùng nó không hẳn là một sự đổi mới hoàn hảo.
Và sau 10 năm, chính "cha đẻ" của nó cũng đã bỏ rơi nó. Tuy nhiên trong quá trình "thẳng sang cong" và "cong trở về thẳng", Samsung đã kiếm được rất nhiều tiền.
Đọc đến đây, bạn có đang suy nghĩ về các mẫu smartphone Android gập hiện tại và tại sao Apple vẫn chưa có iPhone gập hay không?
Đời sống pháp luật