10 năm sau khi bỏ 10 triệu USD mua 3 chiếc máy bay "độc lạ", hãng thủy phi cơ duy nhất của Việt Nam giờ ra sao?
Ngay từ khi ra đời, Hãng hàng không Hải Âu đã được coi là một "canh bạc" của Tập đoàn Thiên Minh khi tiên phong khai thác một dịch vụ còn quá mới mẻ với người Việt: bay ngắm cảnh bằng thủy phi cơ với mức giá ban đầu lên tới 5 triệu cho 25 phút. Sau 10 năm, Hải Âu không những trụ vững qua Covid-19 mà còn dần thuyết phục được khách nội địa, với giá vé đã được điều chỉnh về khoảng 2 triệu.
- 13-02-2024Về tay 'đại gia' nước ngoài, lợi nhuận của loạt doanh nghiệp Việt phá đỉnh lịch sử, xóa hết lỗ lũy kế
- 13-02-2024Doanh nhân tuổi Giáp Thìn cho Bamboo Airways vay 7.700 tỷ đồng, nửa năm làm Chủ tịch HĐQT bắt tay Sacombank "rầm rộ" tái thiết hãng bay
- 12-02-2024Những cặp vợ chồng doanh nhân Việt giàu có, quyền lực
- 12-02-2024Startup "mở bát" Shark Tank mùa 6 kêu gọi được 1 triệu USD: Doanh số tăng vọt 40% sau chương trình, đưa được sản phẩm vào 4 bệnh viện và 4 chuỗi nhà thuốc
Tháng 8/2014, hai chiếc thủy phi cơ của Hãng hàng không Hải Âu (thuộc Tập đoàn Thiên Minh) cập bến sân bay Nội Bài sau hành trình vượt Thái Bình Dương dài 15.000 km, đánh dấu lần đầu tiên loại phương tiện này được đưa vào khai thác dịch vụ tại Việt Nam dù không còn quá xa lạ trên thế giới. Với cả bánh xe và bánh phao được lắp dưới thân máy bay, thủy phi cơ có thể hạ cánh cả trên đường băng sân bay lẫn mặt nước như biển, sông, hồ.
Đây là 2 trong số 3 chiếc thủy phi cơ mà Hải Âu đặt mua từ Tập đoàn Cessna của Mỹ, thuộc dòng Cessna Grand Caravan 208B-EX có giá khoảng 3,2 triệu USD mỗi chiếc. Máy bay gồm 2 chỗ ngồi cho phi công, 12 chỗ ngồi cho hành khách, cửa sổ rộng để ngắm cảnh từ độ cao 150 – 2.000 m so với mực nước biển.
Dù mang đến một sản phẩm du lịch mới độc đáo, hứa hẹn thu hút du khách cả trong và ngoài nước, dịch vụ thủy phi cơ được cho là "canh bạc" của Thiên Minh – doanh nghiệp "gạo cội" trong ngành du lịch. Bên cạnh chi phí đầu tư không hề nhỏ, giá vé 5 triệu đồng/người cho 25 phút ngắm cảnh trên vịnh Hạ Long dường như cũng là rào cản với du khách trong nước. Một vấn đề nan giải không thể không kể đến là những vướng mắc trong thủ tục dành cho thủy phi cơ.
Tuy nhiên, 10 năm kể từ khi cất cánh, Hải Âu vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khách và doanh thu trung bình hàng năm là 15-20%, đồng thời nâng tỷ trọng khách nội địa từ 10% lên 30% sau bước ngoặt Covid-19.
Lấy vịnh Hạ Long làm trọng tâm, vượt "bão" Covid-19
So với ngày đầu thành lập, Hải Âu vẫn duy trì số lượng 3 thủy phi cơ Cessna 208, đồng thời có kế hoạch nghiên cứu khai thác các loại phương tiện bay sử dụng động cơ điện, bắt kịp xu hướng nhiên liệu "xanh" của thế giới. 3 loại dịch vụ đang được triển khai là bay ngắm cảnh (trong khoảng 25 phút), bay hành trình (theo một số tuyến cố định) và bay thuê chuyến (được ví như dịch vụ "taxi" bay).
Đối với ngành du lịch nói chung, Covid-19 là một đòn giáng nghiêm trọng do loạt quy định giãn cách, chính sách hạn chế di chuyển, kiểm soát cửa khẩu của các quốc gia. Riêng với Hải Âu, mức độ tác động đặc biệt mạnh mẽ bởi trước dịch khách quốc tế chiếm tới 90% tổng số khách mà hãng phục vụ. Đại dịch bùng phát khiến nguồn khách này mất hoàn toàn.
"Tương tự các doanh nghiệp khác trong ngành hàng không và du lịch, Hải Âu gặp rất nhiều khó khăn và phải tạm dừng hoạt động từ tháng 2 đến tháng 4/2020. Thời điểm đó, chúng tôi nhận thấy thị trường nội địa là cứu cánh duy nhất, nên đã triển khai một loạt biện pháp tiếp thị, quảng bá, bắt tay những đối tác có thế mạnh ở nội địa, đồng thời điều chỉnh giá vé phù hợp hơn với thu nhập người Việt Nam. Kết quả là chúng tôi đã bay trở lại từ tháng 5/2020", một đại diện của Hãng hàng không Hải Âu chia sẻ.
Theo thông tin trên website của Hải Âu hiện nay, giá vé cho 25 phút ngắm cảnh tại vịnh Hạ Long là 2 triệu/người. Đại diện của hãng cho biết trong giai đoạn Covid-19, Hải Âu là đơn vị du lịch hiếm hoi ở Quảng Ninh vẫn duy trì hoạt động đều đặn với 100% nguồn khách đến từ nội địa, chứng minh sức hấp dẫn của trải nghiệm.
"Hồi hè năm 2021, có những ngày chúng tôi bay tới 15 chuyến ngắm cảnh chỉ phục vụ du khách Việt. Nhờ kịp thời chuyển đổi nguồn khách mà trong giai đoạn Covid-19 Hải Âu vẫn trụ vững, có doanh thu và tăng trưởng sản lượng. Chúng tôi không phải sa thải bất cứ người lao động nào, cũng không có những khoản nợ đọng nghĩa vụ tài chính với bất cứ nhà cung ứng nào", vị này khẳng định.
Định hướng của Hải Âu là phát triển sản phẩm du lịch tại khu vực Hà Nội và Quảng Ninh, lấy Di sản thiên thiên thế giới vịnh Hạ Long làm trọng tâm. Tốc độ tăng trưởng khách và doanh thu trung bình hàng năm của hãng là 15-20%. Năm 2023, lượng khách trải nghiệm các chuyến bay của Hải Âu là hơn 10.000 lượt.
Với chiến lược thu hút khách nội địa trong giai đoạn 2020-2023 và sự hồi phục nguồn khách quốc tế từ giữa năm 2023 đến nay, tỷ trọng khách hiện tại của Hải Âu là 70% quốc tế và 30% nội địa. Năm 2023, hãng đã khai trương thêm đường bay tới đảo Cô Tô, đồng thời đang nghiên cứu khả năng mở đường bay tới một hòn đảo khác trong khu vực là Quan Lạn.
Hiện Hải Âu là đối tác của nhiều công ty du lịch lớn ở thị trường nội địa như Vietravel, Saigon Tourist..., các khách sạn, resort 4-5 sao như Novotel, Metropole, Vinpearl..., cùng các hãng du thuyền. Mục tiêu là mang tới giải pháp du lịch trọn gói với những trải nghiệm độc đáo dành cho du khách.
Khó khăn về hạ tầng, cơ chế quản lý: Câu chuyện "quả trứng – con gà"
Đánh giá về tiềm năng phát triển dịch vụ thủy phi cơ tại Việt Nam, đại diện của Hải Âu chỉ ra rằng nước ta sở hữu đường bờ biển dài, hệ thống sông hồ đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai 2 loại dịch vụ kết hợp hàng không và du lịch bằng thủy phi cơ: vận chuyển chặng ngắn giữa các địa phương và trải nghiệm ngắm cảnh.
"Hãy hình dung về những chuyến bay bằng thủy phi cơ từ Nội Bài tới hồ Ba Bể, vịnh Hạ Long, hay cất cánh từ sông Sài Gòn và hạ cánh tại bến sông Hậu, thành phố Cần Thơ. Đối với chúng tôi, những trung tâm du lịch như vịnh Nha Trang, đảo Phú Quốc... đều có tiềm năng rất lớn để phát triển sản phẩm du lịch bằng thủy phi cơ. Một ví dụ mang tính toàn cầu là Maldives, nơi mọi du khách đều bay bằng thủy phi cơ ra nghỉ tại các resort trên đảo.
Một điểm mà chúng tôi cần nhấn mạnh là những "sân bay" mặt nước, nơi thủy phi cơ hạ, cất cánh là "hạ tầng" do thiên nhiên ban tặng. Chúng ta gần như không cần phải đầu tư thêm gì cho"hạ tầng" mà có thể khai thác được luôn", người đại diện phân tích.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là trước tiềm năng như vậy, tại sao tới nay Hải Âu vẫn một mình một thị trường, chưa có thêm hãng thủy phi cơ nào khác tại Việt Nam?
Trả lời chúng tôi, đại diện của hãng cho biết đầu tư vào hàng không chưa bao giờ là việc dễ dàng, đặc biệt là lĩnh vực hàng không chung – trong đó có thủy phi cơ. Ngoài bài toán về sản phẩm, nguồn khách, doanh thu..., các hãng phải dành ra khoản chi phí không hề nhỏ để đảm bảo những tiêu chuẩn an toàn hàng không – yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động của ngành. Theo vị này, đây là yếu tố mà bất cứ doanh nghiệp nào tham gia vào ngành đều phải thận trọng.
"Mặt khác, lĩnh vực thủy phi cơ nói riêng và hàng không chung tại Việt Nam có những khó khăn về hạ tầng, cơ chế quản lý chuyên ngành. Đơn cử, chúng ta chưa có quy hoạch mạng lưới sân bay chuyên dùng. Hãng thủy phi cơ như Hải Âu phải xin phép phê duyệt từng sân bay, từng đường bay khi muốn mở rộng khai thác.
Tiến trình này rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Đây là câu chuyện "quả trứng – con gà", hạ tầng có trước hay nhu cầu khai thác hàng không chung cần có trước. Theo chúng tôi, lĩnh vực này rất cần tầm nhìn phát triển của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành", đại diện Hải Âu nêu quan điểm.
An ninh tiền tệ