MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 năm thụt lùi và sự trở lại ngoạn mục của địa phương được các “ông lớn” Honda, Toyota… chọn làm điểm đến

10 năm thụt lùi và sự trở lại ngoạn mục của địa phương được các “ông lớn” Honda, Toyota… chọn làm điểm đến

Kể từ khi tiến hành nghiên cứu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vào năm 2005, Vĩnh Phúc đã lọt top 10 các tỉnh có điểm PCI cao nhất cả nước. Song, bắt đầu từ năm 2010, thứ hạng của địa phương có nhiều biến động, thậm chí có năm tụt 26 bậc, xếp trong nhóm điều hành khá. Phải đến tận năm 2021, Vĩnh Phúc mới quay trở lại top 5 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước.

Với kết quả này, Vĩnh Phúc trở thành một trong những địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp FDI mong muốn mở rộng quy mô cao nhất cả nước. Theo kết quả điều tra của PCI 2021, có tới 55,9% doanh nghiệp FDI được hỏi chắc chắn sẽ tăng quy mô kinh doanh trong năm 2021 tại địa phương.

Tháng 11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra Nghị quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Theo đó, ngày 1/1/1997, tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được tái lập và đi vào hoạt động.

Thời điểm đó, Vĩnh Phúc vẫn là một tỉnh nghèo, đứng thứ 57/61 về phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sau 25 tái lập tỉnh, năm 2021, quy mô kinh tế đạt 136,2 nghìn tỷ đồng, tăng gấp gần 70 lần so với năm 1997.

10 năm thụt lùi và sự trở lại ngoạn mục của địa phương được các “ông lớn” Honda, Toyota… chọn làm điểm đến - Ảnh 2.

Vào tháng 4/2022, chia sẻ với báo chí tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID tại Việt Nam tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Lê Duy Thành cho hay, trải qua 25 năm tái lập tỉnh, từ ngày đầu tiên cho đến mãi về sau này, Vĩnh Phúc luôn xác định việc thu hút đầu tư là một trong những nhiệm vụ quan trọng để cải thiện, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tỉnh luôn xác định mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những vị trí cực kỳ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông phân tích, doanh nghiệp không chỉ là người tạo ra giá trị gia tăng mà còn là nhân tố tạo ra sự phát triển bền vững của một địa phương nói riêng cũng như quốc gia nói chung.

"Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thường có vị thế nhất định bởi trong lúc chúng ta đang thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu năng lực quản trị thì họ là những 'hòn đá tảng' để tạo ra sự thúc đẩy", Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Lê Duy Thành chia sẻ.

"Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại là doanh nghiệp của chúng ta. Họ được thành lập từ chính người dân chúng ta và họ mới thực sự là những doanh nghiệp tạo ra sự bền vững của địa phương", ông Thành cho biết thêm.

Theo đó, để có thể thu hút và giữ chân được các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng như trong nước, việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư ở địa phương là một yếu tố rất quan trọng.

Dữ liệu PCI các năm chỉ ra rằng, trong giai đoạn 2005 - 2009, Vĩnh Phúc luôn duy trì trong top 10 các tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cao nhất trên cả nước. Trong đó, năm 2008 là năm địa phương xếp hạng cao nhất, ở hạng 3 với 69,37 điểm.

10 năm thụt lùi và sự trở lại ngoạn mục của địa phương được các “ông lớn” Honda, Toyota… chọn làm điểm đến - Ảnh 3.

Nguồn: Báo cáo PCI

Tuy nhiên, từ năm 2010, điểm và thứ hạng PCI của Vĩnh Phúc có xu hướng giảm khá nhiều. Đặc biệt, năm 2012, xếp hạng PCI của Vĩnh Phúc tụt 26 hạng, xếp hạng 43/63 với 55,15 điểm. Đây là năm địa phương có cả xếp hạng và điểm PCI thấp nhất trong 16 năm trở lại đây. Chỉ số thiết chế pháp lý và tính năng động của tỉnh lần lượt đạt 3,17 và 2,93 điểm, 2 chỉ số giảm nhiều điểm nhất trong các chỉ số thành phần.

Sang năm 2015, Vĩnh Phúc đã quay lại top 4 thứ hạng PCI nhưng không duy trì được thứ hạng này trong những năm kế tiếp. Từ năm 2016 – 2020, thứ hạng PCI của tỉnh lại tiếp tục đà giảm. Năm 2020, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh giảm còn 63,84 và chỉ xếp hạng 29/63 tỉnh, thành trên cả nước.

Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 được phát hành vào tháng 4/2022, điểm PCI của Vĩnh Phúc đã tăng lên 69,69 điểm. Chỉ trong 1 năm, địa phương này đã nhảy lên 24 bậc và lọt vào top 5 tỉnh, thành có điểm PCI cao nhất cả nước.

Trong 10 chỉ số thành phần, chỉ có 3 chỉ số thành phần giảm điểm và 7 chỉ số tăng điểm. Trong đó, chỉ số chi phí không chính thức tăng nhiều nhất với 8,05 điểm, tăng 1,8 điểm so với năm 2020 và xếp thứ 3 trên cả nước.

10 năm thụt lùi và sự trở lại ngoạn mục của địa phương được các “ông lớn” Honda, Toyota… chọn làm điểm đến - Ảnh 4.

"Một số người cho rằng đây là sự trở lại ngoạn mục. Bởi Vĩnh Phúc đã đạt được thứ hạng này từ nhiều năm trước, nhưng 10 năm trở lại đây lại bị thụt lùi. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, trở lại là tốt, nhưng không hề ngẫu nhiên mà phải đánh đổi bằng một quá trình phấn đấu bền bỉ, quyết tâm, quyết liệt", ông Thành cho hay.

Theo đó, từ năm 2020, chính quyền tỉnh đã đề ra mục tiêu "3 tốt" gồm: Môi trường pháp lý tốt và toàn diện, hạ tầng kỹ thuật tốt, và phục vụ doanh nghiệp tốt. Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính được coi là nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai quyết liệt theo hướng giảm thiểu thời gian và đơn giản về thủ tục.

Chẳng hạn, tỉnh cam kết cắt giảm thời gian kiểm tra trước hoàn thuế giá trị gia tăng tại trụ sở người nộp thuế xuống còn 40 ngày làm việc và cắt giảm thủ tục hành chính để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước xuống dưới 115 giờ/năm. Tỉnh cũng đã xây dựng và đưa vào sử dụng bộ phận một cửa liên thông, hiện đại ở cả 3 cấp.

Đặc biệt, hệ thống đường dây nóng của tỉnh được thiết lập và vận hành hiệu quả với 5 ngôn ngữ: Việt Nam, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc. Vĩnh Phúc cũng là một trong những tỉnh đầu tiên thành lập và phát huy có hiệu quả vai trò của Tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong năm 2021, Tổ giúp việc đã tổng hợp được 97 nhóm ý kiến từ các doanh nghiệp trong tỉnh và trực tiếp hướng dẫn các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư, cũng như kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh.

10 năm thụt lùi và sự trở lại ngoạn mục của địa phương được các “ông lớn” Honda, Toyota… chọn làm điểm đến - Ảnh 5.

Ngay từ thời điểm tái lập tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là "chìa khóa" để Vĩnh Phúc phát triển. Từ đó, Đảng bộ, chính quyền các cấp đã có những hướng đi mang tính đột phá để trở thành "điểm sáng" của cả nước về công tác thu hút đầu tư.

Năm 1998, trên địa bàn tỉnh chỉ có 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 1 dự án đầu tư trong nước, không có khu công nghiệp nào. Tuy nhiên, tính lũy kế đến 6 tháng đầu năm 2022, Vĩnh Phúc có 438 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,3 tỷ USD. Tính riêng trong 7 tháng năm 2022, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư/chủ trương đầu tư cho 15 dự án FDI và tăng vốn cho 23 lượt dự án FDI, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm gần 363 triệu USD. Trong đó, lĩnh vực đầu tư chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo như công nghiệp điện tử, ô tô, xe máy…

10 năm thụt lùi và sự trở lại ngoạn mục của địa phương được các “ông lớn” Honda, Toyota… chọn làm điểm đến - Ảnh 6.

Nguồn: Cục Thống kê Vĩnh Phúc

Xét theo đối tác đầu tư, một trong những quốc gia có số dự án và vốn đầu tư vào Vĩnh Phúc nhiều nhất là Nhật bản với 58 dự án và 1,62 tỷ USD vốn đăng ký. Đây là quốc gia góp phần đặt nền móng đưa địa phương trở thành trung tâm sản xuất trong lĩnh vực ô tô, xe máy, cơ khí, chế tạo… của cả nước với sự đầu tư của một số tập đoàn lớn hàng đầu thế giới như Toyota, Honda, Sumitomo.

Cụ thể, Tập đoàn Sumitomo với dự án đầu tư KCN Thăng Long có tổng vốn đăng ký hơn 2.000 tỷ đồng, quy mô 213 ha; Tập đoàn SOJITZ với dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao về chăn nuôi, chế biến bò thịt hướng đến xuất khẩu có tổng mức đầu tư 500 triệu USD.

Kể từ năm 1995 khi Toyota đầu tư vào Vĩnh Phúc cho đến nay, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản này luôn giữ vị trí dẫn đầu trên thị trường ô tô Việt Nam với sản lượng nhà máy đạt trên 70.000 xe/năm. Nhờ hoạt động của Xưởng dập năm 2013 và Trung tâm xuất khẩu phụ tùng ô tô năm 2007, cũng như đẩy mạnh hoạt động để nâng cao nội địa hóa tại nhà máy, Toyota đã nâng tỷ lệ nội địa hóa xe từ 19% đến 37%.

10 năm thụt lùi và sự trở lại ngoạn mục của địa phương được các “ông lớn” Honda, Toyota… chọn làm điểm đến - Ảnh 7.

Tại Hội nghị "Vĩnh Phúc trong kết nối, hợp tác và phát triển Việt Nam – Nhật Bản" do tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức vào tháng 6/2022, đại diện Tập đoàn Toyota, ông Keisuke Tokunaga chia sẻ, trong hơn 25 năm đầu tư và hoạt động tại Vĩnh Phúc, doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong các hoạt động khảo sát môi trường đầu tư, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án…

Ông Mihara Daiki, Tổng Giám đốc Honda Việt Nam chia sẻ thêm tại hội nghị: "Từ khi đầu tư vào Vĩnh Phúc từ năm 1996 đến nay, chúng tôi luôn nhận được hỗ trợ của chính quyền tỉnh trong việc tháo gỡ các vướng mắc thực hiện chính sách. Đây là lý do doanh nghiệp luôn nỗ lực hoạt động, mở rộng sản xuất để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế địa phương".

Nói về lý do chọn Vĩnh Phúc để đầu tư, đại diện Tập đoàn Sumitomo cho biết, địa phương là nơi có điều kiện tự nhiên phong phú, có nhiều cây xanh, làm cho nhà đầu tư Nhật Bản khi đến đây luôn cảm thấy dễ chịu và gợi nhớ về quê hương Nhật Bản.

Ngoài ra, vị trí địa lý của Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi, với hệ thống giao thông phát triển, giúp nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận với các tuyến giao thông lớn của Việt Nam. Cuối cùng, cơ sở hạ tầng hoàn thiện và sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh cũng là yếu tố quan trọng khiến doanh nghiệp quyết định lựa chọn Vĩnh Phúc để đầu tư.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Vĩnh Phúc cũng được đánh giá là một trong số ít các địa phương trên cả nước xây dựng được chuỗi cung ứng sản phẩm hoàn chỉnh trong các lĩnh vực ô tô, xe máy và thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài đa dạng. Theo đó, đây là những cơ hội rất quan trọng để địa phương thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài.

10 năm thụt lùi và sự trở lại ngoạn mục của địa phương được các “ông lớn” Honda, Toyota… chọn làm điểm đến - Ảnh 8.

Nhìn chung, từ khi tái lập tỉnh đến nay, kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc đã có bước phát triển vượt bậc cả về lượng và chất. Trong giai đoạn 1997-2021, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân tăng 13,44%/năm. Nếu quy mô kinh tế năm 1997 chỉ đạt 1,96 nghìn tỷ đồng thì đến năm 2021, con số này đã tăng gấp 69,6 lần, đạt 136,2 nghìn tỷ đồng.

Không chỉ là điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc còn là điểm sáng về thực hiện các chính sách giảm nghèo. Qua 25 năm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo của tình giảm từ 20% xuống còn dưới 2%.

10 năm thụt lùi và sự trở lại ngoạn mục của địa phương được các “ông lớn” Honda, Toyota… chọn làm điểm đến - Ảnh 9.

Nguồn: Cục thống kê tỉnh Vĩnh Phúc.

Cụ thể, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh còn 5.207 hộ nghèo, chiếm 1,51% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Trong đó, hộ nghèo khu vực thành thị chiếm 0,98%, hộ nghèo khu vực nông thôn chiếm 1,72%.

Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người của Vĩnh Phúc đã được cải thiện rõ rệt. Năm 2002, thu nhập bình quân của tỉnh chỉ xếp thứ 41/63 tỉnh, thành, đạt hơn 200.000 đồng/người/tháng. Đến năm 2021, thu nhập bình quân của tỉnh đã tăng lên đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng, lọt top 10 địa phương có thu nhập bình quân cao nhất cả nước. Như vậy, sau 19 năm, thu nhập bình quân của tỉnh đã tăng 17 lần.

10 năm thụt lùi và sự trở lại ngoạn mục của địa phương được các “ông lớn” Honda, Toyota… chọn làm điểm đến - Ảnh 10.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, địa phương đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng 8,5 - 9,0%/năm. Trong đó, công nghiệp - xây dựng chiếm 61,5- 62,0%; dịch vụ chiếm 32 - 32,5%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 6 - 6,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 - 135 triệu đồng (giá hiện hành).

10 năm thụt lùi và sự trở lại ngoạn mục của địa phương được các “ông lớn” Honda, Toyota… chọn làm điểm đến - Ảnh 11.

Về thu hút đầu tư, địa phương đặt mục tiêu thu hút thêm vốn đầu tư từ 2,0 - 2,5 tỷ USD vốn FDI và 20 - 25 nghìn tỷ đồng vốn DDI. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc sẽ chú trọng phát triển công nghiệp để làm tiền đề tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Thu hút đầu tư để lấp đầy các khu, cụm công nghiệp hiện có, bổ sung quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp mới ở những nơi có lợi thế như: Khu công nghiệp Đồng Sóc, Khu công nghiệp Sơn Lôi, Cụm công nghiệp Yên Lạc, Xuân Lôi... Xây dựng chính sách đặc thù để thu hút đầu tư các dự án có quy mô đầu tư lớn, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao, quy mô sử dụng đất thấp.

Bên cạnh mục tiêu về các yếu tố tăng trưởng vĩ mô, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội còn nhấn mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung rà soát loại bỏ những thủ tục, quy định đang gây khó khăn, cản trở các nhà đầu tư.

Theo vị lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, việc tạo ra môi trường đầu tư thật sự thông thoáng vô cùng quan trọng. Trong thời gian tới, địa phương sẽ đặc biệt quan tâm tới sự minh bạch và sự năng động của chính quyền tỉnh.

"Bởi là địa phương cấp tỉnh, tuy không có quyền thay đổi thể chế nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được việc minh bạch thể chế nhằm hướng dẫn, tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp để tiếp cận họ, đồng hành với họ trong việc chấp hành thể chế", ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ.

Quỳnh Anh - Ngọc Anh. Thiết kế: Hải An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên