10 năm trời nằm vùng, Viettel đã chinh phục Myanmar như thế nào?
Sau 10 năm nằm vùng, 2 lần thất bại tại Myanmar, những ngày cuối tháng 3/2016, nhà mạng Quân đội đã cùng nhau ăn mừng chiến thắng: Viettel đã thắng thầu, chính thức là mạng thứ 4 tại quốc gia này.
Myanmar là quốc gia thứ 10 mà Viettel đã đầu tư trong chiến lược mở rộng thị trường nước ngoài 10 năm qua. Với số tiền lên tới 1,5 tỷ USD, Myanmar là thị trường có số vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay.
Theo đánh giá của Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội – ông Lê Đăng Dũng, Myanmar cũng là một trong những thị trường tiềm năng nhất.
Chiến công của Viettel tại Myanmar được nhiều người biết đến. Thế nhưng, đằng sau câu chuyện đó là cả một chặng đường dài gian nan.
Đến sau chưa phải là người thua cuộc!
Trong buổi nói chuyện với chúng tôi, ông Lê Đăng Dũng cho biết, để chinh phục được thị trường này, Viettel đã mất hơn 10 năm nghiên cứu.
Năm 2005, để bắt đầu công cuộc chinh phục mới, Viettel đã mở văn phòng đại diện tại Myamar. Tập đoàn cử 2 nhân viên sang học tiếng bản địa với mục đích thăm dò, khảo sát thị trường và tạo mối quan hệ, tìm hiểu văn hóa tại nơi đây.
Trong suốt quá trình, nhà mạng Quân đội luôn tìm các cơ hội để làm việc với nhiều đối tác, xin giấy phép.
Và phải đến tận năm 2013, khi chớp thấy có cơ hội, Viettel mới tham gia thầu. “Thế nhưng, để chinh phục được vào thị trường này là điều không phải dễ dàng. 2 đối thủ đáng gờm là mạng quốc tế Ooredoo (Qatar) và Telenor ASA (Na Uy) đã thắng thầu hàng chục hãng viễn thông trên thế giới, trong đó có Viettel. Họ đều là những đơn vị có đóng góp lớn, tiềm năng mạnh”, ông Dũng kể.
Phải đến năm 2015, Viettel mới chính thức chinh phục thành công thị trường khó tính này khi cùng liên doanh với 2 đơn vị khác nữa.
Dù tới muộn hơn các đối thủ nước ngoài gần 3 năm, thế nhưng, ông Dũng cho rằng, Viettel còn rất nhiều cơ hội để phát triển.
Myanmar là thị trường mới mở cửa, có GDP tăng trưởng bình quân đạt 8%/năm, với APRU (tỷ lệ doanh thu trên một thuê bao) 4 USD, hơn 55 triệu dân trong đó có 60% dùng Smartphone (Việt Nam mới chỉ 35%), tỷ lệ người dùng điện thoại di động đã lên tới 70%.
Đặc biệt, người dân ở đây cực kỳ ưa chuộng trải nghiệm công nghệ. Đây cũng là đặc tính của thị trường các nước Đông Nam Á.
“Theo kinh nghiệm từ nhiều thị trường, cứ mỗi khi một mạng mới ra, người dùng bao giờ cũng mong muốn được trải nghiệm bởi họ tin rằng nó phải có gì mới mẻ. Và nếu chiếc sim có tốt hơn, phù hợp hơn… thì chắc chắn người ta sẽ quang sang dùng, ngay cả khi họ vẫn đang sử dụng chiếc sim khác”, ông Dũng phân tích.
Thực tế, ngay cả khi 100% số dân dùng rồi thì vẫn có cửa cho nhà mạng mới. Như tại Peru, tỷ lệ viễn thông di động trên 100%, tức là số thuê bao đã nhiều hơn dân số. Thế nhưng, nhu cầu của người dân vẫn cao, nghĩa là các nhà đầu tư vẫn còn nhiều cơ hội.
Tại Myanmar, hiện tại mạng quốc doanh MPT đang chiếm thị phần lớn nhất với 18 triệu thuê bao, Telenor có 12 triệu thuê bao, còn Ooredoo khoảng 5,8 triệu thuê bao. Liệu kế hoạch mạng Viettel sẽ phủ sóng 95% cả nước trong 3-4 năm tới có là quá xa vời?
Ông Lê Đăng Dũng – Tướng Viettel cho rằng, với xu hướng của người dùng hiện nay, Viettel vẫn còn rất nhiều cơ hội.
Tháng 5 tới đây, nhà mạng này sẽ bắt đầu thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng và một năm sau sẽ chính thức khai trương dịch vụ. Với kế hoạch hoàn thiện hơn 5.000 trạm BTS trong thời gian một năm tại Myanmar là bước đi thần tốc.
Theo tính toán của ông Dũng, hiện tại, mạng Telenor có hơn 4.000 trạm. Viettel đặt ra mục tiêu hoàn thành xây dựng mạng lưới vào tháng 8 năm sau, như vậy, khi họ có khoảng 4.500-4.600 thì Viettel đã có tới 5.000 trạm.
Ông Lê Đăng Dũng: "Người kinh doanh tốt là biết tìm ra giải pháp tốt nhất cho thị trường".
Nghệ thuật kinh doanh ở xứ người
Khác hẳn với 2 đối thủ trước đó là đầu tư đến đâu kinh doanh đến đó, chiến lược kinh doanh của Viettel là đầu tư hạ tầng trước, kinh doanh sau.
Theo ông Dũng, đây là chiến lược lâu dài mà Viettel đã từng áp dụng thành công tại nhiều thị trường. Còn việc đầu tư đến đâu, kinh doanh tới đó chỉ áp dụng khi nhà mạng đó là độc quyền.
"Người kinh doanh tốt là biết tìm ra giải pháp tốt nhất cho thị trường. Đây cũng là nghệ thuật kinh doanh của Viettel", ông Dũng cho hay.
Do Viettel đến sau nên phải cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, phục vụ. Muốn làm được điều này thì trước hết, cơ sở hạ tầng phải tốt.
"Tuy vậy, không phải lúc nào Viettel cũng mang hết tiền túi của mình sang đầu tư, mà Tập đoàn có thể vay ngân hàng, huy động thiết bị từ đối tác… làm sao có lợi nhất, hiệu quả nhất thì làm", ông Dũng chia sẻ.
Rút kinh nghiệm từ những thị trường trước đó, tướng Viettel đúc kết: Trong kinh doanh, rủi ro chính trị là rủi ro lớn nhất trong đầu tư nước ngoài. Thế nên, để chinh phục được mỗi thị trường khác nhau, chúng ta phải có những ‘mánh’ riêng. Song điều này sẽ là “bí mật” của mỗi đơn vị kinh doanh.
Ngoài Myanmar, Viettel đã đầu tư kinh doanh tại 9 thị trường nước ngoài là Campuchia, Lào, Đông Timor, Mozambique, Cameroon, Burundi, Tanzania, Haiti và Peru; với tổng dân số hơn 260 triệu người, và khoảng 75 triệu khách hàng, đạt doanh số 1,5 tỷ USD vào năm 2015.
Myanmar được đánh giá là một trong những mặt hàng đầy tiềm năng. Dự kiến, Viettel sẽ hoàn tất đàm phán với liên doanh trong tháng 5 tới đây. Theo kế hoạch, đến tháng 8/2017, 5.000 trạm BTS sẽ hoàn tất và mạng Viettel chính thức ra mắt tại thị trường Myanmar.
Năm 2015, tổng doanh thu từ hoạt động đầu tư quốc tế của Viettel tăng 9%, đạt gần 1,5 tỷ đô la Mỹ, gấp gần 4,5 lần so với tăng trưởng bình quân của ngành này trên thế giới (theo số liệu của OVUM).
Trí thức trẻ/CafeBiz