MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 năm và 22 tỷ USD: Canh bạc của Mark Zuckerberg cuối cùng đã đem về trái ngọt sau bao lời chỉ trích

08-11-2024 - 12:31 PM | Tài chính quốc tế

Từng bị chỉ trích với canh bạc WhatsApp cách đây 10 năm, khiến nhà sáng lập ứng dụng tin nhắn này tức giận ra đi nhưng giờ đây, cả thế giới lại một lần nữa nợ Mark Zuckerberg một lời xin lỗi.

Cách đây 10 năm, Mark Zuckerberg đã bỏ ra 22 tỷ USD để mua ứng dụng WhatsApp với kỳ vọng tạo nên một WeChat thứ 2 như ở Trung Quốc, tích hợp nền tảng liên lạc này với hàng loạt tiện ích khác như chuyển tiền, thanh toán trực tuyến cho đến thương mại điện tử.

Thế nhưng phải mãi cho đến hiện tại thì ứng dụng trò chuyện này mới đem lại chút lợi nhuận cho Meta (Facebook).

Báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024 của Meta cho thấy WhatsApp là nguyên nhân chính đóng góp cho đà tăng trưởng doanh thu phi quảng cáo 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể sản phẩm ứng dụng trò chuyện doanh nghiệp, qua đó cho phép các công ty liên lạc với những khách hàng tiềm năng quốc tế của WhatsApp đã đem về doanh thu lớn cho Meta.

10 năm và 22 tỷ USD: Canh bạc của Mark Zuckerberg cuối cùng đã đem về trái ngọt sau bao lời chỉ trích- Ảnh 1.

Trên thực tế kể từ quý III/2022, Meta đã nhiều lần cho biết WhatsApp là nguồn tăng trưởng doanh thu phí quảng cáo chính của hãng, nhưng để làm được điều này thì không hề dễ dàng.

Cựu phó chủ tịch mảng tin nhắn doanh nghiệp tại Meta, ông Matt Idema cho biết việc phổ biến WhatsApp trong khi đã có Messenger là điều không hề dễ dàng. Đặc biệt mục tiêu kiếm được tiền từ ứng dụng này còn khó hơn nữa khi có vô số những sản phẩm tương tự trên thị trường.

Hơn một nửa số người Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 35 sở hữu smartphone đã cài đặt WhatsApp, vốn là một trong những dịch vụ phát triển nhanh nhất của Meta tại các thị trường lớn.

"Ai cũng dùng điện thoại di động và về cơ bản thì họ nhắn tin suốt cả ngày", CEO Mark Zuckerberg từng cho biết.

Tiềm năng lớn

Tổng doanh thu phi quảng cáo của Meta trong quý III/2024 chỉ đạt 434 triệu USD, quá nhỏ so với 39,9 tỷ USD tổng doanh thu nói chung. Thế nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu phi quảng cáo lại là gấp đôi, cho thấy tiềm năng cực kỳ lớn.

Chuyên gia phân tích Mark Mahaney của Evercore ISI nhận định Meta đang sở hữu 2 ứng dụng tin nhắn lớn trên thế giới và tiềm năng kiếm tiền từ đó là rất lớn.

"Hiện tỷ lệ doanh thu từ mảng tin nhắn chỉ chiếm 10% tổng doanh thu của Meta nhưng có thể tăng nhanh hơn đáng kể so với các nền tảng mạng xã hội truyền thống vốn đã bão hòa của họ", ông Mahaney nói.

Nói cách khác, các ứng dụng nhắn tin là tài sản có thể kiếm tiền nhưng chưa được quan tâm nhiều của Meta, bao gồm WhatsApp, Messenger và Instagram Direct.

Ngoài mảng tin nhắn doanh nghiệp trên WhatsApp thì Meta còn tạo doanh thu từ quảng cáo trên ứng dụng tin nhắn như Messenger, qua đó giúp người dùng có thể nhấp và nhắn tin cho doanh nghiệp, liên kết với tài khoản trên Instagram hay WhatsApp.

Việc kết hợp trí thông minh nhân tạo (AI) trong quản lý đã giúp Meta tiết kiệm hơn về chi phí cũng như thúc đẩy hiệu quả hoạt động. Chính Mark Zuckerberg đã phải thừa nhận vào tháng 4/2024 rằng AI sẽ tăng cường được doanh thu mảng tin nhắn trong thời gian tới.

10 năm và 22 tỷ USD: Canh bạc của Mark Zuckerberg cuối cùng đã đem về trái ngọt sau bao lời chỉ trích- Ảnh 2.

Theo Mark Zuckerberg, công nghệ AI không chỉ là mảng kiếm ra tiền mà còn có thể hỗ trợ mở rộng sản phẩm tin nhắn doanh nghiệp, đưa quảng cáo hay nội dung trả phí vào các nền tảng, qua đó thúc đẩy thêm doanh thu.

Tờ Business Insider (BI) nhận định việc thúc đẩy các ứng dụng tin nhắn thành công cụ kiếm tiền là một chiến thắng lớn cho Mark Zuckerberg khi đã đổ hàng tỷ USD vào đây. Ngày càng nhiều doanh nghiệp và người dùng chọn chia sẻ nội dung trong tin nhắn, nhóm chat thay vì các nền tảng dữ liệu trên Facebook hay Instagram.

Hiện Meta đang bổ sung thêm nhiều tính năng vào Messenger như khả năng chia sẻ kỷ niệm ảnh hoặc nhiều công cụ AI hơn nữa.

Thậm chí Mark Zuckerberg còn đang tiến tới giúp người dùng có thể kiếm tiền từ các ứng dụng tin nhắn.

Mỗi ứng dụng của Meta đều được phân biệt rõ rệt về đối tượng chính và phân khúc khách hàng chủ đạo nhằm tránh cạnh tranh chồng chéo lên nhau.

Cơ hội và thách thức

Cách đây 10 năm, WhatsApp ra đời dưới bàn tay thiết kế của Jan Koum và Brian Acton. Đây là ứng dụng miễn phí và an toàn, giúp người dùng dễ dàng trao đổi tin nhắn với bạn bè, gia đình mà không phải lo gián đoạn kết nối mạng như khi với iMessage.

Sau vài năm, WhatsApp nhanh chóng phát triển với hàng trăm triệu người trên khắp thế giới. Điều này đã thu hút sự chú ý của Mark Zuckerberg khiến tỷ phú này mua lại WhatsApp vào năm 2014, đánh bại các đối thủ cũng đang hỏi mua là Google và Tencent.

Đến năm 2019, Mark Zuckerberg dần khẳng định quyền kiểm soát đối với hàng loạt ứng dụng, liên kết chúng lại với nhau để có thể chia sẻ dữ liệu như một hệ sinh thái và WhatsApp cũng nằm trong số đó.

10 năm và 22 tỷ USD: Canh bạc của Mark Zuckerberg cuối cùng đã đem về trái ngọt sau bao lời chỉ trích- Ảnh 3.

Động thái này khiến các nhà sáng lập ban đầu của WhatsApp tức giận rời đi. Một số cựu giám đốc điều hành cũng cáo buộc Zuckerberg phá bỏ lời hứa không can thiệp trước đó.

Bất chấp điều đó, Mark Zuckerberg xây dựng WhatsApp trở thành một dịch vụ nhắn tin và kinh doanh hoàn chỉnh với rất nhiều tính năng, từ biểu tượng cảm xúc đơn giản đến chuyển tiếp tin nhắn.

Ngoài ra, WhatsApp cũng bắt đầu cung cấp các công cụ trả phí và ứng dụng tùy chỉnh phục vụ các doanh nghiệp muốn sử dụng nền tảng để giao tiếp với người tiêu dùng. Những tên tuổi lớn như Chevrolet, Lenovo, Samsung và L'Oreal đều là khách hàng của WhatsApp.

Thậm chí, hãng Nissan đã dành cả năm xây dựng các chatbot trên WhatsApp để trò chuyện với khách hàng tại Brazil. Hãng cho biết khoảng 30 đến 40% doanh số bán hàng mới đều thông qua WhatsApp. Dịch vụ cũng giúp Nissan giảm thời gian phản hồi khách hàng xuống chỉ còn vài giây từ mức trung bình là 30 phút.

Hồi năm 2021, GM cũng sử dụng WhatsApp cho một chiến dịch ở Brazil để hướng các khách hàng tiềm năng nhắn tin với những đại lý xe, nhờ đó bán được 3.000 xe/tháng.

Hiện hơn 200 triệu doanh nghiệp đang sử dụng các ứng dụng kinh doanh chuyên nghiệp của WhatsApp.

Tuy nhiên, WhatsApp vẫn có nhiều rào cản với đối thủ lớn nhất là iMessage. Ứng dụng này cũng đang phải vật lộn với những cái tên mới nổi có quy mô nhỏ hơn, chi phí vận hành thấp nhưng lại vô cùng được yêu thích như Signal và Telegram. Đó là chưa kể đến những Đạo luật thị trường kỹ thuật số khiến WhatsApp có thể bị buộc tích hợp với các dịch vụ nhắn tin.

Dẫu vậy, tiềm năng kiếm tiền của WhatsApp vẫn còn đó và tầm nhìn của Mark Zuckerberg đã bắt đầu phát huy tác dụng.

*Nguồn: BI

Theo Băng Băng

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên