10 ngày nữa tới Tết, chủ shop TP HCM dùng đủ chiêu hút khách nhưng vẫn than thở: Khách đâu cả rồi?
Những ngày này tại thị trường TP HCM, nhiều cửa hàng trưng bảng giảm giá rất sâu, lên đến 70 - 80%, nhưng người bán lại nhiều hơn người mua.
- 29-01-2024Làng 'âm phủ' Phúc Am tất bật chạy đơn hàng Tết
- 09-01-2024Làng nghề bánh tráng 'chạy' đơn hàng Tết
- 21-12-2023Thủ phủ bưởi diễn: Tới tấp đơn hàng Tết, kiếm bộn tiền check-in
Tầm 19h Chủ nhật 28/1 (tức 18 tháng Chạp), nhiều cửa hàng thời trang trên đường Trần Quang Diệu (quận 3, TP HCM) - tuyến đường thời trang - dán, trưng các thông báo giảm giá rất mạnh. Các bảng thông báo này thậm chí còn to và dễ nhìn hơn cả tên của cửa hàng.
Đa số các thông điệp giảm đều là những con số rất bắt mắt và thu hút. Mức giảm giá được đưa ra chủ yếu từ hơn 50%, đa số là 60-70%, và thậm chí lên đến 80%. Một số cửa hàng khác thì dùng “chiêu” mua: 3 quần áo chỉ 100.000 đồng, chỉ 99.000 đồng cho áo… Để tăng độ tiếp cận với khách hàng, rất nhiều cửa hàng trên tuyến đường này đã mang cả hàng hóa ra tận lề đường.
Với rất nhiều nỗ lực như vậy nhưng lượng khách của hầu hết shop trên con đường đều thưa thớt khách. Thậm chí, một số cửa hàng chỉ có nhân viên.
Trao đổi với phóng viên, chủ một cửa hàng trên đường Trần Quang Diệu cho rằng lượng khách năm nay vắng hơn năm ngoái rất nhiều. Người này không cho biết cụ thể doanh thu bị giảm bao nhiêu phần trăm nhưng nhấn mạnh “giá giảm cỡ này mà không thấy một bóng khách”.
Chị này cũng cho biết: “Năm nay cửa hàng gần như không nhập hoặc trữ hàng quá nhiều cho đợt Tết vì đã có dự đoán trước đó”. Hiện chị đang hy vọng “trong tuần này (giai đoạn các công ty sẽ chi thưởng - PV) tình hình buôn bán sẽ khá hơn”.
Chủ shop thời trang TP HCM: Tình hình kinh doanh ảm đạm!
Anh K. - chủ cửa hàng chuyên thời trang nam trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP HCM - cũng đồng quan điểm về tình hình hàng thời trang dịp Tết này bán khá chậm.
“Chúng tôi có một lượng khách hàng đã quen thuộc nhất định. Dịp này, cửa hàng có gửi một số mẫu bộ sưu tập mới cho khách nhưng hầu hết chỉ bảo ‘để xem’ chứ chưa có triển khai mua hàng”, anh K. nói.
Hiện tại, cửa hàng của anh K. đang tập trung phát triển ra thị trường khách ở các tỉnh lân cận để mở rộng cơ hội đẩy được hàng nhiều nhất. Tuy nhiên, “đây chỉ là tình thế vì thị trường TP HCM là chủ yếu, đến vài ngày nữa thì chúng tôi cũng không thể gửi hàng COD (gửi hàng trước, nhận tiền thu hộ sau - PV) về các tỉnh. Chúng tôi cũng đang tìm cách xoay xở cho thị trường thành phố”, chủ cửa hàng ở quận Phú Nhuận này suy tính.
Cũng tương tự chị chủ cửa hàng trên đường Trần Quang Diệu, anh K. cũng không nhập quá nhiều hàng hóa trong đợt này. “Tình hình cả năm khá ảm đạm, có thể do mọi người thắt lưng buộc bụng nên quần áo trở thành thứ yếu. Ngay đợt hè năm ngoái, chúng tôi nhập đồ đi biển nhưng tình hình buôn bán cũng không mấy khá khẩm”, anh nói thêm.
Tham khảo nhiều luồng thông tin về dự báo kinh tế, anh K. dự kiến sẽ thay đổi mô hình kinh doanh để đón sóng phục hồi vào nửa cuối năm sau.
Tình hình giảm giá nhưng thưa khách cũng diễn ra tại một cửa hàng ở quận Tân Bình (TP HCM). Cửa hàng này dán biển thông báo trên cửa kính của cửa hàng: Đồng giá tất cả cho các mặt hàng quần jean (199.000 đồng), áo thun 149.000 đồng, sơ mi 149.000 đồng. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, lượng khách bước vào cửa hàng cũng loe ngoe.
Chủ các cửa hàng vật lý, có thuê mặt bằng, đều đang căng thẳng trước tình hình buôn bán chậm nhưng vẫn phải trả tiền cho chủ nhà. Theo dữ liệu của nền tảng công nghệ bất động sản Nhà Tốt, tháng đầu năm, giá chào thuê bình quân một căn nhà phố để kinh doanh ở quận 1 (TP HCM) là 128 triệu đồng mỗi tháng.
Khảo sát giá thuê trên Batdongsan.com.vn, nhà mặt tiền đường Trần Quang Diệu có thể đến 140 triệu đồng/tháng, thấp hơn thì có 70 triệu đồng/tháng. Còn đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận) có thể lên 120 triệu đồng/tháng.
Đời sống & pháp luật