10 nguyên tắc cha mẹ Nhật dạy con được cả thế giới chia sẻ, áp dụng với mọi lứa tuổi đều hiệu quả
Người Nhật luôn nhận được sự tôn trọng và ngưỡng mộ trong cách đối nhân xử thế và đặc biệt họ rất chú trọng việc dạy con ngay từ khi chúng còn nhỏ.
- 20-08-2022Sự khác biệt trong phong cách dạy con của những vị tỷ phú giàu có nhất trên thế giới so với cha mẹ thông thường
- 18-08-2022Giàu có, nổi tiếng nhưng các sao Hollywood này dạy con cực nghiêm khắc
- 17-08-20227 quy tắc trong gia đình cha mẹ nên áp dụng để nuôi dạy con nhàn tênh, trẻ ngoan ngoãn - hiếu thuận
1. Giữ trật tự nơi công cộng
Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu bạn thấy các em bé người Nhật ngồi trên tàu điện rất ngoan ngoãn, không quấy phá hay nghịch ngợm. Đó là vì các bé đã được học nguyên tắc phải giữ phép lịch sự, tôn trọng người khác khi ở nơi đông người. Với các bé nhỏ tuổi, cha mẹ sẽ tìm cách dỗ dành, còn với các bé lớn, các con đã đủ hiểu và thực hiện rất đúng nguyên tắc.
Vì vậy, không gian yên lặng tại nơi công cộng là điều thường thấy ở Nhật Bản. Trẻ em Nhật Bản cũng được khuyến khích nói càng nhỏ càng tốt. Những phụ huynh để con cái chạy lung tung, gây tiếng ồn thường bị cho là vô trách nhiệm. Một số nơi công cộng ở Nhật còn áp dụng quy định giới hạn độ tuổi để đảm bảo môi trường ăn uống yên tĩnh cho khách.
2. Không nói về những đứa con của mình
Nếu các mẹ người Việt rất thích chia sẻ, khoe khoang, thể hiện và tâm sự về mọi chuyện liên quan đến con cái, từ học hành, vui chơi... cho đến các hành vi hài hước thì phụ nữ Nhật thường có xu hướng giữ sự riêng tư cá nhân, chỉ chia sẻ cho những người thân cận nhất. Tất cả những gì họ quan tâm là con của mình đang chơi trong đội bóng đá nào, tham gia câu lạc bộ nào, có hòa đồng không.
Họ không bao giờ khoe khoang con của mình. Nhưng điều này không có nghĩa là áp lực việc học, tài năng của con cái là không có. Việc nuôi dạy con cái ở Nhật rất cạnh tranh để vào các trường top đầu, tuy nhiên họ ít khi "ra vẻ" với những người khác. Các em bé ở Nhật luôn được tôn trọng, dành lời khen dù có đạt thành tích như thế nào.
3. Tháo giày, dép khi cần thiết
Ở Nhật, mọi người rất coi trọng sự sạch sẽ, chỉ cần nhìn đường phố và không gian nhà cửa ở bên đó là đủ hiểu. Khi di chuyển bằng tàu, xe lửa, nhiều đứa trẻ hiếu động, muốn đứng lên ghế để ngắm cảnh vật xung quanh. Khi đó, cha mẹ Nhật sẽ yêu cầu con tháo giày, dép trước khi đứng lên, tránh làm bẩn chỗ ngồi.
Tương tự tại các nhà hàng hoặc nơi công cộng khác, trẻ được hướng dẫn bỏ giày dép bên ngoài trước khi di chuyển vào khu vực bên trong. Nếu để trẻ làm bẩn sàn nhà, ghế ngồi, cha mẹ có thể bị đánh giá là thô lỗ, bất lịch sự.
Tại các khu vui chơi, thư viện... trẻ sẽ luôn được yêu cầu phải bỏ giày/dép ở ngoài và đi dép có sẵn theo quy định tại nơi đó. Lâu dần, con sẽ học được cách giữ gìn vệ sinh công cộng và tôn trọng các quy tắc ở những nơi bé tới.
4. Quan tâm đến cảm xúc của con
Để dạy dỗ một đứa trẻ sống hòa đồng trong xã hội có tính tập thể cao, quan trọng nhất phải dạy chúng cảm nhận và tôn trọng cảm xúc, sở thích của người khác. Những bà mẹ Nhật rất tôn trọng cảm xúc của đứa trẻ, điều này thể hiện qua hành động không làm bẽ mặt con mình.
Họ dạy chúng cách hiểu cảm xúc của người khác và thậm chí là cảm xúc của những đồ vật. Ví dụ nếu đứa trẻ làm hỏng đồ chơi, một bà mẹ Nhật sẽ nói: "Thật tội nghiệp cho nó, nó sẽ khóc đấy con!". Còn một bà mẹ phương Tây sẽ quở trách con: "Dừng lại! Con hư quá!".
5. Học cách biết ơn
Thay vì đòi hỏi hay mè nheo, hoặc so đo giàu nghèo với các bạn thì trẻ em Nhật luôn được dạy phải biết tôn trọng cha mẹ và biết ơn những gì con đang có. Con cần phải học cách cảm ơn cha mẹ, hiểu những khó khăn của cha mẹ và trả lại cho cha mẹ bằng tình yêu thương, cảm ơn người đã nuôi dạy và giáo dục con cái mình. Bắt đầu từ những điều nhỏ trong cuộc sống và biết chân thành cảm ơn tất cả những người đã giúp đỡ mình.
Không khó để nhận ra người Nhật luôn nói câu "Cảm ơn" và gập người cúi chào ở mọi trường hợp để thể hiện lòng biết ơn của mình. Từ khi còn nhỏ, trẻ đã được giáo dục thói quen này nhờ vào cách mà người lớn vẫn làm hàng ngày.
6. Luôn bình tĩnh
Trong mọi trường hợp, trẻ được dạy phải giữ bình tĩnh, không tỏ ra nóng nảy, khó chịu, la hét khi ở chỗ đông người. Đây cũng là cách các gia đình khuyến khích con cái hòa thuận, giữ hòa khí với người thân và những người xung quanh.
Đặc biệt, khi xảy ra một chuyện gì đó, ở trường học, ở nhà hay nơi công cộng, trẻ cũng được dạy cách phải bình tĩnh xử lý thay vì gào thét, khóc lóc. Sự bình tĩnh cũng giúp trẻ suy nghĩ thấu đáo hơn và đưa ra cách giải quyết tốt nhất.
7. Tham gia trải nghiệm thiên nhiên
Văn hóa dạy con Nhật Bản luôn coi trọng các giá trị thực tế khi trẻ được hòa mình với tự nhiên. Vào các dịp đặc biệt như lễ hội mùa hè, mùa hoa đào nở, các gia đình thường đưa con đi cắm trại, ngắm hoa hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời. Các gia đình quan niệm, khi hòa mình vào môi trường tự nhiên, trẻ sẽ được học nhiều kiến thức, kỹ năng mới, đồng thời có thêm thời gian vui chơi sau giờ học.
Bên cạnh đó, đây cũng là cách giúp gắn kết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Không chỉ vậy, việc cho con ra ngoài chơi thay vì trung tâm thương mại hay quán ăn cũng sẽ không làm phiền tới những người khác, để trẻ có thể thoải mái chạy nhảy, nghịch ngợm.
8. Cha mẹ là tấm gương điển hình
Để con học hỏi và cải thiện hơn mỗi ngày, cha mẹ cũng cần trở thành một tấm gương cho bé. Gương mẫu là chìa khóa hàng đầu và hiệu quả hơn bất kì một cách giáo dục nào khác. Sẽ rất khó nếu như bố mẹ xem điện thoại nhưng lại bắt con đọc sách, hay bố mẹ ngồi lì một chỗ nhưng ép con tham gia các môn thể thao vận động...
Cha mẹ Nhật thường sẽ cùng con đến thư viện, cùng chọn sách và ngồi đọc cùng trẻ. Hoặc khi ra công viên, họ sẽ cố gắng tham gia các hoạt động cùng con thay vì bấm điện thoại và kệ con chơi một mình. Đây không chỉ là việc dành thời gian "chất lượng" cho bé mà còn là cách họ tôn trọng và yêu thương con, tránh làm việc riêng khi chơi cùng trẻ.
9. Gia đình là một trong những điều quan trọng nhất
Người Nhật nghĩ rằng trẻ em không nên được gửi đến trường mẫu giáo trước khi chúng tròn 3 tuổi. Cha mẹ thường không nhờ ông bà hoặc thuê người trông trẻ mà tự mình chăm sóc con. Tuy nhiên, trẻ vẫn được dành nhiều thời gian ở bên ông bà và những người thân khác. Mối quan hệ của chúng với các thành viên trong gia đình thật sự rất ấm áp. Mọi người luôn hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau.
Thế nên ở Nhật, sẽ thấy rất nhiều chị em làm mẹ full-time, quán xuyến nhà cửa, con cái từ A tới Z hoặc vừa đi làm vừa chăm con. Dĩ nhiên, họ vẫn sẽ nhận được sự trợ giúp khi cần thiết và những đứa trẻ cũng học được cách tự lập hơn khi có một bà mẹ bận rộn.
10. Tránh đưa trẻ bị bệnh đến nơi công cộng
Quy tắc phổ biến này được áp dụng ở mọi nơi trên thế giới chứ không chỉ riêng Nhật Bản. Trẻ em có hệ thống miễn dịch yếu và ít khi chịu đeo khẩu trang, điều này có thể dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm.
Các khu vực khép kín như nhà hàng và sân chơi trong nhà là nơi hoàn hảo sản sinh các loại vi trùng lây bệnh. Để bảo vệ con mình và người khác, phụ huynh nên cho trẻ ở nhà nghỉ ngơi nếu có triệu chứng ốm, không ra ngoài cho đến khi khỏe lại.
Nguồn: Tổng hợp
Phụ nữ Việt Nam