10 nước dự trữ vàng nhiều nhất thế giới
Mỹ đứng đầu thế giới về lượng vàng dự trữ với hơn 8.000 tấn, bằng tổng vàng dự trữ của 3 quốc gia tiếp theo trong top 10 cộng lại ...
Top 10 quốc gia dự trữ vàng nhiều nhất thế giới gần như không đổi trong vài năm qua. Trong đó, Mỹ đứng số 1 với hơn 8.000 tấn vàng dự trữ, gần bằng 3 quốc gia tiếp theo trong top 10 cộng lại. Còn Nga là nước mua vàng nhiều nhất thế giới trong 6 năm liên tiếp, nâng dự trữ năm 2017 lên 224 tấn, vượt qua Trung Quốc để giữ vị trí thứ 5.
Dưới đây là top theo Khảo sát GFMS Gold Survey về thị trường vàng toàn cầu được hãng tin Thomson Reuters thực hiện hàng năm.
1. Mỹ
Khối lượng vàng dự trữ: 8.133,5 tấn
Tỷ lệ trong dự trữ ngoại hối: 75,2%
Dự trữ vàng của Mỹ bằng tổng dự trữ của 3 quốc gia tiếp theo trong top 10 cộng lại và chiếm tới hơn 75% tổng dự trữ ngoại hối của nước này - mức lớn nhất thế giới.
2. Đức
Khối lượng vàng dự trữ: 3.371 tấn
Tỷ lệ trong dự trữ ngoại hối: 70,6%
Năm 2017, Đức hoàn thành việc tiến trình kéo dài 4 năm chuyển hồi tổng số 674 tấn vàng từ Ngân hàng Trung ương Pháp Banque de France và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ về kho dự trữ của mình. Được công bố lần đầu tiên vào năm 2013, tiến trình này từng được dự báo phải tới năm 2020 mới hoàn thành. Kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Đức vẫn đều đặn dự trữ thêm vàng.
3. Italy
Khối lượng vàng dự trữ: 3.451,8 tấn
Tỷ lệ trong dự trữ ngoại hối: 67,9%
Italy hầu như vẫn duy trì quy mô khối vàng dự trữ trong nhiều năm và nhận được hỗ trợ từ Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - Mario Draghi. Từng là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy, khi được hỏi về vai trò của vàng trong danh mục của một ngân hàng trung ương, ông Draghi trả lời rằng vàng là "dự trữ của sự an toàn" và "vàng mang lại sự bảo vệ chống lại những biến động so với đồng USD".
4. Pháp
Khối lượng vàng dự trữ: 2.436 tấn
Tỷ lệ trong dự trữ ngoại hối: 63,9%
Trong vài năm qua, Ngân hàng Trung ương Pháp đã bán một số vàng trong kho dự trữ và đang có nhiều người kêu gọi dừng việc này. Marine Le Pen, chủ tịch Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp dẫn đầu làn sóng kêu gọi Ngân hàng Trung ương không chỉ dừng bán vàng mà còn chuyển toàn bộ số vàng ở nước ngoài về.
5. Nga
Khối lượng vàng dự trữ: 1.909,8 tấn
Tỷ lệ trong dự trữ ngoại hối: 17,6%
Trong 6 năm qua, Ngân hàng Trung ương Nga mua vào nhiều vàng nhất thế giới và đầu năm nay đã vượt qua Trung Quốc để giữ vị trí thứ 5 trong danh sách này. Năm 2017, nước này mua vào 224 tấn vàng nhằm đa dạng hóa khối dự trữ ngoại hối khỏi đồng USD trong bối cảnh quan hệ của nước này với các quốc gia phương Tây xấu đi sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea. Để có tiền mua vàng, nước này đã bán lượng lớn trái phiếu Mỹ.
6. Trung Quốc
Khối lượng vàng dự trữ: 1.842,6 tấn
Tỷ lệ trong dự trữ ngoại hối: 2,4%
Từ năm 2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bắt đầu công bố thông tin về hoạt động mua bán hàng theo từng tháng, lần đầu tiên kể từ năm 2009. Dù là nước dự trự vàng lớn thứ 6 thế giới, vàng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng dự trữ của Trung Quốc - mức thấp nhất trong top 10. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng nhẹ so với 2,2% vào năm 2016.
7. Thụy Sĩ
Khối lượng vàng dự trữ: 1.040 tấn
Tỷ lệ trong dự trữ ngoại hối: 5,3%
Thụy Sĩ là nước có dự trữ vàng trên đầu người lớn nhất thế giới. Trong Thế chiến thứ 2, quốc gia trung lập này trở thành trung tâm giao dịch vàng của châu Âu. Ngày nay, phần lớn giao dịch vàng của nước này được thực hiện với Hồng Kông và Trung Quốc.
8. Nhật Bản
Khối lượng vàng dự trữ: 765,2 tấn
Tỷ lệ trong dự trữ ngoại hối: 2,5%
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, là nước có dự trữ vàng nhiều thứ 8 thế giới. Tháng 1/2016, Nhật Bản hạ lãi suất về dưới 0%, động thái này đã thúc đẩy nhu cầu vàng trên khắp thế giới.
9. Hà Lan
Khối lượng vàng dự trữ: 612,5 tấn
Tỷ lệ trong dự trữ ngoại hối: 68,2%
Ngân hàng Trung ương Hà Lan từng tuyên bố sẽ chuyển kho vàng dự trữ từ Amsterdam tới Camp New Amsterdam - cách đó một giờ lái xe bởi cho rằng các biện pháp an ninh ở tại kho vàng hiện tại quá phiền phức.
10. Ấn Độ
Khối lượng vàng dự trữ: 560,3 tấn
Tỷ lệ trong dự trữ ngoại hối: 5,5%
Không ngạc nhiên khi Ấn Độ nằm trong top . Quốc gia châu Á với 1,25 tỷ dân này là nước tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới. Vào các lễ hội và mùa cưới tại Ấn Độ, kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12, nhu cầu vàng tăng mạnh.
VnEconomy