MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 nước NATO cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga: "Anh cả" Mỹ cản hay ủng hộ?

30-05-2024 - 13:27 PM | Tài chính quốc tế

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg giải thích rằng đây là "hành động tự vệ" nhằm đáp trả những bước tiến của quân đội Nga ở hướng Kharkov trong thời gian gần đây.

Các nước NATO mâu thuẫn vì Ukraine

Hãng thông tấn TASS (Nga) ngày 29/5 cho biết, trang thông tin Liga Novosti (Ukraine) tiết lộ 10 nước NATO gồm Anh, Latvia, Litva, Hà Lan, Ba Lan, Phần Lan, Pháp, Cộng hòa Séc, Thụy Điển và Estonia sẵn sàng cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công vào sâu lãnh thổ Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp.

Cố vấn của văn phòng Tổng thống Ukraine Sergey Leshchenko cũng xác nhận trên tài khoản Telegram cá nhân về việc 10 nước cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, theo truyền thông Ukraine, Mỹ - thành viên trụ cột của NATO - lại phản đối động thái này.

10 nước NATO cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga:

Mỹ và các nước phương Tây tăng cường gửi vũ khí cho Ukraine. Ảnh: Reuters

Theo TASS, Điều phối viên Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 28/5 cho biết lập trường của Washington về việc không chấp nhận sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công lãnh thổ Nga vẫn không thay đổi.

"Không có thay đổi nào trong chính sách của chúng tôi. Chúng tôi không khuyến khích, cũng như không cho phép các cuộc tấn công bằng vũ khí của Mỹ trên đất Nga", ông đồng thời cho biết thêm rằng hình thức hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine "đã phát triển phù hợp khi điều kiện chiến trường thay đổi".

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Economist mới đây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đề nghị các đồng minh NATO nên xem xét vấn đề liệu Ukraine có thể sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để thực hiện các cuộc tấn công vào các cơ sở quân sự nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga hay không.

Hiện các nước phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine đang bị chia rẽ về những hạn chế trong việc sử dụng loại vũ khí này.

Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder, Mỹ phản đối việc sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất bên ngoài Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhiều lần nhấn mạnh rằng ông phản đối việc cung cấp cho Kiev tên lửa hành trình tầm xa Taurus vì điều này đồng nghĩa với việc đưa quân Đức đến thực địa để kiểm soát việc sử dụng chúng. Theo lời ông, đây là ranh giới đỏ mà ông không muốn vượt qua.

Khả năng tấn công vào lãnh thổ Nga

Ngày 28/5, trong chuyến thăm Đức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi cho phép Ukraine tấn công các cơ sở quân sự trên lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây.

Tuy nhiên, theo lời ông, vũ khí do phương Tây cung cấp có thể được sử dụng để nhắm tới các cơ sở phóng tên lửa vào Ukraine nhưng không được sử dụng để tấn công các cơ sở dân sự và cơ sở quân sự không tham gia vào xung đột.

Tại Hội đồng Nghị viện NATO mới đây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg giải thích rằng đây là "hành động tự vệ" nhằm đáp trả những bước tiến của quân đội Nga ở hướng Kharkov trong thời gian gần đây.

Hôm 28/5, đáp trả lại động thái của NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng, đại diện của các nước NATO "nên nhận thức được họ đang chơi trò gì".

"Các đại diện của NATO, đặc biệt là ở châu Âu, nên nhận thức được họ đang chơi trò gì. Họ nên nhớ rằng họ thường là quốc gia có lãnh thổ nhỏ và dân số đông đúc. Đó là yếu tố họ nên cân nhắc trước khi tấn công sâu vào lãnh thổ Nga", ông Putin nói.

Theo ông, Nga đang theo dõi chặt chẽ vấn đề này.

Theo An An

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên