10 phát ngôn truyền cảm hứng của các startup Việt đình đám
Khởi nghiệp là một hành trình thú vị nhưng không dễ dàng. Đôi khi phát ngôn từ những người khởi nghiệp thành công hay thất bại đều mang lại nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều bạn trẻ khác.
- 11-12-2016Phát ngôn ấn tượng trong tuần: Vụ Trịnh Xuân Thanh không thể “chìm xuồng”
- 09-12-2016Những phát ngôn nổi bật của Chủ tịch TP.HCM trả lời chất vấn tại HĐND
- 20-11-2016Phát ngôn ấn tượng nhất tuần: "Có thể phạt 2 thẻ vàng bằng 1 thẻ đỏ, hay rút thẻ đỏ phạt luôn!"
1. Trần Việt Hùng – CEO Gotit
Trần Việt Hùng - CEO Gotit một ứng dụng giáo dục đã gọi được vốn lên tới 9 triệu USD và nằm trong top 2 mảng giáo dục trên App Store Mỹ. Anh chia sẻ, khi nói chuyện với các bạn có ý tưởng khởi nghiệp, rất nhiều bạn có ý tưởng hay. Tuy nhiên, theo Hùng: “Ý tưởng không biến được thành sản phẩm dịch vụ thì ý tưởng đó không có giá trị gì”. Và hơn thế nữa, đa số các bạn trẻ khi lên được một ý tưởng bắt tay vào làm ngay nhưng làm xong lại không ai dùng, Hùng cho rằng: “Một sản phẩm tốt, rất hay, nhưng không có người dùng tức là sản phẩm không có giá trị thị trường”.
Anh nhấn mạnh: “Startup không phải lúc nào cũng dễ dàng, cool và hào nhoáng như nhiều người tưởng tượng”. Đặt ra một thực tế, ngay tại Silicon Valley, vẫn có 9/10 startup chết một năm. Chúng ta có sẵn sàng đối mặt với việc đó hay không?
2. Hùng Đinh - Design Bold
Hùng Đinh, CEO JoomlArt – cha đẻ của DesigBold - ứng dụng đang gây “bão” trong cộng đồng thiết kế Việt Nam và thế giới. Ít ai biết người sáng lập DesigBold cũng từng trải qua hai lần thất bại trước khi có thành công hôm nay. Tuy nhiên, anh cho rằng đó chỉ là “những mất mát nho nhỏ”. Đối với Hùng Đinh, tất cả thất bại chỉ càng làm mong muốn hoàn thiện sản phẩm trở nên lớn hơn. “Thất bại lần một thì khởi nghiệp lần hai, lần ba… có sao đâu. Với tôi, sau hai lần khởi nghiệp trước thì chẳng còn gì để lo sợ nữa mà rất lạc quan bởi đến cuối đời có lẽ tôi chỉ hối hận những điều mình chưa làm thôi”.
Với anh khách hàng chính là nhà đầu tư quan trọng nhất. Tìm kiếm nguồn vốn cho startup của mình không phải một cách chứng minh sự thành công của nó mà đơn giản chỉ là việc tìm kiếm nhiên liệu để startup tiếp tục chạy tiếp.
3. Đào Chi Anh – The Kafe
Đào Chi Anh là founder The Kafe, chuỗi cửa hàng cafe đô thị phục vụ ẩm thực fusion (phong cách lai Âu Á) đầu tiên tại Việt Nam. Cô đã làm việc ở The Kafe với tư cách một CEO được ba năm và chỉ một năm sau khi gọi vốn 5,5 triệu USD đã phải tuyên bố rời khỏi vị trí CEO The Kafe.
Chia sẻ sau thất bại của mình, điều mà cô muốn chia sẻ nhất chính là vấn đề đàm phán với nhà đầu tư: “Nếu được quay lại, tôi sẽ mạnh mẽ hơn trong lúc đàm phán với nhà đầu tư, quyết liệt hơn trong việc chấp nhận hay không chấp nhận chỉ tiêu họ áp đặt cho mình” và đưa ra lời khuyên “nên chọn nhà đầu tư tử tế”. Lựa chọn nhà đầu tư là hết sức quan trọng “những người tử tế thì không thay đổi, những người như thế khi làm cùng với bạn thì họ sẽ giữ đúng thái độ, sự ủng hộ của họ sẽ không thay đổi”.
4. Nguyễn Hoàng Trung - Lozi
Nguyễn Hoàng Trung, nhà sáng lập Lozi - ứng dụng tìm món ăn Việt, Startup này đã gọi vốn thành công khi thu được hơn 1 triệu USD, từ Golden Gate Ventures và Tập đoàn DesignOne Japan.
Cha đẻ của Lozi quan niệm rằng: “khởi nghiệp là một cuộc hành trình mà bạn sẽ liên tục thử thách mình với những khó khăn khác nhau. Và chắc chắn, trước khi tìm được con đường đúng nhất, bạn sẽ gặp hết thất bại này đến thất bại khác. Thế nhưng, không nghĩ, không sợ thất bại thì bạn sẽ chẳng bao giờ phải lo lắng”. Ngoài ra, CEO này còn cho rằng: “Đối với một người khởi nghiệp cần nhất là không biết nhiều, biết nhiều quá đôi khi lại phân vân, không dám dấn thân”.
5. Nguyễn Minh Thảo – Umbala
Nguyễn Minh Thảo – người quản lý và sáng lập Umbala Labs. Anh đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ chập chững khởi nghiệp là hãy “im lặng làm việc”. Phủ nhận quan điểm của TGĐ Google khi sang Việt Nam: “Các bạn hãy làm việc thật tốt trên thị trường Việt Nam rồi tới thị trường thế giới”, theo anh: “Đã khởi nghiệp đừng nghĩ chúng ta chỉ khởi nghiệp ở Việt Nam mà hãy trở thành những người khởi nghiệp của thế giới”. Các nhà đầu tư quan tâm bạn ảnh hưởng như thế nào đến thế giới, khi có xuất phát điểm hãy làm ảnh hưởng đến một phần thế giới như các nước đang phát triển khác như Ấn Độ, Brazil,…
Anh cũng chia sẻ quan điểm của mình: “Nếu giỏi đừng tới Google, Facebook”. Đi từ những cuộc nói chuyện với những người Việt làm cho Google và đưa ra nhận xét họ không giỏi như những gì bạn nghĩ, họ chỉ là những ốc vít trong bộ máy quá to và xử lý những công việc rất bình thường.
6. Đào Xuân Hoàng – Monkey Junior
Đào Xuân Hoàng – CEO Monkey Junior (ứng dụng học tiếng Anh cho trẻ em) chia sẻ, một trong những nguyên nhân thất bại của dự án startup là họ chưa thực sự hiểu sản phẩm của mình, “họ có đam mê nhưng không có trải nghiệm”. Anh cho rằng: “Quan trọng nhất phải là chất lượng sản phẩm của mình, phải làm cho người dùng hài lòng chứ không phải dùng người nổi tiếng để lấy danh”. Khi nói về thành công của mình anh chia sẻ: “Tôi nghĩ thành quả của mình có được ngày hôm nay là nhờ đam mê và tâm huyết”.
7. Lê Đắc Lâm - Vn Trip
Năm 2014, Lê Đắc Lâm chính thức khởi động dự án Vntrip. Dịch vụ đặt phòng khách sạn trực tuyến này vừa gọi vốn thành công 3 triệu USD cho biết, về lâu dài, mục tiêu phải là số 1, dù con đường phát triển trên thị trường chắc chắn không đơn giản. Anh nhấn mạnh: “Muốn là số một phải khôn hơn, cần cù hơn”.
CEO này cho rằng: “Nói chung, cái gì mình cũng phải làm tốt hơn người ta. Nếu cạnh tranh với người mạnh thì mình phải khôn hơn họ, với người khôn thì mình phải cần cù hơn. Có như vậy may ra mới có thể trở thành số một”.
8. Đặng Hoàng Minh – Foody
Đặng Hoàng Minh – CEO Foody đã đưa ra quan điểm của mình: kinh nghiệm không được dạy ở trường học nhưng lại có thể thu thập được tại một doanh nghiệp thực tế và anh cho rằng “Google là giáo sư tốt nhất của tôi”.
9. Trần Ngọc Thái Sơn – Tiki
Trần Ngọc Thái Sơn – nhà sáng lập Tiki, từ “nhà sách online” hiện tại đã phát triển với khoảng 300.000 loại mặt hàng. Anh là một trong 4 doanh nhân Việt Nam vinh dự góp mặt trong SPARK 40.
Chia sẻ về sự sống còn của một startup anh nói: “Thiếu thốn cả về vật chất, kinh tế, đối tác, cộng sự, nhưng phải vượt qua bằng niềm tin, sự lạc quan, tầm nhìn thị trường cộng với sự mong muốn mang lại lợi ích lớn bền vững cho người dùng”.
CEO này cho rằng thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn chưa phát triển đúng với quy mô của thị trường nên vẫn còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trẻ. Anh khẳng định: “Người trẻ hiện nay nhìn cơ hội rất khác thế hệ trước, chúng tôi có lợi thế thời gian nên sẵn sàng khởi nghiệp, sẵn sàng chấp nhận thất bại rồi đứng lên đi tiếp”.
10. Phạm Thành Đức – MoMo
Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc M_Service, sở hữu ví điện tử MoMo – là đơn vị đang gây chú ý lớn của thị trường với thương vụ nhận khoản đầu tư trị giá 28 triệu USD từ Standar Chartered Private Equity (SCPE) và ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs (GS).
Nhận đình về sự bùng nổ của Startup Việt, Phạm Thành Đức cho rằng: “Chúng ta cần động viên tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ, ai cũng cần có ước mơ để tiến hóa, vươn lên. Tuy nhiên, ở Việt nam sẽ không có “giấc mơ Mỹ”. Để thành công cần phải hội tụ đủ các yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Bên cạnh đó, khi chia sẻ về quá trình vận động đầu tư Đức cũng nhấn mạnh 3 yếu tố: tiềm năng thị trường, việc tiếp tục hoàn thiện và đội ngũ điều hành có tầm nhìn, kinh nghiệm, nhiệt huyết, có khả năng thực hiện hóa các chiến lược kinh doanh.