MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất năm 2021 khiến 170 tỷ USD bị xóa sổ như thế nào?

28-12-2021 - 10:42 AM | Tài chính quốc tế

10 thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất năm 2021 khiến 170 tỷ USD bị xóa sổ như thế nào?

Một nghiên cứu mới được công bố cho thấy 10 thảm họa thiên nhiên có sức tàn phá lớn nhất năm 2021 đã khiến 170 tỷ USD bị xóa sổ và đây mới chỉ là con số được thống kê qua các tài sản được bảo hiểm, phần nổi của tảng băng chìm.

Bão Ida, một cơn bão nhiệt đới đổ bộ vào miền đông nước Mỹ hồi tháng 8, đã khiến 95 người thiệt mạng và tạo ra tổn thất kinh tế 65 tỷ USD. Một tháng trước đó, lũ lụt ở châu Âu khiến 240 người chết cùng thiệt hại kinh tế 43 tỷ USD. Lỹ lụt ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc hồi tháng 7 cũng đã làm hơn 300 người chết và thiệt hại 17 tỷ USD.

Nghiên cứu do tổ chức từ thiện Christian Aid của Anh công bố cho thấy thiên tai đã gây ra những thiệt hại khủng khiếp. "Cái giá phải trả của biến đổi khí hậu đã tăng lên trong năm nay. Rõ ràng thế giới đang không đi đúng hướng trong việc tạo ra một hành tinh an toàn và thịnh vượng", Kat Kramer, người đứng đầu bộ phận chính sách khí hậu của Christian Aid và là tác giả của báo cáo, cho biết.

Năm 2021 là năm thứ 6 ghi nhận thiện hại của thiên tai đạt 100 tỷ USD. Toàn bộ 6 năm này đều xảy ra sau năm 2011, cho thấy môi trường của chúng ta ngày càng khắc nghiệt hơn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những con số ước tính được.

Các tác giả của báo cáo cho biết, họ dựa vào tổn thất được tính bảo hiểm để đo lường thiệt hại của các thiên tai. Điều đó đồng nghĩa rằng con số thực tế sẽ cao hơn rất nhiều. Bảo hiểm thường được mua và chia trả ở những nước giàu trong khi đó nhiều thảm họa thiên tai tồi tệ nhất của năm lại xảy ra ở những nước nghèo hơn, vốn là những đối tượng chịu tác động lớn nhất của nóng lên toàn cầu.

Cụ thể, Nam Sudan phải chịu ảnh hưởng của trận lụt khiến gần 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Trong khi đó, Đông Phi bị hạn hán tàn phá. Theo Christian Aid, những điều này làm nổi bật sự bất công trong cuộc khủng hoảng khí hậu đồng thời cảnh báo những sự kiện như vậy sẽ tiếp tục tái diễn nếu không có hành động cụ thể để cắt giảm lượng khí thải.

Mohamed Adow, giám đốc tổ chức tư vấn Power Shift Africa có trụ sở tại Kenya, cảnh báo: "Lục địa này phải gánh chịu những hậu quả chết người và thiệt hại kinh tế khủng khiếp từ biến đổi khí hậu. Hạn hán nghiêm trọng ở Đông Phi, dự kiến kéo dài đến giữa 2022, đang đẩy các cộng đồng tới mép vực".

Theo báo cáo, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đặt ra mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới mốc 1,5 độ C. Tuy nhiên, mục tiêu này sẽ không thể đạt được trừ khi các bên có hành động mạnh mẽ hơn. Theo nghiên cứu, cần phải làm nhiều hơn nữa vào năm 2022 để cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cho các quốc gia dễ bị tổn thương, bao gồm cả quỹ đối phó với thiệt hại do biến đổi khái hậu, điều đã không được đưa ra tại cuộc đàm phán khí hậu toàn cầu năm nay tại Glasgow.

Nushrat Chowdhury, cố vấn công lý khí hậu của Christian Aid ở Bangladesh, cho biết: "Thật thất vọng khi COP26 kết thúc mà không thành lập được quỹ giúp đỡ những bên đang bị thiệt hại vĩnh viễn do biến đổi khí hậu. Cho ra đời quỹ này và đưa nó vào cuộc sống phải là ưu tiên toàn cầu cho năm 2022".

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên