MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 ưu và nhược điểm của VinFast Lux A2.0 sau 3 ngày trải nghiệm với 1.000 km qua đủ mọi cung đường

09-12-2019 - 14:36 PM | Thị trường

Thế mạnh của VinFast Lux A2.0 là khả năng vận hành, trong khi tiện nghi trong xe còn bộc lộ những điểm thiếu sót.

Chặng đường từ Hà Nội tới Hà Giang trong hành trình do VinFast tổ chức cả chiều đi và về khoảng 1.000 km. Đây là chuyến đi không chỉ thử thách người cầm lái mà còn "vắt kiệt" sức những chiếc ô tô "made in Vietnam".

Chiếc xe mà chúng tôi trải nghiệm là Lux A2.0, phiên bản cao cấp nhất, đang được bán với giá gần 1,35 tỷ đồng. Chuyến đi có đủ các loại đường để thử thách những chiếc xe, như đường quốc lộ, đường hẹp, cao tốc, đèo dốc quanh co, thậm chí có cả những đoạn đường đang sửa chữa với đất đá lổn nhổn. Thời tiết khá lạnh. Nhiệt độ ban ngày dưới 10 độ C và giảm dần về chiều tối và đêm. Trong chuyến đi, chiếc Lux A2.0 bộc lộ nhiều điểm mạnh và yếu trên nhiều khía cạnh như vận hành và tiện nghi.

5 ưu điểm của Lux A2.0

1. Vận hành đầm chắc, động cơ mạnh mẽ

10 ưu và nhược điểm của VinFast Lux A2.0 sau 3 ngày trải nghiệm với 1.000 km qua đủ mọi cung đường - Ảnh 1.

Cung đèo quanh co với những khúc cua tay áo, những con dốc có độ nghiêng tới hơn 10 độ và nhiều đoạn đường đất đá đang xây dựng từ thành phố Hà Giang tới Mèo Vạc là nơi mà chiếc Lux A2.0 thể hiện rõ khả năng vận hành.

Hệ thống khung gầm BMW chắc chắn mang đến độ đầm khi chạy ở vận tốc cao và đánh lái gấp. Hệ thống treo đã được VinFast tinh chỉnh để cân bằng giữa độ êm và cứng. Bởi vậy, chiếc Lux A2.0 cho cảm giác êm ái hơn dòng xe tương đương là 5-Series của BMW.

Động cơ tăng áp 228 mã lực và mô-men xoắn 350 Nm dư sức cho chiếc Lux A2.0 vượt qua những con dốc lớn. Ở các vị trí số 2 và 3, vòng tua máy dao động 2.500-3.000 vòng/phút, chiếc xe dễ dàng leo lên dốc cao 10 độ mà không cần lấy đà. Chiếc xe có thêm chế độ sang số tay nhưng chưa cần dùng đến khi lên dốc hay vượt xe trên cao tốc.

2. Cách âm tốt

10 ưu và nhược điểm của VinFast Lux A2.0 sau 3 ngày trải nghiệm với 1.000 km qua đủ mọi cung đường - Ảnh 2.

Khả năng cách âm của Lux A2.0 tương đương các mẫu xe hạng E của Đức. Âm thanh từ gầm xe gần như không có khi đi trên đường phố và tỉnh lộ. Khi lên cao tốc với vận tốc 100 km/h, chỉ có một chút tiếng ồn từ bề mặt đường vọng vào nhưng không đáng kể. Ở các đoạn đường đá dăm và đường xấu đang xây dựng, tiếng lốp mới dội lên một chút. Khoang cabin cũng tách biệt với môi trường bên ngoài.

3. Lốp lớn, êm mà vẫn bám đường

10 ưu và nhược điểm của VinFast Lux A2.0 sau 3 ngày trải nghiệm với 1.000 km qua đủ mọi cung đường - Ảnh 3.

VinFast khá chịu chơi khi trang bị cho Lux A2.0 bộ vành 19 inch và lốp mỏng, có bề rộng lớn. Kích thước lốp trước là 245/40R19 còn lốp sau là 275/35R19. Bộ lốp hàng hiệu Continental SportContact 6 cho độ bám đường và độ phản hồi mặt đường khá tốt, trong khi đảm bảo độ yên tĩnh, hạn chế tối đa tiếng ồn. Trong điều kiện vận hành thông thường nơi phố thị, khó có thể nghe thấy tiếng lốp xe.

4. Màn hình lớn, giao diện thân thiện, dễ sử dụng

10 ưu và nhược điểm của VinFast Lux A2.0 sau 3 ngày trải nghiệm với 1.000 km qua đủ mọi cung đường - Ảnh 4.

Cả 2 chiếc màn hình, bao gồm chiếc nhỏ đặt trong cụm đồng hồ và chiếc lớn ở vị trí trung tâm đều có tiếng Việt. Giao diện đơn giản, thân thiện, dễ làm quen với người mới sử dụng. Các thông báo hiển thị to, dễ nhìn. Một người lần đầu trải nghiệm xe sẽ không hề bỡ ngỡ khi làm quen.

5. Ổ điện 230V hàng ghế sau tiện dụng

10 ưu và nhược điểm của VinFast Lux A2.0 sau 3 ngày trải nghiệm với 1.000 km qua đủ mọi cung đường - Ảnh 5.

Ổ điện xoay chiều đặt ở dưới cửa gió điều hòa sau khá thuận tiện với những ai sử dụng máy tính hoặc các thiết bị điện gia dụng khác, đặc biệt trong trường hợp cần cắm điện mà ở một nơi hoang vu, thưa thớt có nhà dân.

5 điểm thiếu sót cần khắc phục trên Lux A2.0

1. Chất lượng đèn ở mức trung bình

10 ưu và nhược điểm của VinFast Lux A2.0 sau 3 ngày trải nghiệm với 1.000 km qua đủ mọi cung đường - Ảnh 6.

Đèn LED của Lux A2.0 có góc chiếu và cường độ sáng ở mức trung bình. Chiếc xe phù hợp hơn với điều kiện sử dụng trong thành phố. Khi đi đường núi, hệ thống đèn có tầm chiếu hơi thấp và ánh sáng bị tỏa ra nhiều phía. Độ gom sáng chưa thực sự tốt.

2. Không gian nội thất chưa thực sự rộng rãi

10 ưu và nhược điểm của VinFast Lux A2.0 sau 3 ngày trải nghiệm với 1.000 km qua đủ mọi cung đường - Ảnh 7.

Thiết kế theo kiểu châu Âu nên không gian hàng ghế sau của Lux A2.0 chật hơn so với các xe Nhật và Hàn Quốc cùng phân khúc. Một người cao trên 1,8 m vẫn ngồi thoải mái, đầu không chạm trần, chân không chạm ghế trước, nhưng khoảng co duỗi chân còn hạn chế.

3. Thiếu nhớ ghế

10 ưu và nhược điểm của VinFast Lux A2.0 sau 3 ngày trải nghiệm với 1.000 km qua đủ mọi cung đường - Ảnh 8.

Chúng tôi phải đổi lái vài người trong hành trình 1.000 km. Mỗi người một vóc dáng khác nhau nên vị trí ghế cũng khác nhau. Mỗi lần đổi lái, người lái phải chỉnh lại ghế sao cho vừa vặn. Chức năng nhớ vị trí ghế đã có mặt trên nhiều mẫu xe cùng tầm giá Lux A2.0.

4. Khả năng chống lóa của màn hình chưa tốt

10 ưu và nhược điểm của VinFast Lux A2.0 sau 3 ngày trải nghiệm với 1.000 km qua đủ mọi cung đường - Ảnh 9.

Màn hình lớn dễ sử dụng khi trời râm mát và trời tối nhưng khi ra trời nắng mới bộc lộ điểm yếu. Màn hình bị lóa, khó nhìn, ngay cả khi chỉnh ở độ sáng lớn nhất. Thao tác cơ bản như điều chỉnh điều hòa và gió trở nên khó khăn khi phải sử dụng chiếc màn hình cảm ứng để điều khiển.

5. Thiếu bộ điều chỉnh cửa gió hàng ghế sau

10 ưu và nhược điểm của VinFast Lux A2.0 sau 3 ngày trải nghiệm với 1.000 km qua đủ mọi cung đường - Ảnh 10.

Cửa gió phía sau chỉ có một nấc gió và các khe đóng mở được. Gió ở phía sau không mạnh như ở cửa gió trước. Bởi vậy, trong một chiếc xe lớn như Lux A2.0, lượng gió và nhiệt độ phân bổ không đều ở hàng ghế trước và sau. Sẽ thuận tiện hơn cho người ngồi sau chiếc Lux A2.0 khi VinFast bổ sung tính năng điều chỉnh gió, tăng độ mạnh của quạt gió hoặc đổi sang loại điều hòa tự động 3 vùng độc lập.

Theo Đức Khôi

Trí thức trẻ

Trở lên trên