10 xu hướng mà nhà đầu tư nhất định phải theo dõi trong năm 2021
Rủi ro tiềm ẩn vẫn còn rất nhiều, nhất là đối với sức khỏe, sức sống của nền kinh tế và sự ổn định xã hội. Khi năm 2021 đến gần, dưới đây là mười xu hướng cần theo dõi trong năm tới.
- 17-12-2020"Cú đấm kép" từ biến đổi khí hậu, Covid-19
- 16-12-2020Gần 3,6 triệu người di cư khỏi New York trong đại dịch Covid-19
- 16-12-2020Indonesia miễn phí vaccine Covid-19 cho toàn dân, Tổng thống sẽ tiêm đầu tiên
- 16-12-2020Toàn cảnh thế giới trong năm Covid-19 thứ nhất
Con số 21 liên quan rất nhiều đến may mắn, rủi ro, việc nắm lấy cơ hội và tung xúc xắc. Đó là số điểm trên một con xúc xắc tiêu chuẩn và số shilling cần phải có để đổi được một đồng guinea, đơn vị tiền tệ sử dụng trong cá cược và đua ngựa. Đây cũng là độ tuổi tối thiểu để bạn có thể vào sòng bạc ở Mỹ.
Tất cả những điều đó dường như phù hợp một cách kỳ lạ cho một năm bất ổn và bất thường. Một giải thưởng lớn dành cho ai có thể kiểm soát đại dịch Covid-19. Nhưng trong khi đó rủi ro tiềm ẩn vẫn còn rất nhiều, nhất là đối với sức khỏe, sức sống của nền kinh tế và sự ổn định xã hội. Khi năm 2021 đến gần, dưới đây là mười xu hướng cần theo dõi trong năm tới.
1. Cuộc tranh giành vắc xin. Khi những lô vắc-xin đầu tiên sẵn sàng, trọng tâm sẽ chuyển từ những nỗ lực đáng trân trọng trong phát triển chúng sang nhiệm vụ khó khăn không kém là phân phối chúng. Ngoại giao vắc xin sẽ đi kèm với các cuộc tranh giành trong nước và giữa các quốc gia về việc ai sẽ nhận được chúng và khi nào. Còn có một viễn cảnh hoang đường có thể xảy ra: bao nhiêu người sẽ từ chối tiêm vắc xin?
2. Một sự phục hồi kinh tế hỗn tạp. Khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, sự phục hồi sẽ khá chấp vá, khi các đợt bùng phát và kiềm chế dịch ở cục bộ sẽ đến rồi đi – và trọng tâm của các chính phủ là tìm cách để giữ các công ty đang trên bờ vực phá sản nhằm giúp những người lao động đã bị mất việc làm. Khoảng cách giữa các doanh nghiệp mạnh và yếu sẽ ngày càng lớn.
3. Hàn gắn một thế giới mới đang hỗn loạn. Liệu Joe Biden, người mới thắng cử vào Nhà Trắng, sẽ có thể hàn gắn lại đến đâu một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang đổ nát? Hiệp định về khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran là những nơi rõ ràng để bắt đầu. Nhưng sự sụp đổ này đã được định hình từ trước chính quyền Donald Trump, và sẽ kéo dài tới hết cả nhiệm kỳ tổng thống của ông.
4. Thêm căng thẳng Mỹ-Trung. Đừng mong đợi ông Biden sẽ ngừng chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Thay vào đó, ông sẽ muốn hàn gắn mối quan hệ với các đồng minh để thực hiện nó hiệu quả hơn. Nhiều quốc gia từ châu Phi đến Đông Nam Á đều đang cố gắng hết sức để tránh việc phải chọn bên khi căng thẳng gia tăng.
5. Khi tiền tuyến là các doanh nghiệp. Một mặt trận khác cho xung đột Mỹ-Trung đó là các doanh nghiệp, với những ví dụ rõ ràng như Huawei và TikTok, khi hoạt động kinh doanh thậm chí còn trở thành một chiến trường địa chính trị. Ngoài áp lực từ thượng tầng, các ông chủ doanh nghiệp cũng phải đối mặt với áp lực từ bên dưới, khi nhân viên và khách hàng yêu cầu họ đưa ra lập trường cụ thể về vấn đề biến đổi khí hậu và công bằng xã hội, những điều mà các chính trị gia hầu như chưa đả động gì.
6. Sau sự tăng tốc về công nghệ. Vào năm 2020, đại dịch đã đẩy nhanh việc áp dụng nhiều biện pháp công nghệ, từ mua sắm trực tuyến đến làm việc từ xa và học từ xa. Vào năm 2021, câu trả lời cho việc những xu hướng này sẽ tiếp tục phát huy hay sẽ nhanh chóng bị loại bỏ sẽ trở nên rõ ràng hơn.
7. Một thế giới ít rộng mở hơn. Du lịch sẽ thu hẹp và thay đổi, trong đó chú trọng hơn đến du lịch nội địa. Các hãng hàng không, chuỗi khách sạn và nhà sản xuất máy bay sẽ gặp khó khăn, cũng như các trường đại học phụ thuộc nhiều vào sinh viên nước ngoài. Trao đổi văn hóa cũng sẽ bị ảnh hưởng.
8. Biến đổi khí hậu. Một điều đáng chú ý trong bối cảnh khủng hoảng là cơ hội để đưa ra hành động đối với vấn đề biến đổi khí hậu, khi các chính phủ đầu tư vào các kế hoạch phục hồi "xanh" nhằm đồng thời tạo việc làm và cắt giảm khí thải. Cam kết giảm thiểu khí thải của các nước sẽ lớn đến đâu tại hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc, hội nghị đã bị trì hoãn trong năm 2020?
9. Một năm "déjà vu". Trên nhiều khía cạnh chúng ta sẽ cảm thấy dường như năm 2020 diễn ra 1 lần nữa, khi các sự kiện bao gồm Thế vận hội, Hội chợ triển lãm Dubai và nhiều sự kiện chính trị, thể thao và thương mại khác sẽ được tổ chức sau khi bị huỷ vì Covid-19. Tuy nhiên, không phải tất cả sẽ thành công.
10. Lời cảnh tỉnh cho những rủi ro tiềm tàng khác. Các học giả và nhà phân tích, nhiều người trong số đó đã cảnh báo về nguy cơ đại dịch trong nhiều năm qua, sẽ cố gắng khai thác cơ hội hạn hẹp này để khiến các nhà hoạch định chính sách phải coi trọng những rủi ro thường được bỏ qua khác, chẳng hạn như vấn đề kháng kháng sinh và khủng bố hạt nhân, một cách nghiêm túc hơn. Hãy cùng chúc họ may mắn.
Năm tới đây hứa hẹn là một năm đặc biệt khó đoán, do những tác động của đại dịch, sự phục hồi kinh tế không đồng đều và tình hình địa chính trị còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với một năm của sự diệt vong và u ám. Vì vậy, hãy tung xúc xắc lên — và, giống như trò chơi may rủi, hoàn toàn vẫn có khả năng xảy ra những điều có lợi cho bạn.