100 tỷ USD và lý do tại sao nhà đầu tư phố Wall lại yêu thích Donald Trump đến thế
6 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ có khả năng sẽ lấy lại được 100 tỷ USD vốn hóa cho nhà đầu tư thông qua chi trả cổ tức và mua lại cổ phiếu nếu chính quyền của Trump thúc đẩy thành công đề xuất nới lỏng quy định ngân hàng.
- 06-02-2017Bất đồng về chính sách nhập cư, ông Trump dọa cắt ngân sách của California
- 06-02-2017Chân dung thẩm phán đã chặn đứng sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Trump
- 06-02-2017Tổng thống Trump: "Người Mỹ nên đổ lỗi cho hệ thống tòa án nếu có bất cứ điều gì xảy ra"
Hôm thứ 6 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã ký một bản ghi nhớ chỉ thị rà soát lại Đạo luật Dodd-Frank – một biện pháp được đưa ra nhằm giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng sản phẩm tài chính sau khủng hoảng tài chính 2007-2009. Trong một cuộc họp ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump nói rằng mục tiêu mà chính quyền của ông đang hướng đến là “giảm tải một số lượng lớn” quy định trong Đạo luật này.
Tin tức này đã làm cổ phiếu ngành ngân hàng đồng loạt xanh điểm, bồi đắp thêm đà tăng kể từ ngày bầu cử Tổng thống. Diễn biến tích cực đối với cổ phiếu ngành ngân hàng là bởi nhà đầu tư hy vọng lãi suất sẽ tăng, bớt quy định và tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh hơn.
Cổ phiếu của các ngân hàng lớn như JP Morgan Chase và Citigroup đã tăng hơn 3%, trong bối cảnh chỉ số KBW Nasdaq Bank đã tăng 2,2%. Kể từ ngày bầu cử, chỉ số này đã tăng khoảng 24%, S&P 500 tăng 7,4%.
“Từ trước đến nay, quy định quản lý hệ thống ngân hàng không phải là ưu tiên hàng đầu của chính phủ, do đó việc Trump sớm đưa ra các biện pháp là một tín hiệu tích cực”, Jason Benowitz – Giám đốc quản lý danh mục tại Roosevelt Investment Group hiện quản lý 3 tỷ USD tài sản – cho biết.
Tuy nhiên, tương đương với khoản hồi vốn mà các cổ đông sẽ nhận được trong ngắn hạn là rủi ro mà ngành ngân hàng có thể gây ra. Lấy ví dụ thời điểm trước khi có khủng hoảng tài chính, việc các ngân hàng lớn chi trả cổ tức và mua lại cổ phiếu nhiều hơn khoản lợi nhuận thường niên là điều rất bình thường. Đây cũng chính là nguyên nhân đẩy Citigroup và nhiều ngân hàng lớn khác lâm vào cảnh rối ren về tài chính và phải nhận cứu trợ từ chính phủ.
Không rõ là Tổng thống Donald Trump sẽ cắt giảm quy định nào, nhưng nhà đầu tư đang mong chờ yêu cầu về hàng tỷ USD tiền vốn - mà các ngân hàng buộc phải duy trì như là khoản đệm cho những cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai - sẽ bị bãi bỏ.
Giới chức ngân hàng lập luận rằng khoản đệm này đã vượt quá con số cần thiết để bù lỗ. Nhiều nhà đầu tư coi đó là khoản vốn kẹt bởi các ngân hàng bị “bài kiểm tra sức khỏe” thường niên của Fed làm giới hạn khả năng hoàn vốn cho cổ đông.
Khối lượng vốn dự trữ mà 6 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đang nắm giữ đã vượt quá số lượng mà giới chức yêu cầu là 101,57 tỷ USD, thông tin từ RBC Capital Markets cho biết. Các nhà phân tích Morgan Stanley ước tính con số này có thể lên tới khoảng 120 tỷ USD đối với 18 ngân hàng lớn nhất.
Cũng theo RBC, Citigroup có lượng vốn thặng dư nhiều nhất là khoảng 27 tỷ USD, JP Morgan có 20 tỷ USD còn Wells Fargo có 16 tỷ USD.
“Giảm tải quy định có thể là động lực tốt cho ngành ngân hàng trên phương diện hiệu quả vốn và chi phí quản lý", Conor Muldoon - giám đốc danh mục cơ bản tại Causeway Capital Management hiện quản lý 44 tỷ USD tài sản trên toàn cầu - nhận định. Cổ phiếu của Citigroup hiện đang chiếm tỷ trọng nắm giữ nhiều nhất trong quỹ Global Value của công ty này và tiềm năng hoàn vốn chính là lý do chính.
Khả năng hoàn vốn một phần hoặc toàn bộ sẽ là một ân huệ đối với các ngân hàng cũng như nhà đầu tư cổ phiếu ngân hàng bởi một vài lý do sau đây. Thứ nhất, các ngân hàng sẽ được hoàn vốn thông qua chi trả cổ tức hoặc mua lại cổ phiếu với giá cao hơn. Thứ hai, bằng cách giảm số lượng cổ phiếu lưu hành, EPS của các ngân hàng sẽ tăng, dẫn đến đẩy giá cổ phiếu.
Nhóm phân tích của Goldman Sachs tính toán mặt bằng chung các ngân hàng lớn của Mỹ có thể đẩy EPS năm 2018 lên 13% nếu vốn thặng dư được hoàn trả cho cổ đông thông qua mua lại cổ phần. Hơn nữa, giảm vốn dự trữ có thể đẩy ROE tăng.
Vài năm gần đây, nhiều ngân hàng lớn đều vật lộn trong việc báo cáo khoản lợi nhuận vượt chi phí quỹ danh nghĩa hay nói cách khác là chi phí sử dụng quỹ - khoảng 10%. Nguyên nhân là do môi trường lãi suất siêu thấp, tốc độ tăng doanh thu chậm, hoạt động giao dịch buồn tẻ và vốn cơ sở cao.
Quy định vốn dự trữ không được đưa ra cụ thể trong Đạo luật Dodd-Frank, nhưng lại được thiết lập bởi Fed và các nhà chức trách - cũng nằm trong chỉ đạo của hiệp định ngân hàng quốc tế.
Trong khi chính quyền Trump không thể trực tiếp làm thay đổi quy định này, họ có thể gây ảnh hưởng đối với những "bài kiểm tra sức khỏe" của Fed, thông qua quyết định bổ nhiệm nhân sự cấp cao. Trong khi đó, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa sẽ hối thúc Fed trì hoãn tư cách thành viên trong các cuộc thảo luận ngân hàng toàn cầu.