106 năm trôi qua từ ngày tàu Titanic chìm xuống, những câu chuyện về tình yêu và tình người vẫn khiến người người thổn thức
Titanic chìm xuống vào đêm 14/4/1912 mang theo hàng ngàn mạng sống ẩn vào lòng đại dương thăm thẳm. Thế nhưng trong khoảnh khắc ranh giới giữa sự sống và cái chết, người ta nhận ra "nước biển dù nhiều hơn nữa cũng không thể nhấn chìm được tình yêu", và tình người!
- 02-08-2017Giấu kín nửa đời người, cuối cùng thuyền phó tàu Titanic cũng tiết lộ bí mật chưa ai biết!
Ngày 10/04/1912, con tàu hơi nước lớn thứ hai trong lịch sử với tên gọi Titanic nhổ neo cho chuyến hải trình đầu tiên. Nó được dự định sẽ rẽ sóng từ cảng Southampton của Anh, vượt qua biển Đại Tây Dương để đến với thành phố phồn hoa New York, Mỹ. Nhưng Titanic đã không thể hoàn thành sứ mệnh của mình khi va phải một tảng băng khổng lồ. Mang theo hàng ngàn hành khách, con tàu mãi mãi nằm lại dưới lòng đại dương lạnh lẽo.
85 năm sau vụ tai nạn thương tâm, vào năm 1997, đạo diễn người Mỹ James Cameron quyết định tái hiện lại câu chuyện về Titanic trên màn ảnh nhỏ, và đây là lúc cả thế giới vỡ òa với câu chuyện tình buồn của Jack và Rose - cặp đôi được mệnh danh là "Romeo và Juliet" của thời hiện đại.
Đã hơn 20 năm kể từ khi chính thức ra đời, Titanic đến nay vẫn mãi là bộ phim "ai xem cũng khóc".
Người ta khóc thương cho số mệnh trớ trêu ngăn cách cô tiểu thư Rose không đến được với chàng họa sĩ nghèo vật chất nhưng giàu tình cảm Jack. Thế nhưng, nhiều người không biết rằng con tàu Titanic ngoài đời thật không chỉ là câu chuyện về tình yêu, mà nó còn chứa đựng nhiều sắc thái tình cảm hơn thế: là tình cha con, tình đồng đội, là người thuyền trưởng quyết không rời vị trí, là những người đàn ông hi sinh tính mạng để con thuyền cứu hộ có thêm chỗ cho phụ nữ và trẻ em... Tựu chung lại, nó được gọi tên là tình người. Để rồi khi nhìn lại, người ta nhận ra một lý lẽ bất diệt: Trong thảm họa, tình người còn quý hơn sự sống!
Ban nhạc 8 người và bản nhạc tiễn đưa đến cổng thiên đường
Không biết có mấy người còn nhớ đến chi tiết này trong phim, khi con tàu đang trên đà chìm xuống, giữa những tiếng thét thất thanh hoảng loạn, người ta vẫn nghe văng vẳng tiếng đàn du dương. Sở dĩ có tiếng nhạc ấy là do giữa dòng người chen chúc nhau, ban nhạc gồm 8 nhạc công vẫn quyết ở lại boong tàu để kéo khúc nhạc cuối cuộc đời mình. 8 con người ấy là 8 vị nhạc công có thật đã mãi nằm lại trên con tàu Titanic năm xưa.
Wallace Hartley được biết đến là vị nhạc trưởng đã chỉ huy ban nhạc này vào những phút cuối cùng, thế nhưng sự thật họ không phải một nhóm ngay từ đầu. Đây vốn là 2 đội hoạt động riêng biệt và biểu diễn âm nhạc ở từng thời điểm, địa điểm khác nhau. Đội 5 người của Wallace Hartley trình diễn vào các buổi uống trà và tiệc tối, lễ Chủ Nhật. Ngoài ra có 3 nghệ sĩ chuyên chơi violin, cello và piano sẽ chơi nhạc tại phòng tiếp đón bên ngoài nhà hàng A la Carte và quán cà phê Parisien.
Phải mãi tới phút giây khi thảm họa kinh hoàng xảy ra mới là khoảnh khắc đầu tiên 8 người họ biểu diễn chung với nhau. Những cái tên Wallace Hartley, Roger Marie Bricoux, John Wesley Woodward, John Frederick Preston Clarke, Georges Alexandre Krins, Theodore Ronald Brailey, John Law Hume và Percy Cornelius Taylor đã vĩnh viễn đi vào lịch sử trong đêm 14/4 khi họ chơi nhạc cho tới phút chót cùng con tàu xấu số.
Lý do ban nhạc biểu diễn đến phút cuối cùng vẫn còn là bí ẩn, toàn bộ 8 người trong ban nhạc đã chìm xuống cùng tàu Titanic, chúng ta không thể hỏi bất cứ ai trong số họ về lý do họ chơi nhạc vào cái đêm định mệnh ấy. Có giả thuyết cho rằng họ làm vậy vì phục tùng theo mệnh lệnh của thuyền trưởng. Tuy nhiên, theo những nghiên cứu, ban nhạc vốn không được thuê bởi hãng đường biển White Star Line’s mà được thuê bởi Black of Liverpool, một trong những hãng phân phối lao động thời bấy giờ. Do đó, thuyền trưởng chỉ có khả năng yêu cầu chứ không có khả năng ra lệnh cho ban nhạc vào thời khắc nguy kịch ấy. Dù cho lý do là gì, cũng không thể quan trọng bằng việc họ đã hy sinh tính mạng của mình để nhường chỗ cho người khác.
Người ta cho rằng, bản nhạc cuối cùng mà ban nhạc đánh, "Nearer, My God, to Thee" (tạm dịch "Càng gần Chúa hơn"), chính là khúc nhạc tiễn đưa những hành khách xấu số và cả chính bản thân họ về với thiên đường.
Có một điều đáng buồn mà mãi sau này người ta mới phát hiện ra, đó là trên thuyền cứu hộ có chỗ cho 3 chú chó của những hành khách thuộc khoang hạng nhất, thế nhưng ban nhạc của Hartley cùng rất nhiều số phận khác lại chẳng có cơ hội đặt chân lên đó.
Cô nhi Titanic - sự bất diệt của tình phụ tử
"Cô nhi Titanic" là bức ảnh chụp lại chân dung của Edmon cùng Michel, hai con của doanh nhân người Pháp may mắn sống sót sau tai nạn.
Trên con tàu mang tên Titanic năm ấy, có một doanh nhân người Pháp tên là Navratil đã dùng những nỗ lực cuối cùng để đưa 2 con của mình lên thuyền cứu sinh và nhờ người trên đó chăm sóc chúng, còn bản thân thì ngồi lại nơi boong tàu.
Michel, Edmond và cha mình là ông Navratil là những hành khách trên khoang hạng nhì đã lên tàu Titanic tại Southampton, Anh vào ngày 10/4/1912. Trong chuyến đi, ông Navratil lấy tên là Louis M.Hoffman, còn các con ông được đặt vé dưới tên là Lolo và Momon.
Sau khi Titanic va chạm với tảng băng trôi lúc 11h40 tối ngày 14/4/1912, dưới sự hỗn loạn khủng khiếp đang diễn ra, ông Navratil đã dùng tất cả sức lực của mình để đưa được hai đứa con bé bỏng xuống chiếc xuồng cứu sinh cuối cùng rời khỏi con tàu.
Michel, dù lúc đó chưa quá 4 tuổi, nhưng vẫn còn nhớ loáng thoáng được lời cha nói trước lúc sinh ly tử biệt: "Con yêu, khi mẹ đến đón các con, hãy chuyển lời này đến mẹ, rằng cha yêu mẹ rất nhiều và sẽ luôn như thế. Và chúng ta sẽ đoàn tụ cùng nhau tại một thế giới mới, một thế giới chỉ có sự yên bình và tự tại". Đó là lời cuối cùng Navratil nói với các con mình, thân thể ông chìm dần xuống biển và sau đó được tàu cứu hộ Mackay Bennett tìm thấy.
Vì Michel và Edmond chỉ mới biết đi và không nói được tiếng Anh nên các nhân viên cứu hộ gọi họ là "trẻ mồ côi Titanic". Một hành khách khoang hạng nhất tên là Margeret Hays đã chăm sóc Michel và Edmond tại nhà cho đến khi mẹ các em biết được tin nhờ bức ảnh "Cô nhi Titanic" được đăng trên báo. Bà đã đi thuyền đến New York và đoàn tụ với 2 con vào ngày 16/5/1912. Sau đó, cả ba quay về Pháp trên tàu Oceanic.
Đến mãi sau này, khi người ta phỏng vấn Michel, ông đã nói như sau:
"Hai anh em tôi là những người sau cùng xuống xuồng cứu hộ và được đặt ngồi cạnh con gái của một vị chủ ngân hàng Mỹ, người cố gắng xoay sở để cứu con chó của mình và không ai phản đối. Tôi nhận ra rằng, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo là quá lớn. Và nếu như không thuộc khoang hạng nhì, có lẽ chúng tôi cũng đã chết. Nhưng dù gì đi nữa, tôi không hề nhớ về sự hoang mang cũng như nỗi sợ hãi trong lúc con tàu bị chìm, mà chỉ nhớ về những kỷ niệm khi anh em chúng tôi được vui đùa bên cạnh cha".
Thuyền trưởng Edward John Smith: có chết cũng không từ bỏ nhiệm vụ lèo lái
Edward John Smith (27/1/1850-15/4/1912) là vị thuyền trưởng đã điều hành con tàu xấu số RMS Titanic.
Vào sáng ngày xảy ra thảm họa, tàu Titanic liên tục nhận được những cảnh báo về việc có băng trôi từ những chuyến tàu khác trong khu vực. Và cũng chính đêm hôm đó, chiếc Titanic đã đâm vào một tảng băng trôi và chìm xuống đáy Đại Tây Dương, khiến hơn 1500 hành khách thiệt mạng trong làn nước lạnh buốt.
Trong hồi ức của Charles Lightoller, thuyền phó và cũng là người có chức vụ cao nhất trong đội ngũ thuyền viên may mắn còn sống sót, vào 2h sáng ngày xảy ra tai nạn, thuyền trưởng Edward liên tục nhận được điện báo thúc giục ông rời tàu và chạy trốn. Nhưng thay vì làm như vậy, vị thuyền trưởng ấy vẫn bình tĩnh ngồi trong khoang điều khiển, không ngừng nhấn nút điện báo phát đi thông điệp "SOS" và giữ nguyên tư thế ấy cho đến phút cuối cùng.
Có nhiều thông tin cho rằng, số người thiệt mạng của vụ đắm tàu Titanic cao đến vậy là do thuyền trưởng Edward đã không thể điều phối được các nỗ lực sơ tán trong quá trình di tản xuống xuồng cứu hộ. Thêm vào đó, ông bị đánh giá là không biết cách ra lệnh rõ ràng khi một giờ sau vụ va chạm, thuyền phó thứ tư Joseph Boxhall vẫn không biết rằng con tàu sẽ chìm.
Bất chấp những nhận định này, không thể nào phủ nhận sự thật rằng thuyền trưởng Edward đã làm tròn nhiệm vụ của người thuyền trưởng khi quyết cố thủ tại con tàu đến tận phút cuối cùng. Ông không từ bỏ nhiệm vụ lèo lái của mình và chấp nhận hy sinh dù nếu muốn, ông có thể là người đầu tiên có suất trên thuyền cứu hộ.
Vị tỷ phú giàu nhất thế giới: giàu có cả về vật chất lẫn tình người!
Trong những thập kỷ đầu năm 1900, Astor đệ tứ (John Jacob Astor IV) đã liên tục giữ danh hiệu người giàu nhất thế giới. Người ta ước tính rằng, tài sản của Astor thậm chí còn đủ mua được tới 10 chiếc tàu Titanic.
Khi nghe thông tin về chuyến hành trình của Titanic, ông đã không ngần ngại chi một khoản tiền khổng lồ để đưa vợ mình đi nghỉ trên con tàu sang trọng ấy mà không biết rằng bi kịch đang chờ họ ngay trước mắt…
Trong đêm Titanic gặp nạn, ở vào khoảnh khắc những chiếc thuyền cứu sinh được thả xuống, Astor đã đưa người vợ mang thai 5 tháng của mình lên thuyền. Thế nhưng ngỡ ngàng thay, ông chẳng hề bước xuống cùng vợ mà chỉ đứng lại trên boong tàu cùng chú chó trung thành bên cạnh. Khi con tàu dần chìm xuống cũng là lúc Astor châm một điếu xì gà, nhìn chiếc thuyền cứu hộ cuối cùng đang dần khuất xa và nói lớn: "Anh yêu em!"
Với quyền lực và số tài sản của mình, Astor từng được Phó thuyền trưởng Charles đặc biệt dành một vị trí trên chiếc thuyền cứu sinh đầu tiên. Nhưng ông đã cự tuyết một cách cương quyết và nói: "Đây chính là giải pháp mà tôi thấy hợp lý nhất". Sau đó, người đàn ông giàu nhất thế giới ấy đã đem tặng vị trí của mình cho một bé gái người Ireland.
Vài ngày sau tai nạn, vào một buổi sáng sớm ở Bắc Đại Tây Dương, đội cứu hộ đã phát hiện ra thi thể của Astor đệ tứ. Khi đó, một phần đầu của ông thậm chí đã biến dạng vì bị ống khói của con thuyền đè vào…
Astor đệ tứ là tấm gương vĩ đại cho việc: Người ta hoàn toàn có thể giàu có cả về vật chất lẫn tình người!
Tạm kết
Tàu Titanic thật sự đã nằm sâu dưới đáy biển nhưng với những câu chuyện bất diệt về tình người còn đọng lại với thời gian, đây là con tàu không-thể-đắm trong lòng người ở lại.
Nói về sự hy sinh của những người đàn ông vĩ đại trên con tàu định mệnh, người đại diện công ty vận tải biển White Star Line đã phát biểu trước báo chí: "Không có bất kỳ luật lệ nào ép buộc những người đàn ông phải phải dành ra những hy sinh lớn như vậy. Hành động của họ xuất phát từ sự kiên định mà phái mạnh dành để bảo vệ phái yếu. Đó chính là lựa chọn của họ".
Khi đuôi con tàu bắt đầu chìm xuống nước, ở vào giây phút sinh ly tử biệt, câu nói người ta hét lên trong thảng thốt không phải là tiếng kêu cứu mà là thông điệp ngắn ngủi nhưng ý nghĩa: "I love you".
Có lẽ, "nước biển dù nhiều hơn nữa cũng không thể nhấn chìm được tình yêu", và tình người!
Helino