11 doanh nhân U30 Malaysia chiếm giữ 1/3 “bảng phong thần” của Forbes hé lộ điều gì về thành quả kinh bang tế thế của vị Thủ tướng 93 tuổi nước này?
Trong “bảng phong thần” 30 Under 30 Asia của Forbes, Malaysia đã chiếm hơn 1/3 danh sách với 11 doanh nhân trẻ đến từ các lĩnh vực công nghệ. Nhìn hiện tượng Malaysia trên tạp chí Forbes năm nay, ít ai có thể tin rằng đó là thành quả của sự chuẩn bị từ ba thập kỷ trước…
- 04-04-2019Malaysia: Cựu Thủ tướng Najib Razak bác bỏ mọi cáo buộc tại tòa
- 03-04-2019Cựu Thủ tướng Malaysia đối mặt 42 cáo buộc trong bê bối 1MDB
- 18-03-2019Hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines đối diện nguy cơ bị đóng cửa
Hệ sinh thái khởi nghiệp ươm mầm tinh anh
Với 11 cái tên tỏa sáng trên danh sách "30 Under 30", Malaysia đã chiếm thế thượng phong toàn châu Á về đội ngũ startup năng động, sáng tạo và thành công.
Theo Báo cáo Hệ sinh thái Khởi nghiệp Toàn cầu năm (GSER) 2018, điểm số trung bình cho kiến thức về lý thuyết và thực hành của các doanh chủ khởi nghiệp Malaysia là 6.5 và 6.9, đạt mức cao thứ nhất trong khu vực Đông Nam Á, vượt cả Singapore (lần lượt là 4.9 và 5.3).
Tố chất kinh doanh của người Malaysia kết hợp với nền tảng tri thức tiên tiến giúp họ biến đất nước thành một thủ đô khởi nghiệp của toàn Đông Nam Á với hơn 1,1 triệu doanh nghiệp startup và hơn 9.700 nhà đầu tư.
GSER 2018 còn cho thấy ngành công nghiệp khởi nghiệp của Malaysia tập trung vào 3 mũi nhọn chính là Dữ liệu lớn và phân tích (Big Data & Analytics), Kỹ thuật y tế (Healthtech), Đô thị thông minh (Smart Cities).
Tổng đầu tư cho các dự án khởi nghiệp thuộc ba lĩnh vực trên đã tăng từ 700 triệu USD (2006) lên 2 tỷ USD (2018). Con số này tiếp tục tăng tiến theo từng quý và hàng năm.
Khảo sát sự nghiệp của 11 doanh chủ tinh anh Malaysia trên Forbes, có thể thấy những gương mặt khởi nghiệp thành công của Chris Khristie và Michelle Tan trong lĩnh vực truyền thông số (hãng INFLUASIA) và Bobby Ong cùng TM Lee sáng lập các dự án phân tích dữ liệu tiền ảo...
Tuy nhiên, ngoài những ngành thế mạnh, nhiều sáng kiến kinh doanh khác còn góp phần giải quyết các vấn đề vi mô của nền kinh tế nước này.
Điển hình như Jin Xi Cheong xây dựng công ty Poladrone chuyên cung cấp thiết bị bay không người lái để hỗ trợ sản xuất trên các cánh đồng cọ dầu Malaysia. Hay Wen Shin Chia lập công ty Green Yards chuyên tái chế dầu ăn đã qua sử dụng thành xà phòng và nến.
Hiện tượng Malaysia trên Tạp chí Forbes năm nay trùng hợp với thời điểm bác sĩ 93 tuổi Mahathir bin Mohamad quay trở lại ghế Thủ tướng sau giai đoạn cầm quyền vàng son 1981-2003. Khoảng thời gian đủ biến Malaysia thành trung tâm viễn thông, tài chính và sản xuất công nghệ cao trong khu vực ASEAN và châu Á.
Vậy hệ sinh thái khởi nghiệp Malaysia đã hưởng những thành quả gì từ nỗ lực của "Tiến sĩ M" suốt hai thập kỷ phụng sự?
Ông Mahathir Mohamad (Dr.M) thời điểm nhậm chức Thủ tướng lần thứ hai
Câu chuyện ông lão 93 tuổi đặt "viên gạch chính sách" từ 3 thập kỷ trước
Thời điểm lên cầm quyền, Thủ tướng Mahathir Mohamad vạch ra ba kịch bản 10 năm xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ để nền kinh tế Malaysia có thể phát triển vào năm 2020. Phục vụ cho tham vọng trên, một Siêu Hành lang Đa phương tiện (Multimedia Super Corridor – MSC) ra đời năm 1996.
Đây là chính sách mô phỏng đặc khu kinh tế ở vùng duyên hải Trung Quốc bấy giờ. Người Malaysia kỳ vọng những doanh nghiệp quốc nội có thể tận dụng dự án đầu tư được ưu đãi thuế quan, sân bay quốc tế, đường truyền Internet để kiến tạo cơ sở hạ tầng công nghệ cho đất nước
Ý tưởng lớn đó về sau khai sinh ra khu vực Cyberjaya rộng 30 km2, được mệnh danh là thung lũng Silicon của Malaysia, làm "đầu tàu tăng trưởng" cho bang Selangor (bang lớn nhất Malaysia về kinh tế).
Năm 1997, Chính phủ thành lập bộ phận tài chính hỗ trợ khởi nghiệp, mang tên Malaysian Exchange of Securities Dealing and Automated Quotation (MESDAQ). Đến năm 2001, Cơ quan Quản lý đầu tư mạo hiểm Malaysia (Malaysia Venture Capital Management Bureau - MAVCAP) ra đời.
MAVCAP đặt hoàn toàn dưới quyền điều hành của chính phủ, xuất hiện với vai trò một quỹ đầu tư thiên thần cho các doanh nghiệp công nghệ, đạt quy mô đầu tư 500 triệu USD, bảo trợ cho hơn 70 công ty công nghệ lớn như Tec Holdings, Tripfez, SPOT News, Supahands, Hermo, aWhere…
Ba chương trình huấn luyện và hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp khởi nghiệp quan trọng cũng ra đời trong giai đoạn này, là BarCamps, Startup Malaysia và 500Durians.
Từ đó, hàng trăm hãng công nghệ trứ danh trên thế giới đã có mặt và đầu tư hàng tỷ USD tại Malaysia. Ban cố vấn của chính phủ Malaysia về đầu tư hạ tầng công nghệ đất nước có mặt cả Bill Gates (Microsoft), Lawrence Ellision (Oracle) và Scott McNealy (Sun Microsystems).
Trước khi kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên bằng một thông báo bất ngờ, ông Mahathir Mohamad đã kịp chứng kiến tốc độ truy cập Internet ở đô thị lớn như Kuala Lumpur nhanh hơn so với London.
Tuy nhiên, "Tiến sĩ M" không đợi đến khi làm Thủ tướng mới trổ tài "kinh bang tế thế". Năm 1974, ông được chỉ định làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và nhanh chóng bắt tay xây dựng nền giáo dục quốc gia đề cao toán học và khoa học công nghệ.
Hằng năm, thông qua học bổng chính phủ, hàng chục ngàn học sinh được đưa đi đào tạo đại học tại Hoa Kỳ, Anh, Úc và các nước phương Tây mà Mahathir muốn phát triển ngang bằng.
Với quan điểm đề cao giáo dục và dẹp bỏ định kiến đối với người trẻ, khi vừa quay trở lại chính trường năm 2018, vị nguyên lão 93 tuổi này đã lựa chọn anh Syed Saddiq (25 tuổi) làm Bộ trưởng trẻ nhất Malaysia, cho vị trí đầu ngành giáo dục.
Môi trường chính sách thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao, sự cởi mở của văn hóa Malaysia với ba sắc dân Mã-Hoa-Ấn, là các yếu tố cực kỳ quan trọng tạo nên sức mạnh của một quốc gia khởi nghiệp.
Chớ quên rằng, trong số 11 doanh nhân trẻ Malaysia trên "bảng phong thần" của Forbes, có khoảng 70% là người gốc Hoa.
Nhờ những nỗ lực mang tính tiền đề từ thời Mahathir Mohamad, Malaysia đang vươn lên mạnh mẽ trong ngành công nghiệp khởi nghiệp của thế giới. Nền kinh tế của quốc gia này được đánh giá năng động thứ nhì ở Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.
Trí thức trẻ