MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

11 kiểu nhà đầu tư phổ biến nhất trong thế giới khởi nghiệp

06-12-2021 - 15:47 PM | Tài chính quốc tế

11 kiểu nhà đầu tư phổ biến nhất trong thế giới khởi nghiệp

Một startup có thể gọi vốn từ nhiều nhà đầu tư khác nhau để phát triển và mở rộng mô hình của mình.

Một khi định hướng phát triển công ty như một startup, số tiền bạn cần để giúp mở rộng quy mô thường vượt quá doanh thu của bạn. Đó là lý do tại sao nguồn tài chính đến từ các kiểu nhà đầu tư khác nhau được coi là phương thức ngắn nhất có thể giúp công ty bạn phát triển – đồng thời bên cạnh việc rót vốn, các nhà đầu tư còn hỗ trợ chuyên môn và giúp bổ sung mạng lưới.

Dưới đây các kiểu nhà đầu tư phổ biến nhất trong thế giới khởi nghiệp.

Công ty đầu tư mạo hiểm

Nhà đầu tư thiên thần

Tổ chức thiên thần

Nhà đầu tư cá nhân

Các mô hình tăng tốc khởi nghiệp/Vườn ươm

Ngân hàng

Cơ quan chính phủ

Nhà đầu tư bán lẻ

Văn phòng gia đình

Đầu tư mạo hiểm doanh nghiệp

Các công ty cổ phần tư nhân

1. Các công ty đầu tư mạo hiểm

Các nhà đầu tư mạo hiểm là các nhà đầu tư cổ phần tư nhân thực hiện đầu tư thông qua các công ty đầu tư mạo hiểm (VC). Họ đầu tư vào các doanh nghiệp tăng trưởng cao để đổi lấy một phần quyền sở hữu của công ty.

Những người hoặc tổ chức tài trợ cho các VC này được gọi là Thành viên góp vốn (Limited Partner), bao gồm các quỹ hưu trí, tài trợ, quỹ, công ty tài chính, văn phòng gia đình và các cá nhân có giá trị ròng cao. Limited Partner giới hạn về trách nhiệm trong phạm vi đầu tư và không liên quan đến việc quản lý quỹ hàng ngày.

Trong khi đó, các chuyên gia cá nhân chịu trách nhiệm đưa ra quyết định đầu tư cho quỹ được gọi là đối tác liên doanh, hoặc đối tác điều hành. Họ cũng thường tham gia vào hoạt động điều hành trong công ty khởi nghiệp của bạn sau khi đầu tư.

Quy mô đầu tư: 200.000 USD -  350 triệu USD hoặc hơn

2. Nhà đầu tư thiên thần

11 kiểu nhà đầu tư phổ biến nhất trong thế giới khởi nghiệp - Ảnh 1.

Nhà đầu tư thiên thần thường đầu tư vào giai đoạn đầu của startup. Ảnh: Shutterstock



Nhà đầu tư thiên thần là những cá nhân cung cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu. Họ thường là những doanh nhân giàu có có thu nhập hàng năm hơn 200.000 USD hoặc giá trị tài sản ròng hơn 1 triệu USD.

Loại hình đầu tư này thường được thực hiện dưới hình thức cho vay hoặc mua cổ phiếu, cùng với vai trò cố vấn của nhà đầu tư thiên thần. Vì thỏa thuận thường được hình thành giữa vòng gọi vốn đầu tiên của startup và hoạt động đầu tư mạo hiểm nên mang lại lợi nhuận cao khi công ty mở rộng quy mô. Tuy nhiên, loại hình đầu tư này cũng tiềm ẩn rủi ro cao vì hầu hết các doanh nghiệp đều thất bại trong giai đoạn này.

Các nhà đầu tư thiên thần thường đầu tư theo nhóm và phát triển thành một mạng lưới để phát hiện các thỏa thuận mới trong lĩnh vực quan tâm.

Quy mô đầu tư: 10.000 USD – 30.000 USD

3. Hiệp hội các nhà đầu tư thiên thần

Theo giải thích của Keystone Law, hiệp hội các nhà đầu tư thiên thần được định nghĩa là một nhóm các nhà đầu tư đồng ý cùng đầu tư vào một dự án cụ thể. Hiệp hội có thể do các nhà đầu tư thiên thần lập nên hoặc là sự hợp tác giữa các nhà đầu tư và các quỹ. Sẽ có một nhà đầu tư thiên thần chính điều hành hiệp hội, đóng vai trò điều phối và tham gia vào hội đồng quản trị của công ty sau khi hoạt động đầu tư được tiến hành thành công.

Quy mô đầu tư: 25.000 USD – 100.000 USD

4. Nhà đầu tư cá nhân

Bạn bè và gia đình của những nhà sáng lập thường sẽ có hỗ trợ tài chính cho họ và những người này trở thành các nhà đầu tư cá nhân.

Các nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ phần lớn trong tất cả các loại nguồn tài trợ, đóng góp hơn 66 tỷ USD hàng năm và trung bình là 23.000 US cho mỗi dự án.

Vì các khoản vay hoặc đầu tư xuất phát từ mối quan hệ thân thiết, điều quan trọng là phải tách biệt gia đình và doanh nghiệp, cũng như nêu rõ hợp đồng và các điều khoản trước khi chính thức theo đuổi loại hình nhà đầu tư này.

Quy mô đầu tư: 2.000 USD – 30.000 USD

5. Mô hình tăng tốc khởi nghiệp & vườn ươm

11 kiểu nhà đầu tư phổ biến nhất trong thế giới khởi nghiệp - Ảnh 2.

Startup có thể gọi vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Ảnh: Getty Images


Các chương trình tăng tốc khởi nghiệp yêu cầu một khung thời gian nhất định trong đó các công ty dành từ vài tuần đến vài tháng để làm việc với một nhóm cố vấn và chuyên gia để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của họ và tránh những sai lầm. Một số mô hình nổi tiếng nhất là Y Combinator, Techstars và The Brandery.

Các vườn ươm khởi nghiệp bắt đầu với các doanh nghiệp hoặc thậm chí là các doanh nhân đơn lẻ và không đưa bất kỳ mốc thời gian cố định nào. Một số vườn ươm hoạt động độc lập, tuy nhiên một số khác lại được tài trợ hoặc duy trì bởi các công ty VC, các nhà đầu tư thiên thần, các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp lớn.

Nếu được chấp nhận tham gia một trong những chương trình này, các công ty khởi nghiệp có thể nhận được khoản đầu tư hạt giống từ 10.000 USD đến 120.000 USD.

Số tiền này sẽ giúp các công ty khởi nghiệp phát triển và thực hiện các hoạt động tiếp thị sản phẩm, bổ sung thông tin và nguồn nhân sự.

Quy mô đầu tư: 10.000 USD – hơn 120.000 USD

6. Ngân hàng

Theo Dealroom, ngân hàng là hình thức đầu tư truyền thống và được xếp hạng thứ 5 trong số các nguồn đầu tư phổ biến nhất cho các công ty khởi nghiệp.

Tận dụng ngành tài chính, các ngân hàng thường đầu tư vào các fintech có thể bổ sung vào các dịch vụ của ngân hàng. Một số nhà băng cũng thành lập các chi nhánh mạo hiểm để tập trung vào các dự án đầu tư khởi nghiệp. Đối với loại hình này, các ngân hàng có thể được coi là các nhà đầu tư doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng không hề đơn giản đối với các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu và các doanh nghiệp nhỏ vì công ty khởi nghiệp cần thể hiện được khả năng về doanh thu hoặc có tài sản thế chấp trước khi hồ sơ xin cấp vốn được duyệt.

Quy mô đầu tư: Không xác định

7. Các cơ quan chính phủ

Các chính phủ có thể cung cấp tài chính cho một số dự án nhất định. Các chính phủ không bắt buộc công ty phải từ bỏ cổ phần nhưng ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.

Các công ty khởi nghiệp thường phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của chính phủ mới có thể nhận được các khoản đầu tư và chương trình này. Đây là điều mà các doanh nghiệp mới có thể khó vượt qua. Vì vậy, các chủ doanh nghiệp nên xem xét cẩn thận những kỳ vọng đó trước khi tham gia quá trình kêu gọi vốn.

Quy mô đầu tư: 10.000 USD –  hơn 120.000 USD

8. Nhà đầu tư nhỏ lẻ

Nhà đầu tư bán lẻ có thể được hiểu là các nhà đầu tư phi tổ chức. Hầu hết trong số họ dùng các nhà môi giới, ngân hàng hoặc đại lý bất động sản để mua và bán nợ, vốn cổ phần hoặc các khoản đầu tư khác.

Những cá nhân này không đầu tư thay mặt cho những người khác. Thay vào đó, họ quản lý quỹ của riêng mình. Các mục tiêu cá nhân, chẳng hạn như lập kế hoạch nghỉ hưu, tiết kiệm cho việc học của con cái hoặc tài trợ cho một khoản mua sắm đáng kể, là những động lực để phát triển kiểu nhà đầu tư này.

Các chiến lược kinh doanh để thu hút các khoản tiền từ một số lượng lớn các nhà đầu tư bán lẻ có thể được gọi là huy động vốn từ cộng đồng (đối với các công ty giai đoạn đầu) hoặc phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) (đối với các công ty đã trưởng thành).

Gây quỹ cộng đồng sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và các nền tảng huy động vốn từ cộng đồng để kết nối các nhà đầu tư và doanh nhân. Loại đầu tư này phù hợp nhất với các công ty hiểu biết về truyền thông xã hội và B2C, có thể sử dụng hiệu ứng mạng lưới cũng như cơ sở khách hàng. Khi khách hàng thích một sản phẩm hoặc dịch vụ và tin tưởng vào sự phát triển trong tương lai của nó, các công ty khởi nghiệp có thể tận dụng tiềm năng để có được nguồn vốn ban đầu để tung ra sản phẩm của họ.

Phần lớn những người gây quỹ cộng đồng ở độ tuổi từ 24 đến 35. Số tiền trung bình huy động được cho mỗi chiến dịch trong lĩnh vực huy động vốn từ cộng đồng sẽ là 127.466 USD.

Quy mô đầu tư: Tùy thuộc gọi vốn cộng đồng hay IPO

9. Văn phòng gia đình

Các công ty tư vấn quản lý tài sản tư nhân phục vụ những người có giá trị ròng cực cao (HNWI) được gọi là văn phòng gia đình. Họ cung cấp một gói đầy đủ các dịch vụ, từ lập ngân sách, bảo hiểm, từ thiện, chuyển của cải, đầu tư và dịch vụ thuế, đến quản lý tài sản của một cá nhân hoặc gia đình giàu có.

Vì các văn phòng gia đình ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp nên việc hợp tác với họ có thể rất khác nhau tùy thuộc vào người phụ trách các lựa chọn và quy trình đầu tư.

Đối với loại nhà đầu tư này, thuế, đầu tư dài hạn giữa các thế hệ, địa vị và thu nhập có thể quan trọng hơn so với các loại nhà đầu tư khác.

Quy mô đầu tư: 200.000 USD – hơn 10 triệu USD

10. Nhà đầu tư doanh nghiệp

Một tập đoàn chọn đầu tư vào một công ty khác được gọi là nhà đầu tư doanh nghiệp.

Các tập đoàn lớn có thể thu được lợi nhuận từ việc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp bằng cách củng cố các số liệu tăng trưởng của chính họ và đa dạng hóa các khoản nắm giữ.

Một số tập đoàn cũng cung cấp tài chính cho các công ty khởi nghiệp bên ngoài thông qua đầu tư, sáp nhập hoặc mua lại. Một số thậm chí còn thiết lập các chương trình tăng tốc và vườn ươm của riêng họ như một hệ sinh thái thúc đẩy các công ty khởi nghiệp.

Quy mô đầu tư: từ 200.000 USD

11. Các công ty cổ phần tư nhân

Các công ty cổ phần tư nhân (PE) là các công ty quản lý đầu tư được tài trợ bởi các cá nhân có giá trị ròng cao hoặc các nhà đầu tư tổ chức, chẳng hạn như quỹ tương hỗ, quỹ hưu trí, quỹ tài trợ, công ty bảo hiểm và quỹ tài sản có chủ quyền.

Các công ty PE thực hiện đầu tư vào các công ty tư nhân thông qua các chiến lược khác nhau bao gồm mua lại bằng đòn bẩy, đầu tư mạo hiểm và vốn tăng trưởng.

Bên cạnh các công ty khởi nghiệp, họ có thể đầu tư vào các công ty trưởng thành hơn và thường nhằm đạt được ảnh hưởng đối với hoạt động của công ty. Các công ty PE cũng sở hữu kiến thức chuyên môn trong ngành có thể gia tăng giá trị cho hoạt động kinh doanh danh mục đầu tư và đóng vai trò là người cố vấn trong suốt vòng đời của công ty.

Quy mô đầu tư: 200.000 USD – hơn 100 triệu USD

Theo Trang Trang

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên