11 năm chưa xong cổ phần hóa tại Hacinco: Nhà đầu tư kêu cứu
Cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội diễn ra trong suốt 11 năm qua vẫn chưa có hồi kết mặc dù đã được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương có hàng chục văn bản chỉ đạo tháo gỡ vưỡng mắc để đẩy nhanh tiến độ.
Cũng trong 11 năm qua, 23 nhà đầu tư đã mua cổ phần của Hacinco với số tiền 21 tỷ đồng phải sống trong mòn mỏi chờ đợi.
Nộp 21 tỷ đổi lấy 11 năm chờ đợi
Báo CAND nhận được đơn kêu cứu của Công ty cổ phần Đầu tư NCX Hà Nội (Công ty NCX) đại diện 23 nhà đầu tư hợp pháp đã mua cổ phần của Hacinco phản ánh: Ngày 29-10-2004, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 7252/QĐ-UB về việc cho phép Hacinco tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp và Quyết định số 6680/QĐ-UB ngày 29-9-2005 về việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa Hacinco.
Ngày 25-10-2005, 23 nhà đầu tư đã mua cổ phần của Hacinco trong phiên đấu giá được tổ chức công khai tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội với tổng số tiền đã thanh toán là 21 tỷ đồng. Ngày 1-2-2005, Hacinco tiến hành đại hôi cổ đông lần đầu để thông qua Điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa và bầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty. Tuy nhiên, 11 năm sau, Hacinco vẫn chưa hoàn thiện quá trình cổ phần hóa khiến cho 23 nhà đầu tư “chết mòn” trong vô vọng.
Ngày 22-4-2010, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 1886 về việc điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ. Theo đó, cơ cấu vốn điều lệ có sự thay đổi tăng tỷ lệ góp vốn của nhà nước từ 9,11% lên 49,6% và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) sẽ đầu tư thêm vốn thay thế các cổ phiếu không hợp lệ bị loại, theo như phương án đề xuất của Tổng Công ty Handico.
Theo các cổ đông thì Quyết định 1886 và phương án đề xuất của Tổng Công ty Handico là trái với hình thức cổ phần hóa được quy định tại Điều 3, Nghị định 187/2004/NĐ-CP, đi ngược lại với tinh thần cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 94/2005/QĐ-TTg ngày 5-5-2005.
Sau rất nhiều lần gửi đơn kêu cứu, những vấn đề còn tồn tại trong quá trình cổ phần hóa tại Hacinco đã được các cơ quan, ban ngành có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, khắc phục để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa. Thế nhưng theo đại diện Công ty NCX thì 11 năm qua tiến trình cổ phần hóa dậm chân tại chỗ, gây ra thiệt hại nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.
Cần nhanh chóng chỉ đạo giải quyết dứt điểm
Cổ phần hóa kéo dài trong 11 năm, việc các nhà đầu tư thấy băn khoăn, sốt ruột khi họ bỏ một số tiền lớn ra đầu tư mà không nắm, nhìn được tiền mình đang ở đâu và đang được sử dụng như thế nào là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2005, một số cổ đông lớn đã có đơn kiến nghị UBND thành phố, Sở Tài chính đề nghị xem xét lại một số điểm trong quá trình cổ phần hóa ở Hacinco. Do vậy, UBND TP Hà Nội đã tạm thời chưa ban hành quyết định chuyển doanh nghiệp Nhà nước Hacinco sang công ty cổ phần và có văn bản giao thường trực Ban đổi mới doanh nghiệp thành phố (Sở Tài chính) xem xét kiến nghị của nhà đầu tư.
Sau khi xem xét, Sở Tài chính lại phát hiện ra hai nội dung sai là: chuyển nợ thành vốn góp và cổ phần ưu đãi tính trùng. Do tại thời điểm đó, việc xử lý những nội dung này không được quy định rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật nên việc giải quyết những tồn tại này kéo dài với nhiều cuộc thanh tra của các cấp, Công an TP Hà Nội đã vào cuộc làm rõ các kiến nghị, khiếu nại để kết luận.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Hacinco khẳng định: “Đây là vấn đề tồn tại từ trước, chúng tôi là những người kế thừa và đang cố gắng tập trung giải quyết trên cơ sở chỉ đạo từ UBND TP Hà Nội, Ban đổi mới doanh nghiệp thành phố một cách nhanh nhất và đảm bảo đúng pháp luật. Hơn ai hết, công ty mong muốn được cổ phần hóa trong thời gian sớm nhất để có thể hoạt động với tư cách pháp nhân bình thường như các doanh nghiệp khác. 11 năm cổ phần hóa đã gây ra cho công ty biết bao khó khăn, có những lúc đứng bên bờ vực phá sản. Tuy nhiên, trong những năm qua công ty đã từng bước vượt qua khó khăn, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước”.
Cũng theo ông Thanh thì từ tháng 4-2014 đến nay, Hacinco có trên 30 báo cáo gửi lên thành phố, Sở Tài chính và Tổng Công ty Handico. Hiện Sở Tài chính đã họp liên ngành 4 lần để thẩm tra dự thảo báo cáo tư vấn giải quyết tồn tại quá trình cổ phần hóa tại Hacinco. Đến nay toàn bộ số liệu về danh sách cổ đông và cơ cấu vốn điều lệ theo Quyết định 1886 đã được công ty và đơn vị tư vấn cung cấp, làm rõ. Đồng thời các sở, ngành và Tổng Công ty cũng đã thẩm định và thống nhất, chờ Sở Tài chính báo cáo UBND TP phê duyệt”.
Giải thích về trách nhiệm của công ty đối với quyền lợi của các cổ đông, ông Thanh cho biết:“Hiện nay Sở Tài chính chưa trình phương án lên UBND TP do còn vướng mắc 3 vấn đề, đó là: thứ nhất, sau 10 năm, giá trị phần vốn Nhà nước của công ty từ 7,19 tỷ giờ tăng lên 322 tỷ, giá trị tăng đó giờ xử lý thế nào khi bàn giao doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần:
"Thứ hai, về cơ cấu vốn điều lệ của công ty phải có cơ cấu vốn cổ phần của người lao động, cơ cấu vốn Nhà nước và cơ cấu cổ phần vốn cổ đông ngoài doanh nghiệp nhưng hiện nay trong cơ cấu vốn điều lệ mới thì cổ phần ưu đãi cho người lao động gần như không có (chỉ còn 27.000 cổ phần tương đương 270 triệu); thứ ba, toàn bộ số tiền các nhà đầu tư thanh toán tiền mua cổ phần phải sau hơn 2 năm mới được chuyển về cho công ty", ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh: "Do chưa chuyển đổi được thành công ty cổ phần nên công ty vừa phải treo tài khoản riêng, hàng năm lại phải trích một phần lợi nhuận để riêng ra trả lãi cho khoản tiền này. Từ tháng 4-2006 đến 31-12-2015, công ty đã thực hiện tính lãi cho các nhà đầu tư với tổng số tiền lãi tạm tính là 51.341.134.356 đồng. Hiện Hacinco đã có báo cáo, đề xuất hướng xử lý đối với các vấn đề trên lên UBND TP, Sở Tài chính và Tổng Công ty”.
Ông Thanh cho biết, hiện UBND TP, Sở Tài chính, Tổng Công ty đang tập trung quyết liệt giải quyết và tin tưởng sẽ giải quyết được trong thời gian tới những tồn tại cổ phần hóa của công ty.
Để giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện cổ phần hóa ở Hacinco, thiết nghĩ UBND TP Hà Nội cần quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chức năng nhanh chóng xem xét, giải quyết những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc nêu trên, mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư.
Công an nhân dân