12 dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” được xác định, ngoài ra còn bao nhiêu cái nữa?
Đây là nội dung được đại biểu Trần Văn Tiến chất vấn Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình tại nghị trường chiều nay (15/6).
- 15-06-2017Cao tốc Trung Lương - Cần Thơ “đắp chiếu” chờ ngân hàng
- 15-06-2017Phó Thủ tướng: Xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn
- 13-06-2017Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giải trình một số vấn đề về sản xuất nông nghiệp
- 10-06-2017Phó Thủ tướng đề nghị TP.HCM rà soát, hướng đến tinh giản biên chế
Phiên chiều nay, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đã làm nóng nghị trường khi đặt ra câu hỏi liên quan đến các dự án thua lỗ nghìn tỷ, gây bức xúc dư luận.
"Ngoài 12 dự án ‘đắp chiếu’ mà Chính phủ đã công bố, còn bao nhiêu dự án có tình trạng tương tự? Chính phủ có giải pháp thế nào đối với các dự án tương tự nếu có? Trách nhiệm thuộc về ai?", đại biểu chất vấn.
Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh Chính phủ đã rất công khai thông tin về 12 dự án thua lỗ, thất thoát nêu trên.
Ông nói những dự án này sẽ được cơ cấu sắp xếp lại, giải quyết trên tinh thần không dùng ngân sách trả nợ, giải quyết theo cơ chế thị trường. Đồng thời sẽ xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức sai phạm.
Ngoài 12 dự án đó, Phó Thủ tướng xin phép Quốc hội trả lời một cách ước lệ là còn những dự án khác đang thua lỗ, kém hiệu quả. Tuy nhiên, phải qua rà soát mới có thể xác định cụ thể.
Ông nhấn mạnh: "Nếu phát hiện thêm dự án nào có vấn đề tương tự, Chính phủ cũng sẽ giải quyết như đối với 12 dự án đắp chăn, đắp chiếu đó”.
Đối với các dự án phục hồi được, Phó thủ tướng cho biết sẽ có giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường quản trị doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm lỗ và tiến tới có lãi.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là 43,6 nghìn tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 22,56%; vốn vay chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.
Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là 16,1 nghìn tỷ đồng, tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là gần 4 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản của 12 dự án là 57,7 nghìn tỷ đồng; tổng nợ phải trả là 55 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân của 3 dự án dở dang, đang bị dừng thi công là 8,6 nghìn tỷ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là 13 nghìn tỷ đồng.