MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của Bộ Công thương: Đã có ánh sáng nơi cuối hầm

Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PVTex) sẽ vận hành lại phân xưởng, nhóm các nhà máy nhiên liệu sinh học của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang khởi động lại và có sản phẩm tiêu thụ trong tháng 3 năm nay,… là những thông tin tích cực liên quan đến các dự án vốn yếu kém của Bộ Công thương.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã cho biết nhóm các nhà máy nhiên liệu sinh học (của PVN) đang khởi động lại và có sản phẩm tiêu thụ trong tháng 3/2018.

Cũng trong tháng 3, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PVTex) sẽ vận hành lại phân xưởng sợi vì nhà máy vừa ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị trong nước. Việc vận hành toàn bộ Nhà máy PVTex này thì PVN đang xem bản chào của 3 công ty nước ngoài và trong nước để quyết định triển khai. Từ nay tới hết quý II/2018, các bên sẽ thống nhất phương án hợp tác để vận hành toàn bộ nhà máy.

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng Giám đốc PVN cho biết thêm khi vận hành phân xưởng sợi và thống nhất xong phương án hợp tác thì sẽ mất từ 3 – 6 tháng vận hành toàn bộ PVTex. Hiện nay, các đối tác của PVTex mong muốn Chính phủ cam kết bảo đảm quyền lợi của họ trong quá trình hợp tác, áp dụng các hàng rào kỹ thuật đối với nhập khẩu polyester, bảo đảm nguồn điện ổn định tại khu công nghiệp Đình Vũ...

Đối với công ty đóng tàu Dung Quất (DQS), Thứ trưởng Vượng cho biết công ty đang thuê đơn vị triển khai quyết toán, kiểm toán hợp đồng EPC. Dự án tàu 104.000 tấn chưa quyết toán được giá trị và đang triển khai tiếp nhận.

Bên cạnh đó, DQS cũng đang thanh lý tài sản không cần thiết để phục vụ sản xuất. DQS là đơn vị có nhiều tài sản đầu tư có giá trị cao, khấu hao lớn nên đơn vị này kinh doanh khó khăn, nếu được giãn khấu hao thì DQS hoạt động vẫn có lãi.

Đối với các dự án, nhà máy của Tập đoàn Hoá chất, Nhà máy DAP Đình Vũ có lãi 16 tỷ đồng trong năm 2017, 2 tháng đầu năm 2018 đã lãi 66 tỷ đồng.

Nguyên nhân DAP Đình Vũ chuyển từ lỗ sang lãi là tăng cường quản trị, tiết giảm chi phí 80 tỷ đồng (năm 2017) so với trước đây và thị trường DAP nóng hơn các năm trước.

Ba nhà máy đạm còn lại là DAP Lào Cai, đạm Ninh Bình và đạm Hà Bắc đang duy trì sản xuất, giá bán cao hơn chi phí nên lỗ giảm đi. Các nhà máy này có tồn tại lớn là giải quyết tranh chấp, quyết toán nhà thầu còn khó khăn.

Đối với Tổng công ty Thép, Nhà máy Gang thép Lào Cai đã hoàn thành sửa đổi điều lệ liên doanh, hợp đồng liên doanh với đối tác Trung Quốc và 2 bên ký kết Hợp đồng và Điều lệ liên doanh mới vào ngày 28/12/2017. 

Dự án mỏ Quý Sa đã tiêu thụ được 2,58 triệu tấn quặng, có lãi hơn 423 tỷ đồng. Dự kiến trong năm nay việc khai thác ở mỏ Quý Sa vừa sử dụng trong nước vừa xuất khẩu thì tình hình không khó khăn nữa.

Tổng công ty Thép cũng đang xây dựng phương án thoái vốn tại Công ty Thép Thái Nguyên Tissco và Bộ Công Thương đã chấp thuận phương án. Dự kiến sẽ thực hiện thoái vốn đúng kế hoạch đề ra trong năm 2018. Việc thoái vốn thành công sẽ thúc đẩy đàm phán tranh chấp hợp đồng EPC với nhà thầu thực hiện Dự án giai đoạn 2 của Tissco.

Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã được mang ra bán đấu giá lần đầu với giá trị 1.800 tỷ đồng.

Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết Bộ gần đây đã cho phép tiếp tục đấu giá lần thứ 2 giảm 10% giá trị so với lần đầu. Nếu không ai mua thì giảm tiếp 10% trong lần đấu giá thứ 3. Sau lần này mà không tìm được nhà đầu tư mua lại dự án thì phải định giá lại nhà máy.

Bên cạnh các thuận lợi, ông Vượng cũng nhấn mạnh 12 dự án này vẫn đang gặp khó khăn chung là chưa được các tổ chức tín dụng giãn, khoanh nợ, xử lý khấu hao của các dự án đang vận hành. "Nếu được giãn nợ, khoanh nợ và giảm khấu hao thì các dự án sẽ hoạt động tốt", ông Vượng nói.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên