MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'12 năm làm 200 km đường sắt đô thị ở TP.HCM là không khả thi'

Mục tiêu hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM dài hơn 220 km là đến năm 2035. Tuy nhiên, thành phố chỉ mới chuẩn bị hoàn thành tuyến Metro số 1 và vừa khởi động tuyến Metro số 2. Ước tính, còn khoảng 200 km nữa phải hoàn thành trong 12 năm tới.

Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa đề xuất UBND TP.HCM thành lập Tổ công tác xây dựng đồ án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM. Tổ công tác dự kiến có 14 thành viên do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường làm Tổ phó thường trực. 12 thành viên còn lại là lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Mục tiêu của việc này chính là thực hiện Kết luận 49 của Bộ Chính trị về hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM vào năm 2035. Thực tế cho thấy, sau khoảng 20 năm từ khi triển khai nghiên cứu, phát triển các dự án đường sắt đô thị, đến nay TP.HCM vẫn chưa có tuyến đường sắt đô thị nào hoàn thành. Điều này đặt ra thách thức rất lớn cho TP.HCM khi phải làm 200 km mạng lưới đường sắt đô thị trong 12 năm.

Trao đổi với Nhadautu.vn , KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, điều này là không khả thi bởi thực tế cho thấy, ngay cả tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài gần 20 km cũng chưa hoàn thành và Metro số 2 giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) dài 11 km cũng chỉ mới khởi công. Cả 2 tuyến này đều có trong quy hoạch từ rất lâu nhưng đến nay cũng mới chỉ là bước đầu.

'12 năm làm 200 km đường sắt đô thị ở TP.HCM là không khả thi' - Ảnh 1.

Tuyến Metro số 1 dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Ảnh: Phạm Nguyễn

TP.HCM cần tập trung hoàn thành hạ tầng, đô thị dọc tuyến Metro số 1, hoàn chỉnh tuyến metro này theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) chứ không nên chạy theo số lượng.

"Dự kiến cuối năm nay Metro số 1 hoàn thành thì cũng chỉ đạt 1/4 kết quả nếu theo mô hình TOD. Đô thị dọc tuyến Metro số 1 chưa nhiều, hạ tầng chưa đồng bộ. Do đó, khoan hãy nghĩ đến việc thực hiện dự án đường sắt đô thị khác", ông Nam Sơn nói.

Vị KTS nhìn nhận, việc xây dựng đường sắt đô thị không chỉ đơn thuần làm đường sắt chạy vòng quanh thành phố mà phải tính toán đến việc phát triển khu đô thị dọc tuyến, phát triển hạ tầng có liên quan, tạo ra hệ sinh thái... Đây mới là phát triển theo mô hình TOD, có nghĩa là TP.HCM nên có đề xuất, phương án tính theo số km2 chứ không phải số km chiều dài.

Quay lại với câu chuyện làm 200 km đường sắt đô thị trong 12 năm, ông Nam Sơn lưu ý, tuyến Metro số 1 dài gần 20 km làm trong 16 năm, Metro số 2 dài 11 km khoảng 22 năm thì số km còn lại của mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM cứ theo cấp số nhân là sẽ cho ra kết quả. Tuy nhiên, để TP.HCM đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, ông Sơn đánh giá, cần phân bổ nguồn vốn và cho phép thành phố giữ lại % nhiều hơn.

"Nghị quyết về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM đã có, song chúng ta cũng cần có thời gian để xem kết quả thực hiện. Trước hết, TP.HCM cần tập trung hoàn thành thật tốt cho tuyến Metro số 1 trước khi nghĩ đến các tuyến đường sắt đô thị khác, mặc dù đã có trong quy hoạch. Metro không chỉ là phương tiện đi lại thuần túy mà phải là tổ hợp đa chức năng, vừa phục vụ đi lại, phục vụ giãn dân, vừa là nút giao thông và cả nút thương mại... Vì vậy, cần phải tính toán khâu kết nối, tổ chức không gian ngầm… thì mới phát huy được hiệu quả", ông Nam Sơn nhấn mạnh.

Theo MAUR, quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM dài hơn 220 km với tổng mức đầu tư hơn 25 tỷ USD, nhưng đến nay mới triển khai được tuyến Metro số 1, dự kiến hoàn thành cuối năm nay và tuyến Metro số 2 giai đoạn 1 dài 11 km dự kiến hoàn thành năm 2032.

"Nếu TP.HCM tiếp tục triển khai với cách làm tương tự như trong thời gian qua thì không thể thực hiện được mục tiêu. Do đó, TP.HCM phải quyết tâm thay đổi toàn diện, mạnh mẽ và đột phá để hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị vào năm 2035". MAUR cho hay.

Để làm được điều này, TP.HCM nhận diện 5 lĩnh vực trọng yếu nhất cần được ưu tiên gấp rút nghiên cứu hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng lộ trình thực hiện, gồm: quy hoạch, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng; nguồn lực tài chính; thủ tục đầu tư; phê duyệt và triển khai dự án; giải pháp về công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị; mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực.

Ngoài ra, nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cho phép TP.HCM khai thác quỹ đất, không gian dọc tuyến metro theo mô hình TOD. Mô hình này giúp TP.HCM huy động tối đa nguồn lực từ đất đai, tạo nguồn ngân sách để phát triển xây dựng hệ thống metro.

Theo Đình Nguyên

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên