MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

12 nghìn trang sao kê: "Phông bạt” bị phơi bày, nhưng sự tử tế và thành thật cũng được minh chứng

14-09-2024 - 10:30 AM | Sống

Trong những ngày cả xã hội cùng kêu gọi nhau chung tay hướng về miền Bắc, 12 nghìn trang sao kê giống như một thứ biên bản chứng minh cho sự thành thật và tử tế của nhiều người.

Giữa hàng nghìn dòng sao kê, một xã hội thu nhỏ hiện ra. Nơi có những người sẵn sàng trút đến từng nghìn đồng ít ỏi trong tài khoản để chia sẻ với đồng bào vùng lũ. Nhưng cũng thật buồn khi có những người đã lợi dụng lòng tin của tập thể để ôm trọn tiền quyên góp. Và cũng là nơi có những người biết dùng… photoshop. 

12 nghìn trang sao kê giống như một thứ biên bản đanh thép chứng minh cho sự thành thật và tử tế của mỗi người. 

Một trong những nội dung được chia sẻ nhiều nhất kể từ khi đợt lũ quét bắt đầu hoành hành tại miền Bắc chính là những ảnh chụp màn hình chuyển khoản tới MTTQ để ủng hộ cho đồng bào bão lũ. Những tấm hóa đơn tiền triệu, chục triệu, thậm chí trăm triệu được chia sẻ liên tục từ các KOL, người giàu, người có vẻ… không quá giàu - giống như một cú hích khiến cả cộng đồng được truyền cảm hứng cho đi. 

Nhưng bên cạnh lòng tốt lan toả và tiếp nối, lại âm thầm có một cuộc đua phông bạt được bắt đầu. 

Hình ảnh về một người có lòng tốt, quan tâm đến cuộc sống và sẵn lòng san sẻ với nỗi đau của đồng bào là một hình ảnh đẹp và mang đầy tính thời sự. Và thế là chỉ với vài thao tác cắt ghép đơn giản bằng photoshop hoặc thậm chí app chỉnh ảnh trên điện thoại, một tờ hóa đơn được khống lên vài con số 0 được ra đời, kèm theo là vài câu đạo lý về sự cho đi thật mùi mẫn mới xứng tầm KOLs đang kêu gọi đồng bào làm việc tốt. “Góp một chút sức lực nhỏ”, “Mong mọi người sớm vượt qua”. Vậy là xong một content có ý nghĩa! 

Một nhóm nữa gồm những người đại diện đứng ra chuyển khoản cho các tập thể. Về cơ bản, khi chuyển tiền cho một ai đó để thay ta gửi vào quỹ, chẳng ai lại đi đòi xem hóa đơn chuyển tiền và check xem liệu cái hóa đơn đấy có bị photoshop không cả. Đó là phạm trù lòng tin. Đi hỏi chẳng khác nào tự biến mình thành đứa ki bo và tự cách ly mình khỏi tổ chức.

Nắm được tâm lý chung đấy, những người cầm quỹ có thể cắt xén tiền quỹ và chuyển lại cho MTTQ vài ba chục nghìn lấy lệ và lấy cả hóa đơn. Nếu rà trên 12 nghìn trang sao kê, bạn sẽ thấy con số những khoảng 10 nghìn, 20 nghìn mà các tập thể trường lớp, cơ quan, nhóm bạn… chuyển vào chiếm một tỉ lệ không hề nhỏ. Trên file sao kê là những con số, nhưng đằng sau đấy, tôi đã nhìn thấy những tình bạn bị đổ vỡ, những thủ quỹ phải giải trình và những niềm tin không bao giờ lấy lại được. 

12 nghìn trang sao kê: "Phông bạt” bị phơi bày, nhưng sự tử tế và thành thật cũng được minh chứng- Ảnh 1.

Lý giải cho sự gian dối cho cả hai trường hợp này không khó. Ai cũng nghĩ mình là người chính trực cho đến lúc đứng trước một khoản tiền lớn đổ vào tài khoản. Ai cũng nghĩ mình là người tử tế cho đến lúc vui tay thêm vài số không vào hóa đơn để sống ảo. Đằng nào thì cũng chuyển khoản, nhưng chuyển bao nhiêu thì trời biết, đất biết, ta biết, còn MTTQ đâu có rảnh để kiểm tra tài khoản từng người up lên rồi ngồi đối chiếu. Thế thì ai mà biết được. 

Đúng là sẽ chẳng ai biết được thật, cho đến tối qua, khi MTTQ đăng tải toàn bộ sao kê của tất cả những người đã ủng hộ vào STK cho đồng bào miền Bắc. Bí mật nhỏ bé tưởng như sẽ chẳng ai biết đấy đã trở thành đề tài… cả nước biết. Một sự trả giá bẽ bàng cho những kẻ lợi dụng tình cảnh khó khăn của đồng bào và niềm tin của những người xung quanh để tô vẽ và trục lợi. Người đứng ngoài theo dõi vừa buồn vì sự dối trá, cũng lại vừa… cười vì sự lố lăng. 

Nhưng 12 nghìn trang sao kê không chỉ kể câu chuyện về những kẻ phông bạt và gian dối, nó còn cho chúng ta thấy cuộc đời này vẫn còn thật nhiều những con người tốt bụng, tử tế và thật thà. Chúng ta không chỉ tìm thấy những lời nói dối ở những con số, mà còn thấy được cả niềm hy vọng và tình yêu thương. 

Đó là những cô cậu bé, gửi từng nghìn đồng một với dòng nhắn gửi: “Đây là tất cả số tiền trong tài khoản của con. Con xin lỗi”. 

“Cháu là học sinh không có tiền nhưng cháu yêu nước và yêu dân tộc nên vẫn ủng hộ cho mọi người ở miền Bắc. Mong mọi người bình an”. 

“Cháu có gói mì tôm xin ủng hộ”. 

30 nghìn. 20 nghìn. 15 nghìn. Tất cả những con số tưởng như bé nhỏ ấy lại chất chứa thật nhiều sự ấm áp của tình nghĩa đồng bào. Đó có thể là những em nhỏ dành hết tiền tiết kiệm để gửi đến các bạn cùng tuổi đang phải chịu cảnh bơ vơ vì mưa lũ. Đó có thể là những người lao động nghèo với mức lương dưới cơ bản, nhưng sẵn sàng trích tiền thù lao một ngày, một tuần của mình để san sẻ với những bà con vừa mất trắng tài sản vì lũ quét qua. Không nằm trong 12 nghìn trang sao kê, nhưng mới hôm trước, tôi đọc được tin một người lái xe ba gác tìm đến một tòa soạn để gửi tận tay số tiền 1,4 triệu, thu nhập của bác sau cả một tuần làm việc vất vả. Những con số nhìn thì nhỏ bé nhưng khi xuất phát từ sự thành tâm và lòng trắc ẩn, nó lại kể một câu chuyện thật đẹp về những người tử tế.  

12 nghìn trang sao kê: "Phông bạt” bị phơi bày, nhưng sự tử tế và thành thật cũng được minh chứng- Ảnh 2.

Chú thích ảnh

12 nghìn trang sao kê, cũng có không ít những con số hàng trăm triệu đến từ những người thậm chí còn… chẳng đề tên. Họ cho đi bởi đó là việc họ muốn làm, họ cần làm và được thôi thúc bởi lòng tốt để làm, chứ không phải họ cảm thấy mình phải làm để chứng minh hay khoe mẽ với bất kỳ ai rằng tôi có tiền và tôi hào sảng. 

Khi nhìn lại 12 nghìn trang sao kê, tôi nghĩ về cuộc đua quyên góp những ngày vừa rồi. Không ít người bị lên án vì giàu mà ki khi chỉ quyên góp số tiền vài triệu, vài chục hoặc thậm chí… vài trăm. Một nghĩa cử tự nguyện đẹp đẽ bỗng nhiên biến thành cuộc đua để thể hiện và chứng minh sự hào phóng. Một hành động xuất phát từ trái tim lại trở thành công cụ để tô vẽ vẻ bề ngoài. Vì người nhưng hóa ra lại vì mình. Đó không phải là cách một việc tốt vận hành. 

1 nghìn. 10 nghìn. 100 nghìn. 1 triệu hay hàng trăm triệu. Tất cả chỉ là những con số vô hồn tượng trưng cho khả năng một người có thể chia sẻ được với bà con vùng lũ trong thời điểm khó khăn. Nhưng khi đặt cạnh hành động, nó lại tượng trưng cho tấm lòng tử tế của mỗi người. 

12 nghìn trang sao kê: "Phông bạt” bị phơi bày, nhưng sự tử tế và thành thật cũng được minh chứng- Ảnh 3.

Một nghìn và mười nghìn có thể thật rẻ khi đến từ một người gian dối, nhưng lại thật đáng yêu khi đến từ một em bé có lẽ đã dốc hết tiền ăn sáng để quyên góp cho đồng bào. Một  triệu thật khôi hài khi nó được tô vẽ lên thành hàng chục triệu để phông bạt, nhưng lại thật đáng quý khi đến từ tay của một người nghèo sẵn sàng cho đi ngay cả khi mình không có. 

12 nghìn trang sao kê: "Phông bạt” bị phơi bày, nhưng sự tử tế và thành thật cũng được minh chứng- Ảnh 4.

Không có số tiền nào có thể dùng làm thước đo sự tử tế, mà chỉ có tấm lòng chân thành mới là thứ phân định được tình người trong thời khắc khó khăn này mà thôi. 

Vậy đó, 1 đồng hay 10 đồng cũng là chung tay, cũng đều trân quý, miễn sao thật thà và xuất phát từ lòng tử tế.

Theo Diệp Nguyễn

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên