12 tuổi xin hiến thận cứu cha, 26 tuổi hiến gan cứu mẹ
Chàng thanh niên 26 tuổi thuyết phục bác sĩ lấy gan mình hiến để cứu mẹ.
- 15-03-2018Thiên tài vật lý Stephen Hawking - người cha truyền cảm hứng và chưa bao giờ áp đặt con
- 14-03-2018Phần tiếp theo của bộ tranh "Vì con gái nhỏ, cha sẽ làm tất cả" từng khiến cư dân mạng rưng rưng
- 09-03-2018Mảng tối đáng sợ của đứa 'trẻ ngoan': Lời cảnh tỉnh những cha mẹ Việt chỉ mong con 'gọi dạ, bảo vâng', chăm ngoan, học giỏi
“Mẹ ơi, con muốn hiến thận cứu bố”, đó là những trăn trở của Nguyễn Trung Quân (26 tuổi, ngụ Hà Nội) lúc chỉ vừa 12 tuổi khi cha anh bị bệnh, cần phải ghép thận trong thời gian sớm nhất.
Thế nhưng lúc đó Quân còn quá nhỏ, gia đình đã phải nhờ sự giúp đỡ từ thận của một người khác để cứu cha Quân qua khỏi bệnh tật.
Nỗi lo bệnh tật vừa qua với cha ít lâu, Quân lại nhận được thông tin mẹ mình là bà Phạm Vân Thanh (56 tuổi) phát hiện xơ gan mật nguyên phát - một bệnh gan mạn tính. Qua nhiều lần điều trị nhưng tình trạng không ổn định, các chỉ số xét nghiệm chức năng gan lên xuống thất thường.
Ra nước ngoài điều trị cũng không hiệu quả, các bác sĩ khuyên để sức khỏe ổn định thì tốt nhất mẹ anh cần được ghép gan.
"Khi mẹ về nước, vào BV Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) điều trị và biết chỉ có ghép gan mẹ mới có thể sống được, tôi chia sẻ với các bác sĩ về nguyện vọng hiến gan cho mẹ.
Sợ mẹ không đồng ý nên tôi phải thuyết phục bác sĩ bằng nhiều cách, vì lúc đó con cái phải là số một, ưu tiên cho tôi hiến để ghép cho mẹ là hợp nhất” - Quân kể lại.
“Khi đấy các anh chị của tôi cũng có gan hợp, tôi muốn nhận của những người lớn vì thằng Quân còn trẻ. Nếu hiến gan cho mẹ sẽ ảnh hưởng đến sau này rất nhiều.
Vậy mà nó vẫn cứ cương quyết không thay đổi, khi đấy tôi khóc nhiều lắm, lo cho con mà cũng vô cùng thương con. Cuối cùng thì nó cũng thắng vì nó yêu mẹ và quyết tâm rất nhiều” - bà Thanh xúc động kể lại.
Theo Trung tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc BV 108, bệnh nhân Thanh bị xơ gan mật giai đoạn cuối, vào viện trong tình trạng suy gan; da, mắt vàng; xét nghiệm chức năng gan suy rất nặng.
Với diễn tiến bệnh như vậy, nếu không ghép gan người bệnh chỉ có thể sống được vài tháng. Rất may mắn là người con trai đã tình nguyện hiến một phần gan cho mẹ.
Các bác sĩ đã cắt toàn bộ gan bên phải của chàng trai để ghép cho mẹ anh. Khác với các tạng khác, gan có thể tái tạo, phì đại trở lại, không trở về kích thước gan bình thường nhưng trọng lượng đủ lớn. Vì thế sau ca ghép, xét nghiệm chức năng gan của Quân đều bình thường...
“Sau ghép hơn bốn tháng, sức khỏe mẹ tốt, con tốt. Mẹ tôi đã ăn tốt hơn, lên cân (trước đó bà chỉ 34 kg, nay đã 38-40 kg), tình trạng tụt huyết áp không còn, ăn uống tốt hơn, da dẻ hồng hơn. Còn tôi, dù cho mẹ gan nhưng thấy không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Tôi đã trở lại tập gym, chơi thể thao, bơi lội và có sức khỏe rất ổn định như người bình thường dù chỉ còn một lá gan trái” - anh Nguyễn Trung Quân chia sẻ.
Điều đặc biệt hơn là chàng trai 26 tuổi này đã đăng ký hiến mô, tạng khi chết, chết não.
Pháp luật TP HCM