13 con số ít biết về nền kinh tế Nga
Lương trung bình tại Nga là 670 USD/tháng và 13% dân số nước này sống dưới mức nghèo...
Sau khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990, nước Nga ra đời với nhiều thay đổi về kinh tế. Tuy nhiên, Nga hiện vẫn đang trên con đường khẳng định lại vị thế cường quốc trong bối cảnh đối mặt với tình trạng dân số giảm, đồng nội tệ biến động và nền kinh tế nhiều phần phụ thuộc vào dầu mỏ.
Dưới đây là những con số ít biết về nền kinh tế Nga được trang Business Insider tổng hợp.
Dân số Nga giảm 700 người mỗi ngày
Theo thống kê của Eurasia Daily Monitor, dân số Nga giảm xấp xỉ 700 người mỗi ngày, tương đương 250.000 người một năm. Một số thành phố của nước này, như Murmansk, có mức giảm dân số tới hơn 30% kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Nguyên nhân của tình trạng này là dân số già, tỷ lệ nhập cư giảm và thất bại của chính phủ trong việc thực thi các quy định về thực phẩm và sức khoẻ.
Một số nhà quan sát cho rằng tình trạng này xảy ra là do các biện pháp cấm vận về kinh tế của phương Tây, góp phần làm gia tăng tỷ lệ nghèo và bất ổn kinh tế tại Nga. Xu hướng dân số giảm này được dự báo sẽ tiếp tục gây ra các vấn đề cho nền kinh tế Nga trong những năm tới.
Nga sở hữu quỹ dự trữ hơn 460 tỷ USD
Nước Nga hiện sở hữu dự trữ hơn 460 tỷ USD, với mức nợ là 29% GDP và ngoại tệ đủ cho 15,9 tháng nhập khẩu. Các dữ liệu kinh tế vĩ mô cơ bản này khiến các chuyên gia tin rằng Nga có thể chịu được các cú sốc toàn cầu, kể cả khi tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức thấp 1,5%.
Sản lượng kinh tế của Nga giảm 45% trong thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ
Từ năm 1989 tới 1998, sản lượng kinh tế của Nga giảm 45% khi các biện pháp cải tổ kinh tế được áp dụng sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991. Tới năm 2000, GDP của nước này tương đương 30 - 50% mức sản lượng thời Liên Xô. Theo các nhà phân tích, nhiều nhân tố đã dẫn tới các cơn suy thoái hậu quá trình chuyển đổi, tất cả gây ra khoảng thời gian hỗn loạn với những chính sách kinh tế kém hiệu quả của chính phủ.
Dầu mỏ và khí gas chiếm 59% xuất khẩu của Nga
Nga là quốc gia giàu dầu mỏ và nền kinh tế nước này phụ thuộc lớn vào nguồn tài nguyên này. Vào cuối năm ngoái, sản lượng dầu của Nga đạt mức cao nhất trong lịch sử - 11,16 triệu thùng/ngày, theo Reuters. Năm 2017, khí gas chiếm tới 59% sản lượng xuất khẩu của Nga và chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu, theo Ngân hàng Thế giới (WB).
Hơn 13% người Nga sống dưới mức nghèo
Trong một bài phát biểu vào năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết sẽ giảm một nửa tỷ lệ nghèo tại nước này. Theo tờ Irish Times, số liệu chính thức thời điểm đó cho thấy khoảng 19,3 triệu người Nga đang số ở dưới mức nghèo, tương đương 13%.
Trong bài phát biểu, ông Putin nhấn mạnh rằng chính phủ sẽ đầu tư 25,7 nghìn tỷ Rúp, tương đương 380 tỷ USD, để hiện đại hoá hệ thống y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, nhà ở và nông nghiệp, nhằm giúp những người gặp khó khăn, đồng thời kiềm chế tình trạng giảm dân số.
Tuy vậy, tỷ lệ nghèo của Nga hiện tại đã giảm đáng kể so với mức gần 35% thời điểm Liên Xô sụp đổ.
Nga có hơn 70 tỷ phú
Chênh lệch giàu nghèo tại Nga ở mức khá cao và thủ đô Moscow thường xuyên xuất hiện trong danh sách những thành phố có nhiều tỷ phú nhất thế giới. Nước này hiện có hơn 70 tỷ phú. Trong đó, phần lớn tỷ phú tích luỹ tài sản vào những năm 1990.
Đồng Rúp giảm 50% giá trị trong thập kỷ này
Nền kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng tài chính lớn từ năm 2014 đến 2017, khiến đồng nội tệ Rúp của nước này mất một nửa giá trị. Năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Nga đổ lỗi cho các lệnh cấm vận của Mỹ khiến đồng Rúp chạm đáy 2 năm - chỉ còn 69,4 Rúp đổi một USD. Năm 2013, giá trị đồng tiền này là 33 Rúp đổi một USD. Khủng hoảng kinh tế xảy ra do giá dầu sụt mạnh vào năm 2014 và các lệnh cấm vận nhắm vào Nga sau khi nước này có xung đột với Ukraine.
Lương trung bình tại Nga là 670 USD/tháng
Dù Nga nằm trong top 10 nền kinh tế có sản lượng kinh tế lớn nhất thế giới, lương trung bình của người dân nước này là 42.413 Rúp, tương đương 670 USD. Con số này đã tăng gần 50% kể từ năm 2016 khi lương trung bình là 437 USD. Mức lương của người dân Nga cũng bị ảnh hưởng lớn do biến động của đồng Rúp. Số hàng hoá và dịch vụ mà người dân nước này có thể mua với thu nhập hàng tháng năm 2018 ít hơn khoảng 40% so với vào năm 2013.
Ikea nắm giữ 20% thị trường thiết bị nội thất Nga
Chuỗi bán lẻ nội thất Thuỵ Điển Ikea mở cửa hàng đầu tiên thủ đô Moscow của Nga vào năm 2000 và nhanh chóng trở thành một trong những chuỗi nội thất hàng đầu nước này. Trong 18 năm sau đó, Ikea đã mở thêm 2 cửa hàng tại Moscow và có tổng cộng 14 cửa hàng trên khắp nước này. Hiện hãng này chiếm khoảng 20% thị phần thị trường nội thất của Nga.
Mức tiêu thụ rượu vodka của Nga giảm hơn 50% trong 20 năm qua
Vào đầu thiên niên kỷ này, người Nga tiêu thụ khoảng 2,14 tỷ lít rượu vodka. Tới năm 2015, con số này giảm xuống dưới 1 tỷ lít, trong khi tiêu thụ rượu champagne tăng từ 183 triệu lít lên 236 triệu lít. Theo tờ BBC, văn hoá Nga có xu hướng Tây hoá trong 2 thập kỷ qua khi người dân nước này chuyển sang uống bia và rượu vang.
Asbest, Nga sản xuất 315.000 tấn Amiăng trong năm ngoái
Amiăng là mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của thành phố Asbest tại Nga. Bất chấp các mối nguy hiểm tới sức khoẻ của amiăng, sản lượng chất này của Asbest vẫn tăng trong năm ngoái lên 315.000 tấn, theo tờ New York Times. Đây là lần tăng sản lượng amiăng đầu tiên của thành phố này trong nhiều năm. 80% sản lượng này được bán ra nước ngoài, bao gồm 67 tấn xuất sang Mỹ. Amiăng bị cấm tại hơn 60 quốc gia trên thế giới.
Nga đầu tư hơn 250 triệu USD vào ngành khai thác kim cương của Zimbabwe
Trong suốt thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đua nhau tạo ảnh hưởng tới khu vực châu Á. Giờ đây, Nga chuyển hướng sang châu Phi. Cả Nga và Trung Quốc đều đã rót vốn đầu tư lớn nhằm gia tăng sức ảnh hưởng tại lục địa đen. Tháng 1/2019, Nga đầu tư 267 triệu USD vào ngành công nghiệp kim cương của Zimbabwe. Ảnh hưởng của Nga tại châu Phi chủ yếu là nhờ xuất khẩu trong lĩnh vực quân sự và các công ty khai khoáng thuộc sở hữu của chính phủ.
Nga chi hơn 50 tỷ USD cho Olympics mùa đông năm 2014
Khi Olympics mùa đông được tổ chức tại thành phố Sochi của Nga vào năm 2014, chính phủ nước này đã chi hơn 50 tỷ USD cho sự kiện này. Khoản đầu tư này không chỉ bao gồm chi phí xây dựng các sân vận động và khách sạn mới, mà còn bao gồm cả xây cầu, đường, đường ống dẫn ga áp suất thấp và các dự án cơ sở hạ tầng khác.
Tuy nhiên, khoản đầu tư này có vẻ mang lại hiệu quả. Các quan chức của Nga cho biết năm 2017 đã có 6,5 triệu du khách tới thành phố du lịch này, thổi nguồn sống vào nền kinh tế địa phương - vốn chỉ được biết đến với hoạt động giải trí mùa hè. Năm 2018, Nga đăng cai tổ chức FIFA World Cup với chi phí đầu tư hơn 11 tỷ USD cho công tác xây dựng và chuẩn bị.
VnEconomy