14 thứ nên loại bỏ khỏi căn bếp ngay bây giờ để mang lại sự gọn gàng, an toàn và tiết kiệm tiền
Đã đến lúc bạn cần dọn dẹp lại căn bếp và sau đây là những món đồ chúng ta nên loại bỏ ngay.
- 16-08-2021Căn bếp 13m² chứa "tỉ thứ đồ" bên trong nhờ thiết kế "hệ giấu kín" thông minh của mẹ đảm ở Hà Nội
- 21-01-20214 loại thực phẩm chứa đầy vi khuẩn trong căn bếp, dù có rửa sạch hay đun sôi thì cũng đừng cố ăn
- 19-10-20204 thứ trong căn bếp là khởi nguồn của bệnh ung thư gan, chứa chất độc khét tiếng nhất thế giới
Bếp dường như là trái tim của cả căn nhà nhưng lại thường xuyên rơi vào tình trạng lộn xộn, bừa bộn. Lý do bởi vì có quá nhiều đồ đạc chất đống trong khoảng không gian nhỏ ấy.
Đã đến lúc bạn cần dọn dẹp lại căn bếp. Sau đây là những món đồ chúng ta nên loại bỏ khỏi bếp ngay, để giữ gìn sự ngăn nắp và an toàn.
1. Các tiện ích đã bị quên lãng
Trong bếp của bạn có máy cắt chuối, dụng cụ tách trứng hoặc vài tiện ích tương tự mà đã nhiều tháng nay không sử dụng tới? Điều đó có nghĩa bạn không thật sự cần đến chúng đâu. Việc loại bỏ các món đồ ấy sẽ khiến căn bếp thoáng đãng và sạch sẽ hơn.
2. Chảo chống dính bị xước
Chảo chống dính bị xước khi chế biến món ăn sẽ không tốt cho sức khỏe. Kể cả mức độ gây hại của nó không nghiêm trọng như người ta vẫn tưởng thì cũng khiến đồ ăn dễ bám và cháy ở đáy chảo. Từ đó mà công dụng chống dính không còn được phát huy tốt nữa. Đã đến lúc bạn cần thay mới chiếc chảo của mình rồi.
3. Miếng bọt biển cũ
Bọt biển cũ có thể là mối đe dọa đến sức khỏe của chủ nhà một cách rõ rệt. Nó là nơi sản sinh ra nhiều loại vi khuẩn có hại, cho dù chúng ta cố gắng giặt và phơi khô thì cũng không thật sự hiệu quả.
Các chuyên gia khuyên bạn nên thay mới bọt biển thường xuyên, để đảm bảo sự an toàn cho cả gia đình.
4. Gia vị cũ
Các loại gia vị cũ chưa bị mốc hỏng có thể không gây hại cho người sử dụng, song hương vị của chúng thì đã giảm sút rõ rệt.
Bạn hãy loại bỏ khỏi căn bếp những loại gia vị đã không còn mùi thơm, để giải phóng không gian khu vực đựng đồ khô.
5. Các loại đồ khô đã hết hạn sử dụng
Một số thực phẩm như bột mì, bột nở, dầu ăn, đồ hộp, cho dù chúng có hạn sử dụng dài nhưng không có nghĩa là sẽ tồn tại được mãi mãi. Cùng với các loại gia vị cũ, bạn nên loại bỏ cả những lọ đựng thực phẩm dạng này nếu đã cất trữ chúng quá lâu trong bếp.
6. Một nửa số cốc cà phê của bạn
Ngay cả những người đam mê uống cà phê cũng thường chỉ có bộ sưu tập cốc đủ để thay đổi trong 1 tuần. Bạn hãy kiểm tra ngăn tủ đựng cốc, lôi ra những chiếc ở phía sau đã bám đầy bụi, lâu rồi không sử dụng đến.
Bạn có thể tái sử dụng chúng để làm cốc cắm bút, đựng nến hoặc vài phương án thú vị khác.
7. Túi nilon tích trữ
Chắc hẳn ai cũng có cả tá túi nilon, túi giấy tích trữ được sau những lần mua sắm với ý định để dùng dần. Trừ phi bạn thường xuyên sử dụng đến món đồ này, nếu không hãy dọn sạch chúng ra khỏi bếp.
Bạn chỉ nên dự trữ vài chiếc túi có thể tái sử dụng để đi mua sắm mà thôi, vừa gọn gàng cho căn bếp mà còn tốt cho môi trường.
8. Hộp đựng thực phẩm bị hỏng hoặc mất nắp
Một khi hộp đựng thực phẩm đã bị cong vênh, ố màu, chúng sẽ không còn bảo quản tốt đồ ăn nữa. Chúng ta nên thay thế những chiếc hộp như vậy bằng sản phẩm mới.
Đối với hộp mất nắp, hẳn là bạn sẽ tiếc không muốn bỏ đi. Song thực tế chúng cũng chỉ khiến căn bếp trở nên bừa bộn mà thôi. Hãy sáng tạo cho chúng những công dụng mới, ví dụ như để đồ lặt vặt trong ngăn kéo.
9. Xịt khử mùi nhà bếp
Việc mua xịt khử mùi nhà bếp sẽ khiến bạn tốn thêm tiền chi tiêu. Thay vào đó, để khử mùi bạn có thể mở cửa sổ hoặc dùng bã cà phê, giấm trắng, banking soda, chúng đều là những nguyên liệu có sẵn trong bếp lại rẻ tiền.
10. Nước đóng chai
Bạn có thể giữ vài chai nước trong xe ô tô để phòng trường hợp khẩn cấp. Vậy nhưng sử dụng nước đóng chai thường xuyên sẽ là một thói quen không hề tốt. Nó sẽ khiến ví tiền của bạn bị tổn hại lớn, chẳng những thế còn chiếm khá nhiều diện tích trong bếp.
So với việc sử dụng nước đóng chai thì dùng nước từ máy lọc vừa rẻ tiền lại thân thiện với môi trường hơn rất nhiều.
11. Dụng cụ trùng lặp
Bạn có thực sự cần đến 4 chiếc muôi hoặc 3 cái kéo cắt thức ăn không? Với những dụng cụ giống nhau mà bạn không sử dụng hết, hãy loại bỏ chúng ra khỏi nhà bếp để giải phóng thêm không gian.
12. Bát đĩa nhựa giá rẻ
Đó có thể là vài món đồ dành cho trẻ em hay những chiếc cốc bạn thu thập được từ chương trình khuyến mại của một nhãn hàng nào đó. Bạn không nên giữ lại vì rõ ràng nó đang chiếm diện tích nhà bếp mà chưa chắc đã an toàn cho sức khỏe của người dùng.
13. Thớt đã hư hỏng
Bất kể là thớt nhựa hay thớt gỗ, bạn cần nhớ rằng phải loại bỏ chúng nếu đã bị xước, nứt. Nếu không vi khuẩn sẽ tích tụ ở các khe nhỏ ấy, cho dù rửa sạch cũng khó bề loại bỏ được hết.
14. Sự lộn xộn không thuộc về nhà bếp
Bàn, quầy bếp và ngăn kéo dễ trở thành nơi tập kết của những món đồ không thuộc về căn bếp, như đồ chơi trẻ nhỏ, hóa đơn, nguyên liệu làm thủ công... Hãy tìm vị trí khác để cất trữ những món đồ như vậy, đừng "ăn trộm" không gian bếp vốn đã chẳng được rộng rãi.
Nhịp sống Việt