1,4 triệu đồng cho 40 phút trải nghiệm: Có gì trong ngành công nghiệp mới Trung Quốc đang dốc sức đầu tư?
Kinh tế du thuyền là lĩnh vực nằm trong chính sách mới được Trung Quốc ưu tiên đẩy mạnh.
- 19-06-2024Trước cảnh ‘cát nuốt chửng người’, Trung Quốc mang rừng vào sa mạc, đi ngược quy luật truyền thống khiến thế giới ngả mũ thán phục
- 19-06-2024Xu hướng phi đô la hoá được thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ: Một loạt NHTW lớn lên kế hoạch 'gom' tài sản khác thay cho USD trong dự trữ ngoại hối
- 19-06-2024Một khi Fed cắt giảm lãi suất, chỉ số này có thể tăng tới 100%, sẵn sàng bùng nổ để nhà đầu tư kiếm lời
Tour ngắm biển 40 phút, 1.4 triệu đồng
Xuất phát từ cảng Tam Á, con tàu ngắm cảnh di chuyển chầm chậm, mặt biển vàng như rải mật, những cơn gió thổi vào vịnh phần nào làm dịu đi không khí nóng bức đầu hè.
Bên trái là đường bờ biển kéo dài neo đầy tàu thuyền của Lộc Hồi Đầu, bán đảo cực Nam của Tam Á, bên phải là đảo Phượng Hoàng với khu kiến trúc 5 tòa tháp đặc trưng, xa phía đường chân trời, tàu bè nằm rải rác trên biển.
Trên tàu có DJ chơi nhạc sống, những bản hit remix bắt tai của Calvin Harris, Fergie... dường như không ăn nhập với khung cảnh hoàng hôn của vịnh, nhưng lại là yếu tố không thể thiếu tạo nên không khí tiệc tùng sôi động khi màn đêm buông xuống.
Tàu dừng lại khoảng 20 phút ngay cửa vịnh, cách cảng độ 3 hải lý rồi quay trở về. Đây là toàn bộ hành trình cho một tour du lịch ngắm cảnh trên vịnh Tam Á, Hải Nam - nơi được Trung Quốc mệnh danh là Haiwaii của phương Đông: 40 phút trải nghiệm với mức giá 398 nhân dân tệ/người (hơn 1,4 triệu đồng).
Ông Vương Tiêu, giám đốc công ty du thuyền Kỷ Lâm, một trong những đơn vị khai thác tour du lịch ngắm biển trên vịnh Tam Á cho biết, hoạt động này hiện đang ngày càng phát triển ở Hải Nam và phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch.
"Chúng tôi có 30 tàu du lịch kiểu này, mỗi ngày phục vụ 1500 lượt khách", ông Vương Tiêu nói, "Có khoảng 70% là khách nội địa Trung Quốc, còn lại là khách quốc tế, chủ yếu đến từ Nga, Hàn Quốc, Mông Cổ, một số từ ASEAN".
Tam Á là khu vực nghỉ dưỡng hàng đầu của Trung Quốc, với dân số hơn 1 triệu người. Năm 2023, GDP của Tam Á đạt 97,13 tỷ nhân dân tệ (khoảng 13,66 tỷ đô la Mỹ), tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiệt độ trung bình hàng năm của Tam Á là 25,4 độ C. Đường bờ biển dài, nhiều vịnh và đảo - những đặc điểm này đã tạo điều kiện cho chính quyền địa phương phát triển du lịch thể thao dưới nước và du lịch biển, trong đó trọng tâm là kinh tế du thuyền, một trong những lĩnh vực trong chính sách mới được Trung Quốc ưu tiên đẩy mạnh.
Ưu tiên của Trung Quốc
Mới đây, Trung Quốc đã giới thiệu chế độ miễn thị thực cho công dân nước ngoài đến bằng tàu du lịch trong khuôn khổ các nhóm du lịch tổ chức.
Theo quyết định của Cục Quản lý Nhập cư Quốc gia Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 15/5, người nước ngoài có thể nhập cảnh tại cảng tàu ở 13 thành phố của Trung Quốc, trong đó có Tam Á, và ở lại nước này mà không cần thị thực trong 15 ngày. Điều kiện là họ phải nằm trong một nhóm du lịch từ 2 người trở lên và tham gia chương trình tour của một công ty du lịch Trung Quốc.
Phó giáo sư Zhu Jialiang từ Đại học Hạ Môn, Trung Quốc nhấn mạnh vai trò của động thái này trong việc thúc đẩy thêm sự phát triển của nền kinh tế du thuyền ở các khu vực ven biển của nước này.
Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ cho hoạt động du thuyền, các kế hoạch liên quan đến du lịch bằng du thuyền trong khu vực đã được lên kế hoạch từ đầu 2023. Theo dữ liệu của cơ quan quản lý, thị trường du lịch bằng du thuyền ở Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 39 triệu khách vào năm 2027.
Là một phần của kế hoạch thúc đẩy du lịch, Hải Nam trở thành khu vực thí điểm cho nỗ lực đổi mới và phát triển của ngành công nghiệp du thuyền của Trung Quốc.
Du thuyền đã được nhấn mạnh trong chính sách mới của Trung Quốc, bao gồm mọi thứ từ vận chuyển, công nghệ cho tới tài chính. Các công ty được thành lập trong Khu Thương mại Tự do Hải Nam sẽ chỉ bị đánh thuế 15%. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp.
"10 năm trước, Tam Á có chưa đầy 10 chiếc du thuyền. Giờ thì có tới 500 chiếc được đăng ký tại cơ quan hàng hải. Năm 2019, chúng tôi có 100 chiếc du thuyền cho thuê, và đến năm 2020, số lượng đã tăng lên hơn 200", Yan Yaya - đại diện China Visun Real Estate, đơn vị vận hành một trong những công ty du thuyền lớn nhất Trung Quốc cho biết.
"Sự sôi động của ngành công nghiệp du lịch cũng như du thuyền tại Hải Nam thực tế là một chỉ báo đo lường mức độ tiêu dùng cao cấp của người tiêu dùng Trung Quốc khá giả. Khi hoạt động kinh doanh và du lịch [ở Trung Quốc] phục hồi, nhu cầu đối với [dịch vụ ngắm cảnh trên thuyền và dịch vụ du thuyền] tăng vọt, thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng của chuỗi ngành công nghiệp du thuyền tại Hải Nam", ông Zhou Luming, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Du lịch Du thuyền Hải Nam nói.
Trong thông cáo chung của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, Trung Quốc đã đặt mục tiêu hoàn thiện hệ thống thiết bị và công nghiệp ban đầu cho du thuyền và du thuyền hạng nhẹ vào 2025.
Nước này sẽ tăng cường năng lực thiết kế và sản xuất du thuyền, du thuyền nhẹ để đáp ứng nhu cầu phát triển. Đến năm 2025, quy mô thị trường du thuyền của Trung Quốc dự kiến sẽ vượt 10 tỷ nhân dân tệ (1,5 tỷ đô la Mỹ).
Thông cáo cũng kêu gọi thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường cơ sở công nghiệp của ngành công nghiệp thiết bị du thuyền và du thuyền nhẹ, đồng thời khuyến khích các cảng du thuyền phát triển sản phẩm du lịch phối hợp với các điểm du lịch hấp dẫn.
Trung Quốc nhắm tới mục tiêu xây dựng thành phố nghỉ mát ven biển Tam Á thành cảng du thuyền quốc tế và các thành phố ven biển khác bao gồm Thượng Hải, Thiên Tân và Thâm Quyến trở thành các điểm đến du thuyền hàng đầu.
Đời sống và Pháp luật