1.400 CEO đến từ 21 nền kinh tế APEC muốn bỏ tiền vào đâu?
Bất chấp các mâu thuẫn thương mại, lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực APEC đang có mức độ lạc quan đạt mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Liệu Việt Nam có tên trong danh sách lạc quan không? câu trả lời bên dưới.
Công ty PricewaterhouseCoopers (PwC) đã khảo sát hơn 1.400 nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong từng nền kinh tế của 21 nền kinh tế APEC trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) tại Việt Nam.
Theo đó, mức độ lạc quan về tăng trưởng doanh thu của các lãnh đạo doanh nghiệp trong 21 nền kinh tế của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đang ở mức cao nhất trong ba năm.
Cụ thể, 37% CEO trong khu vực APEC rất lạc quan về tăng trưởng doanh thu trong 12 tháng tới, tăng từ 28% năm 2016 bất chấp những biến động về chính sách thương mại và căng thẳng chính trị ở nhiều nền kinh tế trong khu vực APEC.
Trong năm tới, 50% doanh nghiệp mà PwC khảo sát sẽ tăng các khoản đầu tư toàn cầu (bao gồm cả các nước ngoài khu vực APEC). Tỷ lệ này cao hơn mức 43% năm ngoái vì các doanh nghiệp APEC đang tìm cách nâng cao vị thế và ảnh hưởng của mình trên nền kinh tế toàn cầu.
71% các doanh nhân dự định tăng đầu tư sẽ phân bổ các khoản tăng này vào các nền kinh tế APEC vào năm 2018, và 63% tổng số các CEO của khu vực APEC mong muốn mở rộng quy mô hoạt động toàn cầu trong ba năm tới.
Những nền kinh tế thu hút đầu tư nội địa lớn nhất sẽ là Việt Nam, Nga, Philippines, Indonesia và Malaysia.
Cũng theo khảo sát, Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Mỹ và Thái Lan là những điểm đến hàng đầu của các lãnh đạo doanh nghiệp APEC khi đầu tư ra nước ngoài. 89% CEO của Malaysia và 86% CEO của Việt Nam mong muốn mở rộng toàn cầu.
Ông Bob Moritz, Chủ tịch Toàn cầu của PwC nói: "Sự tự tin của các lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy họ không chờ đợi môi trường kinh doanh ổn định hơn mới thúc đẩy kế hoạch đầu tư. Trong ngắn hạn thì điều này sẽ thúc đẩy APEC nâng cao ảnh hưởng toàn cầu và đẩy mạnh các thương vụ, khi mà có tới 71% các CEO mong muốn trông cậy nhiều hơn vào các mối quan hệ đối tác kinh doanh/ liên doanh trong tương lai.”
Bên cạnh đó, ông Bob Moritz cũng cho biết các CEO quan ngại một số vấn đề như: điều kiện thương mại hạn chế, đặc biệt là trong việc lưu chuyển lao động và hàng hoá.
Theo ông, đây phải là một chủ đề chính trong nội dung thảo luận của các lãnh đạo APEC tại Hội nghị Thượng đỉnh CEO vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự cạnh tranh và tăng trưởng. “30% lãnh đạo doanh nghiệp muốn diễn đàn APEC đi đầu trong việc tìm ra các giải pháp cho vấn đề di chuyển lao động", Chủ tịch Toàn cầu của PwC cho hay.
Còn ông Sridharan Nair, Lãnh đạo Cấp cao Khu vực, PwC Malaysia / Việt Nam nhận định rằng các lãnh đạo doanh nghiệp ASEAN nổi bật so với các đối tác trong khu vực APEC bởi sự lạc quan trong triển vọng tăng trưởng.
“Trong bối cảnh giao dịch thương mại ngày càng có nhiều biến động, tỷ lệ các lãnh đạo doanh nghiệp ASEAN dự kiến mở rộng hoạt động kinh doanh toàn cầu trong ba năm tới là cao hơn mức trung bình”, ông nói.
Riêng về các CEO Việt Nam, theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam thì: "Mức độ lạc quan của các lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam đang ở mức cao. Điều này không có gì ngạc nhiên. Gần một nửa các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (47%) dự định tăng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 12 tháng tới.”
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: APEC Việt Nam 2017
Xem tất cả >>- Phó Thủ tướng "bật mí" về đêm trắng ở APEC
- Tổng thống Mỹ Donald Trump lúng túng khi bắt tay chéo
- APEC 2017: "Tổ chức tuyệt vời, chủ đề thực tế"
- APEC qua góc nhìn của 4 vị đại sứ
- Nguyên Trưởng đoàn đám phán Hiệp định Việt Mỹ phân tích "cơn gió thương mại" ngược chiều của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình