15 lĩnh vực ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài
Hoạt động báo chí và thu thập tin tức dưới mọi hình thức; Đánh bắt hoặc khai thác hải sản; Sản xuất, kinh doanh đèn trời... là những lĩnh vực hạn chế tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài
- 27-10-2020Chính sách mới có ý nghĩa thế nào đối với ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam?
- 27-10-2020Đại sứ Thuỵ Điển: "Việt Nam cần tăng giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thay vì chỉ tăng giá trị thương mại đơn thuần"
- 27-10-2020Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 có 15 doanh nghiệp tư nhân vốn hóa 1 tỷ USD
Luật đầu tư 2020 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khó XIV ngày 17/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 và thay thế Luật Đầu tư 2014.
Có rất nhiều điểm mới được thay đổi, bổ sung trong Luật Đầu tư 2020 như cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, giảm số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, bổ sung nhiều ngành, nghề và thêm hình thức ưu đãi đầu tư... Trong đó, ban hành Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng là một trong những điểm mới, bao gồm: (i) ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường và (ii) ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.
Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường, gồm các ngành, nghề mà pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế về đầu tư không cho phép nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh; các ngành, nghề có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; và các ngành, nghề độc quyền nhà nước. Đó là các ngành, nghề sau:
1. Kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại;
2. Hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức;
3. Đánh bắt hoặc khai thác hải sản;
4. Dịch vụ điều tra và an ninh;
5. Các dịch vụ hành chính tư pháp, bao gồm dịch vụ giám định tư pháp, dịch vụ thừa phát lại, dịch vụ đấu giá tài sản, dịch vụ công chứng, dịch vụ của quản tài viên;
6. Dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
7. Xây dựng nghĩa trang, dịch vụ nghĩa trang và dịch vụ mai táng;
8. Dịch vụ thăm dò ý kiến công chúng (thăm dò dư luận);
9. Dịch vụ nổ mìn; và sản xuất, kinh doanh vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;
10. Dịch vụ kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho các phương tiện vận tải;
11. Nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng;
12. Dịch vụ bưu chính công ích;
13. Dịch vụ khảo sát, xây dựng và phát hành hải đồ vùng nước, cảng biển, luồng hàng hải và tuyến hàng hải; xây dựng và phát hành ấn phẩm hàng hải;
14. Kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa;
15. Sản xuất, kinh doanh đèn trời.
Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện gồm những ngành, nghề mà điều ước quốc tế về đầu tư và pháp luật Việt Nam có quy định phân biệt đối xử về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, các ngành, nghề này là: Sản xuất, phân phối, và chiếu các chương trình ti vi và các tác phẩm ca múa nhạc, sân khấu, điện ảnh; cung cấp dịch vụ phát thanh và truyền hình; bảo hiểm, ngân hàng, môi giới, kinh doanh chứng khoán và các dịch vụ có liên quan khác; dịch vụ bưu chính, viễn thông; dịch vụ quảng cáo; dịch vụ giáo dục; kinh doanh đặt cược, casino; kinh doanh bất động sản…
BizLIVE